Hai tháng đầu năm, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72%

Tuấn Thủy

Tính đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).

Các nhà băng còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng
Các nhà băng còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng

Theo lý giải từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm là do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao. Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng (15% trong năm 2024), các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.

Xét theo ngành kinh tế, tạm tính đến cuối tháng 1/2024, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 950,8 nghìn tỷ đồng (giảm 0,17%, chiếm 7,05%); công nghiệp và xây dựng đạt gần 3,46 triệu tỷ đồng (giảm 0,13%, chiếm 25,71%); thương mại dịch vụ gần 9,06 triệu tỷ đồng (giảm 0,91%, chiếm 67,23%).

Đối với một số lĩnh vực ưu tiên có tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, giảm 0,33% so với cuối năm 2023 và chiếm 24,36% tổng dư nợ nền kinh tế​​ (trong đó một số ngành hàng nông sản chủ lực lúa gạo đạt trên 210 nghìn tỷ đồng, tăng 1,08%; cà phê đạt trên 119 nghìn tỷ đồng, tăng 4,11%). Với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng (giảm 1,87%, chiếm 18,31%).

Trong lĩnh vực xăng dầu, hạn mức tín dụng của hệ thống ngân hàng cấp cho 31 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối (theo danh sách từ Bộ Công Thương) tạm tính là 156.173 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 63.645 tỷ đồng. Hiện, 31 doanh nghiệp trên mới chỉ sử dụng 41% hạn mức tín dụng được các ngân hàng thương mại cấp.

Cho vay bất động sản đến thời điểm hiện tại đạt khoảng 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, chiếm 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,73%. Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản đạt khoảng 1,11 triệu tỷ đồng, tăng 1,52%, chiếm 38,37% dư nợ tín dụng bất động sản. Dư nợ bất động sản tự sử dụng/tiêu dùng đạt khoảng 1,78 triệu tỷ đồng, giảm 0,56%, chiếm 61,63% dư nợ tín dụng bất động sản.​​

Riêng chương trình 120.000 tỷ đồng, NHNN cho biết, UBND 28 tỉnh, thành phố đã gửi văn bản hoặc công bố công khai trên cổng thông tin điện tử với 68 dự án thuộc danh mục vay vốn của Chương trình với tổng nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Hiện, ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank), TPBank đã đăng ký tham gia chương trình với số tiền 5.000 tