Hải quan Nghệ An triển khai nhiều giải pháp đảm bảo nguồn thu ngân sách

Trần Huyền

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Cục Hải quan Nghệ An đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nỗ lực đảm bảo nguồn thu, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Cục Hải quan Nghệ An phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Cục Hải quan Nghệ An phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Thu ngân sách đối mặt nhiều khó khăn

Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách được giao, ngay từ đầu năm, Cục Hải quan Nghệ An đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu thu thuế năm 2023 cho các đơn vị. Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến thu ngân sách năm 2023; xây dựng kế hoạch làm việc, tiếp xúc các doanh nghiệp có số thu lớn và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao năm 2023.

Đơn vị cũng đã tổ chức, triển khai thực hiện tốt các chính sách về thuế, thuế suất, giá tính thuế, thu đúng, thu đủ và nộp ngân sách kịp thời. Đồng thời, đôn đốc, thu hồi nợ thuế; rà soát, phân loại, theo dõi các khoản nợ thuế, nợ phạt chậm thuế; tích cực đôn đốc các doanh nghiệp chây ỳ nộp thuế. 

Theo thống kê của Hải quan Nghệ An, đến hết ngày 28/5/2023, số thu ngân sách nhà nước tại Cục là 509,667 tỷ đồng, đạt 40,77% chỉ tiêu pháp lệnh (1.250 tỷ đồng). Dự kiến đến ngày 30/6/2023, số thu ngân sách của Cục Hải quan tỉnh đạt khoảng 626 tỷ đồng, đạt 50,08% chỉ tiêu pháp lệnh.

Thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2023 tại Cục Hải quan Nghệ An chịu nhiều tác động bởi tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu thép, nhôm để làm nguyên liệu sản xuất gặp khó khăn.

Nguồn thu ngân sách nhà nước của đơn vị trong năm 2022 dựa vào mặt hàng nhập khẩu xăng dầu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, chiếm 32% số thu ngân sách nhà nước năm 2022 của Cục Hải quan tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, từ tháng 6/2022 đến nay, nhập khẩu có xu hướng giảm do giá xăng dầu nhập khẩu cao hơn giá xăng dầu thị trường trong nước, dẫn đến ảnh hưởng tới thu ngân sách trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cửa khẩu, cảng biển và sân bay mặc dù đã được nâng cấp nhưng nhìn chung còn hạn chế về năng lực khai thác. Do đó, hàng hóa của Nghệ An không chỉ xuất, nhập khẩu thông qua cửa khẩu tại Nghệ An mà còn phải thông qua một số cảng của Hải Phòng, Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh)…

Mặt khác, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, dẫn đến hoạt động xuất khẩu giảm tương đối tại một số thị trường chủ lực như Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc…

Một thách thức khác là việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành 17 biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi để thực hiện FTA trong giai đoạn 2022-2027. Như vậy, ngay trong năm 2023, nhiều mặt hàng có thuế suất cao bị cắt giảm thuế và còn giảm sâu hơn trong các năm sau.

Bám sát kịch bản, phấn đấu vượt chỉ tiêu thu ngân sách

Trong 6 tháng cuối năm 2023, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan tỉnh Nghệ An tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nguồn thu từ các mặt hàng đóng góp số thu lớn như xăng dầu, sắt thép… phát sinh không đáng kể.

Để khắc phục khó khăn trên, trong thời gian tới, Cục Hải quan Nghệ An sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt kế hoạch xúc tiến thu ngân sách và các giải pháp tăng thu, bám sát kịch bản thu năm 2023 để triển khai thực hiện đúng tiến độ đề ra, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu phấn đấu 1.250 tỷ đồng.

Theo đó, Cục Hải quan Nghệ An yêu cầu các Chi cục hải quan tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp để tạo nguồn thu ngân sách.

Trong đó, duy trì và đảm bảo vận hành thông suốt hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa; cấp mã địa điểm kiểm tra hàng hóa cho các doanh nghiệp tại chân công trình và nơi sản xuất; tiếp tục tổ chức các hội nghị đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tham vấn giá, đảm bảo tránh thất thu ngân sách nhà nước và không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, không để nợ xấu, nợ mới phát sinh; phân loại nợ thuế và lập kế hoạch, tham mưu cho Lãnh đạo chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tiếp tục thu hồi nợ đọng thuế và có biện pháp xử lý các khoản nợ...