Kho bạc Nhà nước tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ

Minh Tú

Năm 2022, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã và đang nỗ lực xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030, đặt nền móng cho việc hình thành Kho bạc số vào năm 2030.

KBNN tiếp tục tập trung liên thông dữ liệu số, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu mở
KBNN tiếp tục tập trung liên thông dữ liệu số, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu mở

Ngày 04/6/2021, KBNN ban hành Quyết định số 2739/QĐ-KBNN ngày 4/6/2021 về Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin (CNTT) hướng tới Kho bạc số. Đây là bản quy hoạch kiến trúc tổng thể có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện đại hóa KBNN nhằm tăng cường hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống KBNN theo mô hình quản lý, quản trị hiện đại, phục vụ các đơn vị tổ chức, người dân và doanh nghiệp và là “nền móng” để hệ thống KBNN tiến nhanh đến Kho bạc số vào năm 2030.

Kiến trúc tổng thể CNTT của KBNN phù hợp với xu thế phát triển công nghệ, đáp ứng yêu cầu quản lý, hiện đại hóa của KBNN và nằm trong Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số.

Từ cuối năm 2021, KBNN đã triển khai liên thông các ứng dụng nghiệp vụ (Dịch vụ công trực tuyến - Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) - Thanh toán song phương điện tử). Theo ghi nhận, đánh giá kết quả triển khai ban đầu cho thấy, việc liên thông đã mang lại kết quả tốt khi đáp ứng kịp thời và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Giai đoạn 2021 đến 2025, KBNN tập trung vào dữ liệu số theo hướng đẩy mạnh việc liên kết liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương; củng cố hoàn thiện dịch vụ của Kho bạc điện tử; cung cấp các dịch vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của KBNN; từng bước chia sẻ dữ liệu mở; đồng thời triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu. Chuyển đổi về phần mềm, hệ thống CNTT. Chuyển đổi về nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu. Chuyển đổi về hạ tầng kỹ thuật và bảo mật.

Giai đoạn 2026 đến 2030, KBNN tiếp tục tập trung liên thông dữ liệu số, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu mở từ đó cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới; đẩy mạnh việc phân tích rủi ro, phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hướng đến hình thành Kho bạc số đầy đủ. Chuyển đổi về phần mềm, hệ thống CNTT. Chuyển đổi về nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu. Chuyển đổi về hạ tầng kỹ thuật và bảo mật…

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, từ cuối năm 2021, KBNN đã triển khai liên thông các ứng dụng nghiệp vụ (Dịch vụ công trực tuyến - Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) - Thanh toán song phương điện tử). Theo ghi nhận, đánh giá kết quả triển khai ban đầu cho thấy, việc liên thông đã mang lại kết quả tốt khi đáp ứng kịp thời và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương phải áp dụng giãn cách để đảm bảo phòng chống dịch.

Có thể kể đến một số tiện ích cụ thể gồm: Nếu như trước đây, với mỗi hồ sơ chứng từ, công chức kế toán của KBNN phải thực hiện nhập số liệu thủ công từ hệ thống dịch vụ công trực tuyến sang TABMIS thì nay với việc liên thông 3 hệ thống này, kế toán không phải thực hiện các thao tác này nữa.

Đối với các chứng từ chi thường xuyên của đơn vị giao dịch chuyển đến KBNN trên Dịch vụ công trực tuyến để đi thanh toán song phương với ngân hàng thương mại, sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin, kế toán trưởng và lãnh đạo đơn vị kho bạc ký duyệt trên chương trình Dịch vụ công trực tuyến, chứng từ được tự động liên kết sang giao diện TABMIS, thanh toán song phương điện tử và tự động chuyển sang ngân hàng thương mại mà không cần phải có bất kỳ một xử lý thủ công nào như trước đây…

Bên cạnh các lợi ích giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí hiệu quả, thuận tiện cho các bên liên quan cả người dân, doanh nghiệp và công chức KBNN, một yếu tố quan trọng khác mà chương trình liên thông đem lại là, giúp tránh được các sai sót về con số khi nhập số liệu thủ công.

Chương trình liên thông cũng bảo đảm cho các công chức kiểm soát chi có điều kiện, thời gian kiểm tra các khoản chi một cách chặt chẽ, đầy đủ, kỹ càng nhất, tránh các rủi ro xảy ra; đồng thời cập nhật, cung cấp kịp thời và chính xác số liệu thu, chi ngân sách nhà nước qua KBNN giúp cung cấp thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời cho các cấp chính quyền và cơ quan tài chính trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách…

Năm 2022, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của hệ thống KBNN là Xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 đặt nền móng cho việc hình thành Kho bạc số vào năm 2030.

Theo đó, hệ thống KBNN tăng cường ứng dụng CNTT, hướng tới bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong một số hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống KBNN. Cụ thể, KBNN gia tăng các tiện ích để hỗ trợ cho người sử dụng dịch vụ công trực tuyến; xây dựng chức năng chi lương qua dịch vụ công trực tuyến.

Với kế hoạch và mục tiêu, lộ trình cụ thể đặt ra, toàn hệ thống KBNN đã và đang nỗ lực vào cuộc triển khai vận hành để góp phần cùng ngành Tài chính, Chính phủ xây dựng Chính phủ số.