Gỡ khó tại nhiều dự án trọng điểm
Theo dự kiến, các dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành, được khởi công năm 2021. Nhưng do ảnh hưởng đại dịch nên không kịp triển khai theo đúng kế hoạch. Thành phố đã có nhiều biện pháp để các công trình này thi công liên tục hoặc sớm được thi công.
Nhiều khó khăn trong mùa dịch
Một trong những dự án quan trọng nhất của TP. Hồ Chí Minh hiện nay là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) một lần nữa “lỡ hẹn”. Dự kiến năm 2022 nhưng phải dời đến năm 2024 mới có thể vận hành khai thác. Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 (phụ trách tuyến metro số 1) Hoàng Mai Tùng, chủ yếu đều do đại dịch khiến cho mọi kế hoạch đề ra đều bị “tắc”.
Trên các công trường, số nhân công sụt giảm nghiêm trọng, gây không ít khó khăn cho quá trình thi công. Nếu như những tháng đầu năm 2021, công trường tuyến metro này duy trì trên 2.000 nhân sự thì đến hết tháng 8 chỉ còn hơn 500 người. Tâm lý e ngại dịch dẫn đến số lượng lớn nhân công rời bỏ công trường, trở về địa phương sinh sống. Không những vậy, đến nay, việc thực hiện các thủ tục nhập cảnh; nhập khẩu thiết bị, vật liệu; việc thử nghiệm, nghiệm thu tại nhà máy (FAT)... tiếp tục bị ảnh hưởng…
Cùng chung cảnh ngộ, công trường dự án xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) cũng không một bóng người, những chiếc máy xúc, cần cẩu nằm “bất động”. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông - chủ đầu tư), dự án đang gặp khó trong việc tiếp nhận vật tư. Khối lượng thi công công trình mới đạt hơn 27% theo kế hoạch. Việc chưa giải quyết vướng mắc phát sinh liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng cũng như ảnh hưởng COVID-19 khiến cho tiến độ thực hiện dự án chậm so kế hoạch.
Báo cáo về tiến độ các dự án trọng điểm, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh thông tin, dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ khởi công hai dự án giải tỏa ùn tắc khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình); gồm dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa; và dự án cải tạo đường Cộng Hòa, từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long. Cả hai dự án dự kiến hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và khởi công trong quý IV/2021. Nhưng do giãn cách xã hội nhiều tháng nay nên cả hai đều không kịp khởi công trong năm nay.
Theo ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, việc bố trí nhân lực xây dựng các công trình và một số công tác liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ giải phóng và thi công.
Không để chậm trễ hơn
Để tuyến metro số 1 không thể chậm trễ hơn nữa, Trưởng ban MAUR Bùi Xuân Cường cho biết, thời gian tới thành phố sẽ có hai kịch bản. Kịch bản 1 là tiếp tục thi công theo phương án “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”. Trong đó, về thi công sẽ khôi phục từ 15 - 30% các hạng mục quan trọng như kết cấu, hoàn thiện kiến trúc, cơ điện…, huy động hơn 600 công nhân tại các công trường. Kịch bản 2, khi được phép di chuyển trở lại đối với các dự án thi công trọng điểm, về thi công sẽ khôi phục từ 40 - 80% các hạng mục quan trọng, huy động hơn 1.300 công nhân đã được tiêm vaccine.
Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 cũng gặp không ít trắc trở cho ngày hoàn thành nối thông trung tâm TP. Hồ Chí Minh (quận 1) với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Hiện, khối lượng thi công công trình đến nay đạt khoảng hơn 80%. Dự kiến, dự án hoàn thành cầu chính vào cuối năm 2021 và đưa vào sử dụng vào quý II/2022.
Về dự án xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, trao đổi với Thời Nay, Giám đốc Ban giao thông Lương Minh Phúc cho biết, hiện, các đơn vị thi công tiêm vaccine phòng dịch cho lực lượng thi công và tổng rà soát, hoàn thiện tổ chức công trường. Sắp tới đơn vị sẽ triển khai công tác ép cọc bê-tông cốt thép, bê-tông đáy hầm, hoàn thiện các đốt hầm hở…
Dự kiến quý IV/2021, sau khi hoàn tất di dời hạ tầng kỹ thuật, đơn vị sẽ tập trung thi công các đốt hầm kín còn lại và hoàn tất hạng mục trạm bơm của hầm chui. Với sự chỉ đạo tháo gỡ và hỗ trợ kịp thời của UBND thành phố và các sở, ngành, Ban Giao thông cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Với hai dự án giải tỏa ùn tắc khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất, ông Phan Công Bằng cho biết, về dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương cho UBND quận Tân Bình khẩn trương tiến hành các công tác thu hồi, bồi thường theo giá đất trước đây đã được phê duyệt ở cả hai dự án.
Dự kiến quận Tân Bình hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng trong quý IV/2021. Sau khi có mặt bằng, chủ đầu tư sẽ khởi công và thi công hoàn thành trong tám tháng. Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa cũng đang trong quá trình lập nghiên cứu báo cáo khả thi; hiện đang chờ các sở, ngành có ý kiến về báo cáo nghiên cứu khả thi để hoàn thành thẩm định và trình UBND thành phố xem xét phê duyệt.
Tại dự án xây dựng cầu vượt Bến xe Miền Đông mới trên Xa lộ Hà Nội, khối lượng thi công công trình đạt khoảng 24%, việc tổ chức thi công công trình gặp khó khăn do không có mặt bằng. Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII - chủ đầu tư) cho hay, đơn vị thi công đã hoàn tất công tác bê-tông cầu và nền đá đường đầu cầu số 3, đường song hành… Riêng khâu thảm bê-tông nhựa, đang tìm nhà cung cấp mới do một số đơn vị cung cấp bê-tông nhựa tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách. Dự kiến sau khi có nhà cung cấp mới, đơn vị thi công hoàn tất các khối lượng thi công còn lại trong năm 2021.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, cấp bách trong năm 2021 gồm: bốn tuyến đường chính trong Khu đô thị Thủ Thiêm; sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh; mở rộng đường Đồng Văn Cống; sửa chữa và nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh; đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; cầu Long Kiểng...
Để các dự án trên tiếp tục được thi công trở lại sớm nhất, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành các tiêu chí quy định cụ thể đối với từng nhóm công trình xây dựng. Trong đó, chỉ những nơi “bình thường mới”, “vùng xanh” mới được triển khai xây dựng một số nhóm công trình khi đáp ứng các điều kiện trên.
Hiện, các nhóm công trình trong khu vực đạt mức “bình thường mới”, “vùng xanh” được xây dựng gồm: Phục vụ phòng, chống dịch; dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của thành phố; công trình thực hiện theo lệnh khẩn cấp; phục vụ quốc phòng, an ninh đã triển khai... Ngoài ra, công trình sắp hoàn thành với khối lượng đạt hơn 80%; công trình đang thi công bắt buộc phải tiếp tục... cũng được triển khai xây dựng.
Các đơn vị tham gia tại công trình trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phải cam kết 100% nhân công được cấp “thẻ xanh” COVID-19, hoặc điều kiện tương đương. Trước khi triển khai các hoạt động, chủ đầu tư, nhà thầu phải lập phương án phòng, chống dịch gửi chính quyền địa phương nơi xây dựng.