Hải quan Bình Dương: Sức bật từ cải cách, hiện đại hóa
Trong nhiều năm liền, Hải quan Bình Dương đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đứng tốp đầu của ngành hải quan cả nước về hiệu quả cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Không hài lòng với kết quả đã đạt được, ngày 1/3/2019, Cục Hải quan Bình Dương đã ban hành kế hoạch chi tiết triển khai tiếp tục các hoạt động cải cách, hiện đại hóa trọng tâm mà đơn vị đã xác định từ đầu năm.
Đưa máy soi di động hiện đại vào hoạt động
Sau thành công và hiệu quả hoạt động của máy soi container di động tại địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc Chi cục Hải quan ngoài khu công nghiệp, Cục Hải quan Bỉnh Dương tiếp tục được Tổng cục Hải quan đầu tư thêm máy soi container thứ hai hiện đại, đặt tại địa chỉ 7/20, đường ĐT743, phường Bình Hòa (ICD Tân Cảng, Sóng Thần), Thị xãThuận An. Diện tích bãi kiểm hóa này rộng 7.138m2 gồm nhiều hạng mục: Nhà làm việc, nhà che mái soi, nhà soi chiếu, nhà kiểm tra hàng hóa thủ công, kho lưu trữ...
Ông Nguyễn Xuân Huy, Đội trưởng Đội kiểm tra - soi chiếu, Chi cục Hải quan Sóng Thần (Cục Hải quan Bình Dương), cho biết: Máy soi hiệu Eagle M60 do Công ty Rapiscan (châu Âu) sản xuất rất hiện đại, với độ xuyên thấu 30cm. Máy hoạt động tốt ở nhiều chế độ, nhưng với điều kiện thực tế tại đây thường vận hành theo chế độ không người lái, do yêu cầu bảo đảm an toàn và lưu lượng hàng hóa cần soi chiếu chưa cao. Tốc độ soi chiếu của máy này chỉ từ 3 - 5 phút/phương tiện/ container với độ chính xác rất cao.
Các hình ảnh soi chiếu sẽ được lưu vào hồ sơ và có kết quả ngay nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục của doanh nghiệp. Toàn bộ dữ liệu soi chiếu được lữu giữ trên máy tính với độ bảo mật cao.
Theo ông Trần Hữu Thanh, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty Đá Hoa Cương Hồng Lôi (Bắc Tân Uyên), so với kiểm tra thủ công thì hoạt động của máy soi container này rất hiệu quả, tiện lợi, minh bạch, thông tin rõ ràng, tiết kiệm thời gian, chí phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cán bộ hải quan ở đây làm việc rất trách nhiệm, chuyên nghiệp. Công ty rất hài lòng với cách làm này.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc
Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương quan tâm hàng đầu. Từ đầu tháng 3/2019, Cục đã phối hợp với trường Đại học Tài chính - Maketting mở lớp tập huấn chuyên đề “Ứng dụng công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác hải quan”. 100% cán bộ, công chức ngành hải quan tỉnh đã tham gia lớp học.
Tại lớp học, các học viên được truyền đạt nội dung khái quát về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0); nền tảng công nghệ, ứng dụng trong CMCN 4.0; ngành tài chính và hải quan triển khai ứng dụng CMCN 4.0; một số kiến thức, kỹ năng, thái độ mà cán bộ, công chức hải quan cần trang bị để đáp ứng CMCN 4.0.
Cùng với đó, các học viên còn được cập nhật thông tin Hải quan Việt Nam trước những cơ hội và thách thức trong CMCN 4.0, những kiến thức cần thiết cần chuẩn bị để vận dụng vào các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ nhằm thích ứng, hoàn thiện bản thân, làm tốt nhiệm vụ trong bối cảnh môi trường làm việc của thời đại CMCN 4.0.
Để giao tiếp, đối thoại, triển khai các quy định của pháp luật về hải quan cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được dễ dàng, thuận lợi, trong năm 2018, Cục Hải quan Bình Dương đã tổ chức 2 khóa học tiếng Anh chuyên ngành hải quan, nâng tổng số đến nay đã có 226 cán bộ, công chức của đơn vị được bồi dưỡng nghiệp vụ ngoại ngữ.
