Gọi tên các mã được chọn xây chứng quyền
Dự kiến, ngày 28/6/2019, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) sẽ được niêm yết và giao dịch. Khoảng 7 - 8 công ty chứng khoán sẽ tham gia phát hành CW đợt đầu tiên, dựa trên các cổ phiếu như MBB, FPT, MWG, HPG, PNJ…
Giao dịch CW được cho là có nhiều ưu điểm như vốn đầu tư thấp nhưng cơ hội thu lợi cao (chi phí sở hữu CW thấp so với giá trị của chứng khoán cơ sở nhưng nhà đầu tư có cơ hội nhận được khoản lợi nhuận tương đương như khi nắm giữ chứng khoán cơ sở), xác định được ngay từ đầu mức lỗ tối đa (bằng đúng chi phí bỏ ra ban đầu để mua CW), rủi ro không cao vì cổ phiếu cơ sở là các chứng khoán chất lượng, còn công ty chứng khoán phát hành phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe...
Vì vậy, CW được giới đầu tư hào hứng chờ đón, còn các công ty chứng khoán đang rốt ráo chuẩn bị những bước cuối cùng để phát hành sản phẩm này.
Theo công bố của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), hiện có 26 mã cổ phiếu đủ điều kiện làm chứng khoán cơ sở cho sản phẩm CW, bao gồm: REE, SSI, DPM, VIC, STB, EIB, SBT, HPG, MSN, MWG, CII, CTD, DHG, GMD, VHM, ROS, HDB, VRE, MBB, FPT, TCB, VNM, VJC, PNJ, VPB, NVL.
Tiêu chí để trở thành chứng khoán cơ sở cho CW là thuộc nhóm VN30, có giá trị vốn hoá trong 5 tháng gần nhất đạt 5.000 tỷ đồng, khối lượng giao dịch bình quân trên 50 tỷ đồng/ngày, hoặc khối lượng giao dịch tối thiểu bằng 25% lượng cổ phiếu tự do lưu hành (free float) bình quân trong 6 tháng gần nhất. Bên cạnh đó, cổ phiếu phải có tỷ lệ Free float tối thiểu 20%, thuộc doanh nghiệp không có lỗ luỹ kế và kỳ hiện tại có lãi.
Tính đến thời điểm hiện tại, khả năng sẽ có khoảng 7 - 8 công ty chứng khoán sẽ tham gia phát hành CW đợt đầu tiên, bao gồm Chứng khoán SSI (SSI), Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Chứng khoán VNDIRECT (VND), Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán BIDV (BSC), Chứng khoán VPBank (VPBS) và Chứng khoán KIS Việt Nam.
Trong đó, theo nguồn tin của Ðầu tư Chứng khoán, SSI lên kế hoạch phát hành CW dựa trên 4 mã chứng khoán cơ sở là MBB, FPT, MWG, HPG; HSC dự định phát hành CW dựa trên hai mã MBB và MWG; VND dự kiến phát hành CW trên 2 mã MWG và FPT (dự kiến phát hành 2,4 triệu CW trên MWG, tương ứng 600.000 cổ phiếu MWG và 2 triệu CW trên FPT, tương ứng 1 triệu cổ phiếu FPT); MBS dự kiến phát hành CW trên 4 mã FPT, MBB, PNJ, HPG.
Các công ty chứng khoán đã và đang tổ chức hội thảo cơ hội đầu tư vào CW. Cụ thể, VND đã tổ chức hội thảo trong trung tuần tháng 5/2019; SSI sẽ tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 6/6 và tại Hà Nội vào ngày 10/6 tới; BSC sẽ tổ chức tại Hà Nội ngày 3/6 và tại TP. Hồ Chí Minh ngày 5/6. Một số công ty chứng khoán khác đã có các buổi đào tạo nội bộ và các buổi chia sẻ với nhà đầu tư về CW.
Ở góc độ cơ quan chức năng, HOSE sẽ phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức buổi họp báo chuyên đề “Triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm” vào giữa tháng 6.
