Nhập khẩu sụt giảm kéo giảm thu ngân sách ngành Hải quan

Trần Huyền

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu có thuế của một số mặt hàng có số thu lớn giảm mạnh đã kéo theo số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022.

Thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: internet
Thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: internet

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 5 tháng đầu năm 2023 là 260,79 tỷ USD, giảm 15,3% (tương ứng giảm 47,17 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu là 135,22 tỷ USD, giảm 12,3% (tương ứng giảm 18,88 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu là 125,57 tỷ USD, giảm 18,4% (tương ứng giảm 28,29 tỷ USD). 

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm đã tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan. Số thu ngân sách nhà nước lũy kế từ ngày 01/01 đến ngày 31/5/2023 của ngành Hải quan chỉ đạt 152.942 tỷ đồng, bằng 36% dự toán, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.

Hầu hết các đơn vị chiếm số thu lớn có số thu lũy kế từ đầu năm đến ngày 31/05/2023 giảm so với cùng kỳ năm 2022 như: Cục Hải quan TP. Hà Nội giảm 17,37%; Cục Hải quan Bà Rịa Vũng Tàu giảm 24,8%; Cục Hải quan Đồng Nai giảm 32,45%; Cục Hải quan Bình Dương giảm 28,87%; Cục Hải quan Bắc Ninh giảm 22,69%; Cục Hải quan Hà Tĩnh giảm 26,27%.

Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận số doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Bên cạnh dó, chiến sự tại Nga - Ukraine khiến nền kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với sự thắt chặt chính sách tiền tệ dẫn đến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh.

Ngoài ra, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế. Các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, đặc biệt là đối với các ngành như dệt may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất kim loại. Trong khi đó, giá xăng dầu liên tục biến động.

Những yếu tố trên dẫn đến tổng trị giá xuất nhập khẩu chịu thuế của cả nước trong 5 tháng đầu năm giảm 19,73%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chịu thuế giảm 19,6% và kim ngạch xuất khẩu chịu thuế giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu có thuế giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước gồm: Nhóm các mặt hàng nhập khập nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất như: than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô… chiếm 30% tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế, giảm 31% so với cùng kỳ, làm giảm thu ngân sách khoảng 15.550 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022; Nhóm xăng dầu nhập khẩu đạt 3,2 triệu tấn, trị giá đạt 2,67 tỷ USD, giảm 0,2% về lượng và giảm 19,6% về trị giá, làm giảm thu khoảng 3.174 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, ngược lại, trong 5 tháng đầu năm 2023 một số nhóm hàng cũng có kết quả thu ngân sách nhà nước khá khả quan. Nổi bật trong đó là nhóm hàng ô tô nguyên chiếc các loại, kim ngạch nhập khẩu có thuế đạt 61.780 nghìn chiếc, trị giá đạt 1,38 tỷ USD tăng 21,8% về lượng và tăng 9,5% về trị giá, làm tăng thu 4.600 tỷ đồng; mặt hàng dầu thô đạt 4,9 triệu tấn, trị giá đạt 3 tỷ USD, tăng 49% về lượng và tăng 20% về trị giá, làm tăng thu 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.