Nội dung các khóa học tiếng Anh này, đơn vị chọn lựa những nội dung phù hợp với điều kiện thực tiễn, với ngành, bảo đảm vừa học ngoại ngữ vừa cập nhật và mở rộng kiến thức bằng các bài học thực tiễn như thương mại quốc tế, quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan và chống buôn lậu…
Qua các khóa học giúp học viên nắm vững hơn các từ ngữ cơ bản, nâng cao kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, xử lý tốt các bài tập tình huống, đóng vai, trao đổi và thảo luận…
Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Bằng những việc làm thiết thực, Hải quan Bình Dương đã tạo được niềm tin mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện qua các con số cụ thể: Năm 2018, số lượng doanh nghiệp đến làm thủ tục tại Cục Hải quan Bình Dương là 6.061 doanh nghiệp, tăng 6,43%; số lượng tờ khai trên 1,5 triệu tờ, tăng 12,79%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 45,38 tỷ USD, tăng 8,7%, so với năm 2017.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2019, Cục Hải quan Bình Dương tiếp tục khai thác và sử dụng hiệu quả Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), cơ chế một cửa quốc gia và các chương trình ứng dụng trong hoạt động quản lý nhà nước về hải quan. Đơn vị phấn đấu giữ vững vị trí tốp 5 trong ngành về cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và dịch vụ công.
Mới đây, các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu sản xuất trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư 08 và 09 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc kiểm tra, thông quan phế liệu giấy nhập khẩu.
Hải quan Bình Dương đã chủ động tham mưu UBND tỉnh và tích cực phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Tính từ ngày 1/2 đến 6/3/2019, Cục Hải quan Bình Dương đã làm thủ tục hải quan thông quan cho 3.284 container phế liệu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất tồn đọng tại Cảng tổng hợp Bình Dương. Toàn bộ số container phế liệu này là phế liệu giấy của các doanh nghiệp có nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Hiện Cục Hải quan Bình Dương thực hiện thông quan hàng phế liệu nhập khẩu theo ý kiến chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1036/VPCP-TH ngày 1/2/2019, các công văn hướng dẫn của ngành hải quan triển khai thực hiện Công văn số 1036/VPCP-TH về việc thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu và các quy định pháp luật hiện hành.
Trong thời gian tới, cục tiếp tục thực hiện các giải pháp tiếp theo, theo chỉ đạo của Chính phủ và ngành hải quan để bảo đảm thông quan nhanh chóng cho các lô hàng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, đồng thời bảo đảm đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cục Hải quan Bình Dương cũng đã trao tặng Sổ tay hướng dẫn doanh nghiệp ban hành năm 2019 với 5 ngôn ngữ Việt, Anh, Nhật, Trung, Hàn cho các doanh nghiệp. Qua sổ tay này, đơn vị đã tổng hợp, chuẩn hóa, công khai minh bạch các chính sách, quy định pháp luật giúp doanh nghiệp thuận lợi trong tra cứu và thực hiện các thủ tục hành chính, hạn chế những sai sót của doanh nghiệp, phòng chống các biểu hiện nhũng nhiễu của cán bộ, nhân viên hải quan.
Ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhận xét: Việc biên soạn, phát hành Sổ tay nghiệp vụ hải quan của Cục Hải quan Bình Dương thể hiện sự chủ động, sáng tạo trong hoạt động, phát triển mối quan hệ hải quan - doanh nghiệp là nỗ lực rất lớn và rất đáng trân trọng của Cục Hải quan Bình Dương.
Trong năm 2019, Cục Hải quan Bình Dương tiếp tục xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tiếp tục duy trì áp dụng phần mềm quản lý kho ngoại quan và kho CFS (kho thu gom hàng lẻ) sau khi đã nâng cấp cổng tiếp nhận và các chức năng của chương trình, triển khai VNACCS/ VCIS tại cảng, kho, bãi…