Hải quan Việt Nam triển khai thành công Hệ thống VNACCS/VCIS
Ngày 30/10/2015, Tổng cục Hải quan tổ chức sơ kết 1 năm triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS. Đánh giá chung cho thấy hệ thống đã được thực hiện thành công, hoàn thành cơ bản những mục tiêu đề ra ban đầu, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, trở thành công cụ hữu hiệu không chỉ của cơ quan Hải quan mà các cơ quan nhà nước khác.
Hệ thống cốt lõi trong thông quan hàng hóa XNK
Đưa ra đánh giá khả quan tại hội nghị sơ kết,Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh khẳng định việc triển khai dự án VNACCS/VCIS đã giải quyết thành công cả 3 vấn đề gồm: Công nghệ, cơ sở pháp lý và tổ chức bộ máy.
Chỉ trong thời gian chưa đến 3 năm, Hải quan Việt Nam với sự trợ giúp từ Nhật Bản đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, bao gồm cả đàm phán, ký kết dự án, thiết kế hệ thống, hoàn thiện cơ sở pháp lý, triển khai thí điểm, đào tạo hỗ trợ người sử dụng, vận hành chính thức…
Tính từ 01/4/2014 đến ngày 15/10/2015, 100% đơn vị hải quan trong toàn ngành đã thực hiện thủ tục hải quan thông qua hệ thống VNACCS/VCIS với kết quả như sau:
+ 66 nghìn doanh nghiệp;
+ Tổng kim ngạch XNK: 451,71 tỷ USD.
+ Tổng số tờ khai: 11,4 triệu tờ.
Đặc biệt, Phó Tổng cục trưởng ghi nhận sự thành công khi triển khai dự án đã xóa tan những băn khoăn, lo ngại về một hệ thống mới, đưa vào áp dụng một trong những hệ thống công nghệ thông tin hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Dự án đã thúc đẩy Hải quan Việt Nam và các cơ quan chính phủ khác triển khai thành công Cơ chế một cửa quốc gia, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư tại nước ta cũng như tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Việc hoàn thành các mục tiêu dự án có ý nghĩa cực kỳ to lớn giúp nâng cao uy tín, danh dự Hải quan Việt Nam nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung trong con mắt bạn bè quốc tế, đặc biệt là Chính phủ và nhân dân Nhật Bản.
Đặc biệt, trong suốt thời gian triển khai, dự án luôn hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng đề ra. Tất cả cấu phần, nội dung quan trọng của dự án đều hoàn thành đúng thời hạn, không chậm một ngày nào.
VNACCS đã thực sự trở thành Hệ thống cốt lõi của ngành Hải quan trong việc thực hiện thông quan hàng hóa XNK. Kể từ khi đưa vào sử dụng, VNACCS luôn vận hành ổn định với hiệu năng hoạt động rất cao 99,9%.
Dự án và hệ thống VNACCS/VCIS được triển khai thành công cũng được đánh giá là điều kiện tiên quyết, là đòn bẩy để ngành Hải quan hoàn thành mục tiêu về cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.
Tại các diễn đàn chính thức và không chính thức, có thể thấy cộng đồng DN đều đánh giá cao hiệu quả và lợi ích thiết thực mà Hệ thống này mang lại như tốc độ xử lý và phản hồi nhanh, độ ổn định cao, giảm hồ sơ giấy tờ, thân thiện và hỗ trợ người sử dụng góp phần giảm thời gian thông quan và chi phí cho DN.
Những bài học thành công
Bài học kinh nghiệm lớn nhất, yếu tố quyết định thành công của dự án là sự giúp đỡ, ủng hộ của lãnh đạo các cấp mà cao nhất là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Thông qua việc chủ động báo cáo, xin ý kiến, đề xuất, kiến nghị, Tổng cục Hải quan đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả từ các cấp lãnh đạo.
Yếu tố đảm bảo cho thành công của dự án là biết phát huy sức mạnh toàn ngành bằng cơ chế và phương thức phù hợp. Đồng thời phát huy vai trò người đứng đầu các đơn vị, tính chủ động sáng tạo của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố
Sự chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của Tổng cục Hải quan mà trực tiếp là Tổng cục trưởng và Phó Tổng cục trưởng – Trưởng ban triển khai dự án VNACCS/VCIS là rất quan trọng. Đặc biệt, trong những giai đoạn quyết định như chạy thử, chạy chính thức… quyết định bản lĩnh, sáng tạo của người đứng đầu đã giúp Hải quan Việt Nam đi đúng hướng và đạt kết quả cao.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã có nhiều sáng tạo khoa học trong phương pháp và cách thức triển khai. Ví như đào tạo theo cơ chế lan truyền giúp đào tạo được lượt người đông nhất trong thời gian ngắn, triển khai chính thức thì thực hiện phương thức cuốn chiếu…
Công tác điều phối, hỗ trợ được chú trọng và thực hiện hiệu quả. Những cán bộ công chức được chọn thực hiện nhiệm vụ này đều nhiệt tình, có trách nhiệm cao, kỹ năng phân tích, tổng hợp, phương pháp làm việc khoa học, giao tiếp tốt… Cơ chế xử lý vướng mắc, hỗ trợ cũng được thực hiện khoa học. Một bộ phận chuyên biệt hỗ trợ người sử dụng (Help Desk) được thành lập với tính chuyên nghiệp, chuyên sâu.
Nâng cao hiệu quả hệ thống VNACCS/VCIS thời gian tới
Thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục sử dụng VNACCS/VCIS là hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi của ngành phục vụ thông quan hàng hóa XNK.
Hệ thống VNACCS cũng sẽ được kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia để cùng với các Bộ, ngành thực hiện thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của Hệ thống VNACCS/VCIS, Tổng cục Hải quan cũng sẽ tiếp tục mở rộng kết nối với hệ thống CNTT của các Bộ, ngành, ngân hàng, cơ quan kinh doanh cảng và các đơn vị liên quan khác.
Thông qua dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao hiệu quả hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS” sẽ tập trung đánh giá toàn diện các chức năng của hệ thống, nâng cao năng lực về quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan.
Ngành Hải quan cũng sẽ tiếp tục đảm bảo hạ tầng truyền thông; mở rộng ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan; nâng cao năng lực thu thập, phân tích, xử lý thông tin, hỗ trợ ra quyết định phục vụ chỉ đạo điều hành của cơ quan hải quan các cấp trên nền tảng ứng dụng các hệ thống CNTT tích hợp.
Ông Makoto Kato - Cố vấn trưởng Cơ quan hợp tác Nhật Bản JICA tại Việt Nam – đánh giá cao vai trò chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan trong thành công của dự án. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng không kém là bản lĩnh, năng lực trình độ và quyết tâm của CBCC Hải quan Việt Nam, nhất là các chuyên gia làm việc trong Ban triển khai Dự án VNACCS/VCIS (Tổng cục Hải quan) và sự hỗ trợ nhiệt tình của các chuyên gia Nhật Bản.
Ông Makoto Kato cũng cho biết tỷ lệ tờ khai XNK được xử lý qua Hệ thống VNACCS/VCIS tại Việt Nam thậm chí còn cao hơn Nhật Bản khi đạt trên 99%, trong khi đó hệ thống NACCS/CIS ở Nhật Bản xử lý khoảng 98%.