Hải Dương tích cực triển khai sắp xếp các chi cục thuế
Trong số 42 chi cục thuế thuộc 20 cục thuế tỉnh, thành phố được thí điểm sắp xếp, sáp nhập đợt đầu tiên, Hải Dương có 2 chi cục là Ninh Giang và Thanh Miện. Như vậy, Cục Thuế Hải Dương là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện chủ trương lớn của ngành.
Ông Nguyễn Năng Hoàn - Cục trưởng Cục Thuế Hải Dương cho biết như vậy, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN, xung quanh chủ trương lớn này của ngành Thuế.
PV: Bộ Tài chính vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành chi cục thuế khu vực thuộc cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Xin ông cho biết Cục Thuế Hải Dương đã triển khai chỉ đạo này như thế nào?- Ông Nguyễn Năng Hoàn: Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, ban lãnh đạo Cục Thuế Hải Dương đã tổ chức họp bàn và quán triệt tinh thần nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương để cán bộ, công chức biết. Tại Quyết định số 520/QĐ-BTC của Bộ Tài chính đã nói rất cụ thể về việc sắp xếp, tinh giản bộ máy cấp chi cục là: Sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành thành các chi cục thuế khu vực.
Ông Nguyễn Năng Hoà |
Phải chia sẻ rất thật là khi mới tiếp nhận thông tin này, nhiều cán bộ, công chức cũng bỡ ngỡ và tâm tư. Từ trước đến nay, chi cục thuế luôn gắn với đơn vị hành chính. Nghĩa là cứ có cấp huyện là có chi cục thuế. Nay theo chủ trương mới, sẽ sáp nhập các chi cục thuế thuộc quận, huyện, thành chi cục thuế khu vực. Do đó, việc bỡ ngỡ, tâm tư của anh em cán bộ, công chức thuế cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, sau khi quán triệt tinh thần chỉ đạo của cấp trên, cán bộ, công chức Cục Thuế Hải Dương xác định, phải triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.
PV: Theo kế hoạch đã được Bộ Tài chính phê duyệt, năm 2018 Cục Thuế Hải Dương phải tiến hành sắp xếp, sáp nhập 10 chi cục thuế thành 5 chi cục thuế khu vực. Xin ông cho biết, đơn vị đã có kế hoạch cụ thể cho việc sắp xếp, sáp nhập này chưa?
- Ông Nguyễn Năng Hoàn: Trong 42 chi cục thuế thuộc 20 cục thuế tỉnh, thành phố được thí điểm sắp xếp, sáp nhập đợt đầu tiên, Hải Dương có 2 chi cục sẽ sáp nhập vào nhau là Ninh Giang và Thanh Miện. Như vậy, Cục Thuế Hải Dương là một trong những cục thuế đầu tiên thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế.
Trong quá trình hoàn thiện đề án để triển khai, cuối tháng 4/2018, chúng tôi đã nhận được chỉ đạo của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Tổng cục Thuế. Theo đó, trong năm 2018 này, Cục Thuế Hải Dương sẽ tiến hành sắp xếp, sáp nhập 10 chi cục thuế thành 5 chi cục thuế khu vực. 2 chi cục thuế còn lại sẽ được thực hiện vào năm 2019. Như vậy, đến cuối năm 2018 này, từ 12 chi cục thuế sẽ còn 7 chi cục trực thuộc.
PV: Theo văn bản hướng dẫn xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế thành chi cục thuế khu vực, Tổng cục Thuế yêu cầu khi triển khai phải đảm bảo mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế trên địa bàn. Vậy Cục Thuế Hải Dương đã có giải pháp gì để đảm bảo sau khi sắp xếp, sáp nhập sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế?
- Ông Nguyễn Năng Hoàn: Để thực hiện Quyết định 520/QĐ-BTC, ban lãnh đạo chúng tôi cũng rất lo lắng, trăn trở làm sao khi triển khai sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, công chức; nhưng hơn hết phải nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế, đảm bảo việc quản lý thu ngân sách nhà nước theo đúng dự toán đã được giao.
