Liên thông các ứng dụng nghiệp vụ:

Góp phần tăng hiệu quả quản lý vận hành của hệ thống Kho bạc

Mai Lan

Theo Kho bạc Nhà nước (KBNN), việc thực hiện liên thông các ứng dụng nghiệp vụ (Dịch vụ công trực tuyến - Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc - Thanh toán song phương điện tử) đã thu những kết quả ban đầu, đáp ứng kịp thời và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Giao diện Dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước.
Giao diện Dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước.

Từ cuối năm 2021, KBNN thực hiện liên thông các ứng dụng nghiệp vụ (Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)- Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) - Thanh toán song phương điện tử).

Theo đánh giá kết quả triển khai ban đầu cho thấy, việc liên thông đã mang lại khá nhiều tiện ích, góp phần tăng hiệu quả quản lý vận hành của hệ thống KBNN, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Cụ thể, việc liên thông các ứng dụng nghiệp vụ giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí hiệu quả, thuận tiện cho các bên liên quan cả người dân, doanh nghiệp và công chức KBNN. Nếu như trước đây, với mỗi hồ sơ chứng từ, công chức kế toán của Kho bạc phải thực hiện nhập số liệu thủ công từ hệ thống DVCTT sang TABMIS, thì nay với việc liên thông 3 hệ thống này, kế toán không phải thực hiện các thao tác trên.

Đối với các chứng từ chi thường xuyên của đơn vị giao dịch chuyển đến KBNN trên DVCTT để đi thanh toán song phương với ngân hàng thương mại (NHTM), sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin, kế toán trưởng và lãnh đạo đơn vị kho bạc ký duyệt trên chương trình DVCTT, chứng từ được tự động liên kết sang giao diện TABMIS, thanh toán song phương điện tử và tự động chuyển sang NHTM, như vậy đã giản lược khá nhiều các thao tác xử lý thủ công…

Quan trọng hơn, việc liên thông các ứng dụng nghiệp vụ giúp hạn chế tối đa những sai sót trong quá trình nhập liệu thủ công; Cập nhật, cung cấp kịp thời và chính xác số liệu thu, chi ngân sách nhà nước qua KBNN cho các cấp chính quyền và cơ quan tài chính trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách…

Nối tiếp kết quả đạt được, trong năm 2022, hệ thống KBNN tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong một số hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ. Từng bước chia sẻ dữ liệu mở; triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu.

Đồng thời, chuyển đổi về phần mềm, hệ thống công nghệ thông tin. Chuyển đổi về nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu; Chuyển đổi về hạ tầng kỹ thuật và bảo mật.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống KBNN. Cụ thể, KBNN gia tăng các tiện ích để hỗ trợ cho người sử dụng DVCTT; xây dựng chức năng chi lương qua DVCTT...