Hà Nam: Thu ngân sách đạt khá, nợ thuế giảm
Theo báo cáo nhanh từ Cục Thuế Hà Nam, tính đến hết tháng 9, tổng thu nội địa thực hiện được 2.756 tỷ đồng, bằng 79,6% dự toán phấn đấu của cả năm. Hiện tại kết quả thu nợ của cơ quan thuế Hà Nam vẫn đảm bảo tỷ lệ nợ thuế dưới 5% so với tổng thu.
Thu ngân sách khả quan
Theo thông tin từ Phòng Tổng hợp dự toán - Cục Thuế Hà Nam, nhiều khoản thu, sắc thuế đạt khá như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) địa phương được hơn 410 tỷ đồng; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được 519 tỷ đồng; thu từ khu vực công, thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh (NQD) được gần 556 tỷ đồng; thu thuế thu nhập cá nhân hơn 140 tỷ đồng...
Đánh giá tình hình, Phó Cục trưởng Trần Như Mười cho biết, đạt kết quả tích cực trên là do tình hình kinh tế đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực, thị trường tài chính ổn định, thu hút và giải ngân vốn FDI tăng mạnh; hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang trên đà phát triển; có những dự án đầu tư quy mô lớn được triển khai.
Bên cạnh đó, ngành Thuế Hà Nam đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền phổ biến chính sách thuế mới, tập trung cao độ hướng dẫn người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Đồng thời, các đơn vị đã tập trung lực lượng để triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ từ đầu năm. Đối với khu vực NQD, ban lãnh đạo từ cục thuế đến các chi cục thuế đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý như: Tăng cường công tác kiểm tra việc kê khai, theo dõi đôn đốc kịp thời số thu vào ngân sách. Đây là khu vực chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng thu ngân sách năm 2016.
Ngành Thuế Hà Nam cũng rất chú trọng tới công tác cải cách, đơn giản hóa và kiểm soát thủ tục hành chính, đẩy mạnh công tác kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử trên địa bàn tỉnh, góp phần rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục thực hiện việc kê khai, nộp thuế. Tính đến 30/9/2016, đã có 2.958 DN hoàn thành đăng ký nộp thuế điện tử tại cơ quan thuế.
Đánh giá về khả năng thu ngân sách quý IV/2016, cũng như cả năm 2016, Phó Cục trưởng Trần Như Mười cho biết, đơn vị quyết tâm và sẽ hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu do Tổng cục Thuế giao là 3.460 tỷ đồng. Để làm được điều này, cơ quan thuế Hà Nam sẽ bám sát sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành thu ngân sách; phối hợp chặt chẽ các sở, ban ngành nhằm tăng cường hiệu quản quản lý nhà nước trong công tác quản lý thu.
“Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chúng tôi cũng chỉ đạo chi cục thuế các huyện, thành phố, các phòng chức năng rà soát nguồn thu trên địa bàn thuộc đơn vị quản lý, đánh giá, giám sát nguồn thu và đề xuất các giải pháp trong công tác quản lý, điều hành thu” - ông Mười nói.
Duy trì nợ thuế dưới 5% tổng thu
Theo Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế Phạm Ngọc Ánh, Cục Thuế Hà Nam đã áp dụng đầy đủ các biện pháp quản lý nợ thuế. Cục thuế và các chi cục thuế tích cực đôn đốc, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế (trích tiền từ tài khoản gửi ngân hàng, thu hồi hóa đơn, kê biên tài sản, đề nghị Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Hà Nam thu hồi đăng ký kinh doanh, kê biên và cưỡng chế tài sản bên thứ ba nắm giữ). Tính đến 30/9/2016, tổng số tiền nợ thuế trên địa bàn tỉnh Hà Nam khoảng 160,4 tỷ đồng, dưới 5% so với tổng thu.
Cũng theo ông Ánh, để tăng cường công tác quản lý nợ thuế, góp phần tăng thu ngân sách, đồng thời giảm thiểu nợ thuế đến cuối năm 2016, duy trì số nợ thuế dưới 5% so với tổng thu, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ cơ quan thuế các cấp, triển khai đồng bộ các giải pháp thu hồi nợ và cưỡng chế nợ thuế.
Để tăng cường thu hồi nợ đọng thuế, UBND tỉnh đề nghị Cục Thuế và các đơn vị liên quan chủ động tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; kiến nghị cấp có thẩm quyền tạo cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và có nguồn tài chính nộp thuế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách.
Cơ quan thuế Hà Nam cũng thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của DN, thu thập thông tin phản hồi của người nộp thuế để xác định chính xác nguyên nhân, từ đó có giải pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế phù hợp với từng trường hợp cụ thể, bảo đảm đúng quy trình, quy định pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Hiện các huyện, thị xã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, có nguồn nộp đối với khoản nợ thuế.