Ông Nguyễn Ðức Thông, Giám đốc Dự án phái sinh, SSI cho biết, Công ty chọn các chứng khoán cơ sở gồm MBB, FPT, MWG, HPG để phát hành CW đợt đầu tiên dựa trên các yếu tố xuất phát từ nhu cầu của nhà đầu tư, tính thanh khoản của cổ phiếu và đặc biệt là có dư địa tăng giá (upside). Sau khi phát hành CW đợt đầu, SSI sẽ ghi nhận nhu cầu của thị trường và rà soát những mã cổ phiếu khác. Công ty vẫn sẽ ưu tiên những mã có thanh khoản cao, upside tốt và độ biến động không cao, nhằm giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi giao dịch chứng quyền.
Nhiều công ty chứng khoán cùng phát hành CW trên cùng một chứng khoán cơ sở liệu có tác động đến thanh khoản và giá cổ phiếu đó? Ông Thông cho rằng, các mã chứng khoán cơ sở được lựa chọn đều là cổ phiếu có thanh khoản tốt, nên nhiều công ty cùng lựa chọn để phát hành CW là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, CW có cùng mã chứng khoán cơ sở nhưng sẽ khác nhau ở giá thực hiện và ngày đáo hạn. Những sự khác nhau này sẽ giảm thiểu ảnh hưởng tới thanh khoản cũng như giá của cổ phiếu trên thị trường cơ sở.
Ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Chiến lược thị trường, VND cho hay, theo quy định, tổng lượng phát hành CW của tất cả tổ chức phát hành tối đa là 10% lượng floating cổ phiếu đó, tức công ty chứng khoán phải “xếp hàng”, ai đăng ký trước sẽ được phát hành trước. Ngoài ra, giá chứng quyền (phí chứng quyền), giá thực hiện, ngày đáo hạn, tỷ lệ chuyển đổi nhiều khả năng sẽ khác nhau.
Vấn đề cần lưu tâm là tổng lượng phát hành tương ứng quyền mua cổ phiếu, vì công ty chứng khoán phát hành CW phải mua chứng khoán để làm tài sản bảo đảo cho quyền mua nên sẽ tạo ra lượng cầu cổ phiếu, chắc chắn có tác động đến giá và thanh khoản của cổ phiếu đó. Nếu tổng lượng phát hành của các công ty ít thì mức độ và thời gian tác động sẽ không đáng kể, có chăng chỉ tác động trong 1 - 2 phiên.
Về khả năng “làm giá” cổ phiếu, theo ông Dũng, cả Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán và công ty chứng khoán (tổ chức phát hành CW) đều cố gắng đưa ra sản phẩm CW công bằng hơn cho nhà đầu tư, việc chọn giá để thanh toán là trung bình 5 ngày, giúp hạn chế nguy cơ tác động lên giá cổ phiếu tại ngày đáo hạn. Ngoài ra, “công thức làm giá” cần có lượng hàng đủ lớn, công ty chứng khoán khó có thể có nhiều hàng để mà bán ra nhằm giữ giá cổ phiếu ở mức thấp.
Trong khi đó, tổ chức phát hành CW sẽ phải mua một lượng cổ phiếu để làm tài sản bảo đảm, vì vậy, rủi ro của tổ chức phát hành chính là cổ phiếu giảm giá. Nói cách khác, tổ chức phát hành “gánh” một phần rủi ro giúp nhà đầu tư, vì mua bằng tài khoản tự doanh nên công ty chứng khoán đối mặt rủi ro bị lỗ. Nếu cổ phiếu “rơi”, tổ chức phát hành CW gặp rủi ro lớn hơn so với rủi ro của nhà đầu tư.
CW sẽ được giao dịch như cổ phiếu niêm yết, ngày thanh toán là ngày làm việc thứ hai sau ngày giao dịch (T+2) và theo nguyên tắc chuyển giao chứng quyền đồng thời với thanh toán tiền. Do đó, thanh khoản của sản phẩm này dự kiến thấp hơn nhiều so với hợp đồng tương lai trên thị trường chứng khoán phái sinh (được phép mua bán liên tục với cơ chế hạch toán lãi/lỗ hàng ngày), nhưng do có nhiều ưu điểm khác nên được nhận định sẽ hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.