Hiện nay, Cục Thuế Hải Dương đã thành lập Tổ chỉ đạo để triển khai việc sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế thành chi cục thuế khu vực. Tổ chỉ đạo cũng đã tổ chức cuộc họp, trong đó thành phần bao gồm tất cả các đồng chí chi cục trưởng, phó chi cục trưởng, các trưởng phòng và phó trưởng phòng để thông báo chủ trương của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, đồng thời động viên cán bộ, công chức phải quyết tâm thực hiện cho được chỉ đạo của cấp trên.
Chúng tôi cũng đã yêu cầu các bộ phận có liên quan phải tiến hành rà soát các chi cục thuế thuộc diện sáp nhập, từ con người, đến số lượng doanh nghiệp, tình hình nợ thuế… mà chi cục đang quản lý, đề xuất nhân sự cho chức danh chi cục trưởng chi cục thuế khu vực sau khi sáp nhập.
Việc triển khai này hiện khá thuận lợi, vì hầu hết cán bộ, công chức đều xác định phải làm. Với một số đồng chí chi cục trưởng, nếu phải chuyển thành chi cục phó thì chế độ của chi cục trưởng vẫn được bảo lưu. Điều này cũng làm cho tâm lý cán bộ yên tâm hơn.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, sau khi sáp nhập thành các chi cục thuế khu vực, thì cấp phó có thể nhiều hơn so với quy định. Đây cũng là điều động viên anh em.
PV: Trong quá trình triển khai, cũng như từ thực tế địa phương, ông có đề xuất giải pháp gì để đảm bảo việc triển khai kế hoạch này theo đúng lộ trình, cũng như đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế sau khi sáp nhập?
- Ông Nguyễn Năng Hoàn: Về lộ trình, theo Quyết định 520/QĐ-BTC việc sắp xếp, sáp nhập này phải được triển khai từ 1/7/2018. Tại buổi làm việc mới đây của Tổng cục Thuế với 63 cục thuế, do Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chủ trì, chúng tôi đã đề xuất thực hiện việc sáp nhập từ 1/9/2018 thay vì bắt đầu từ 1/7/2018.
Bên cạnh đó, do các chi bộ Đảng thuộc các chi cục thuế sẽ chuyển về trực thuộc Cục Thuế, nên chúng tôi đề xuất cho thành lập Văn phòng Đảng ủy thuộc Cục Thuế để công tác chỉ đạo, điều hành được tập trung và đảm bảo hoạt động của các tổ chức Đảng trong toàn ngành Thuế ở địa phương.
Ngoài ra, sau khi sáp nhập, các chi cục thuế khu vực sẽ có số lượng chi cục phó nhiều hơn so với quy định. Do đó, để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động, cũng như không để bộ máy chi cục thuế khu vực quá nhiều cấp phó, ngoài việc không bổ nhiệm mới cấp phó, đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cho phép cục thuế tăng cường số lượng cấp phó hiện tại cho các phòng chức năng của cục thuế. Như vậy, việc sắp xếp, sáp nhập này vẫn đảm bảo tinh giản biên chế, gọn về đầu mối và hoạt động hiệu quả hơn.
Với những đồng chí chi cục trưởng chuyển thành chi cục phó sau khi sáp nhập, đề nghị sẽ đương nhiên được mặc định là đã quy hoạch cấp chi cục trưởng trong giai đoạn 2016 - 2021, không phải làm quy hoạch lại. Đồng thời, phụ cấp chức vụ chi cục trưởng được bảo lưu theo thời gian bổ nhiệm trước đó. Khi hết thời gian bổ nhiệm theo quyết định cũ, sẽ quay về hưởng phụ cấp chức vụ chi cục phó theo quy định.
PV: Xin cảm ơn ông!