Hà Nội siết quy định đấu giá đất ngăn chặn bỏ cọc, thao túng thị trường
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn.
Theo quyết định trên, điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất bổ sung quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước bằng 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Việc đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện thông qua các hình thức: Nộp tiền đặt trước trực tiếp tại đơn vị thực hiện cuộc đấu giá hoặc vào tài khoản của đơn vị thực hiện cuộc đấu giá; nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá trực tiếp tại đơn vị thực hiện cuộc đấu giá hoặc qua thư điện tử hoặc qua thư bảo đảm.
Bên cạnh đó, hồ sơ và cách thức đăng ký tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đơn vị thực hiện cuộc đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện niêm yết Hồ sơ đăng ký đấu giá bằng bản giấy tại trụ sở cơ quan và thực hiện cung cấp Hồ sơ đăng ký đấu giá bằng bản số để thực hiện niêm yết công khai trên Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường (Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên môi trường Hà Nội) và Cổng thông tin điện tử UBND cấp huyện nơi có đất đấu giá.
UBND TP. Hà Nội cũng khuyến khích các đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện đấu giá theo hình thức trực tuyến.
Cũng theo quy định mới, trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá của UBND cấp có thẩm quyền, cơ quan Thuế gửi thông báo nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất bằng văn bản cho người trúng đấu giá.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, từ năm 2021 đến nay, tại Hà Nội đã liên tục xuất hiện các tình trạng bỏ cọc đấu giá đất, đấu giá đất bất thường.
Đơn cử như tại huyện Mê Linh, đầu năm 2022, Trung tâm quỹ đất huyện này phải hủy bỏ kết quả đấu giá gần 20 thửa do người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Cụ thể: Dự án đấu giá thôn Ngự Tiền tại xã Thanh Lâm 10 thửa; dự án tại điểm X2, thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng 5 thửa; dự án tại điểm X3 thuộc xã Tam Đồng cũng có trường hợp bỏ cọc… Số tiền nhà đầu tư bỏ cọc trên địa bàn huyện khoảng 60 tỷ đồng.
Hay 4 thửa đất tại Khu X4, phường Mai Dịch từng gây xôn xao dư luận khi có mức trúng đấu giá 400 triệu đồng/m2 cũng đã bị người trúng đấu giá bỏ cọc. Trường hợp tương tự cũng được ghi nhận tại nhiều phiên đấu giá ở các huyện Quốc Oai, Thanh Trì.
Đặc biệt, vụ việc nổi bật nhất liên quan đến đấu giá đất tại Hà Nội không thể không kể đến là Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty tập đoàn dược phẩm Vimedimex, về hành vi “vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.
Theo kết luận của cơ quan công an, tháng 8.2020, Ban quản lý dự án H.Đông Anh (Hà Nội) tổ chức đấu giá khu đất rộng 5 ha ở xã Cổ Dương. Khu đất này được Công ty CP thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định có giá trị khoảng 500 tỉ đồng. Tuy nhiên, bị can Loan đã thông đồng với một số đối tượng để "hạ giá trị" khu đất xuống còn 300 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia, tình trạng đấu giá trên trời rồi bỏ cọc, hay “quân xanh quân đỏ” thao túng đấu giá đất nếu còn tiếp diễn thì Hà Nội rất dễ "thất thu" ngân sách. Cùng với đó là ảnh hưởng đến tiến độ phát triển đô thị, ổn định đời sống dân cư và rối loạn thị trường bất động sản Thủ đô.
PGS.,TS. Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng: "Trong khi vấn đề giữ hay bỏ quy định về Bảng và khung giá đất, một trong những căn cứ quan trọng để xác định giá khởi điểm đấu giá đất còn tiếp tục chờ Luật Đất đai sửa đổi điều chỉnh thì trong giai đoạn trước mắt chúng ta có thể xem xét phương án thuê các tổ chức định giá độc lập để lấy kết quả định giá này làm một trong những căn cứ xác định giá khởi điểm đấu giá đất".
Luật sư Nguyễn Đức Mạnh - Công ty Luật TNHH Bizlink cho biết, việc bổ sung những chế tài mạnh, đủ sức răn đe là rất cần thiết. Ngoài ra, cần có cơ chế để lựa chọn nhà đầu tư tương tự như thủ tục đấu thầu (xem xét đề xuất về tài chính, kỹ thuật để sàng lọc, lựa chọn ra 1 danh sách các nhà đầu tư tiềm năng, có khả năng thực hiện tốt dự án) rồi mới tiến hành bỏ giá.
"Cơ chế này không những mang lại lợi ích cho Nhà nước, mà còn giúp khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai" - Luật sư Mạnh khẳng định.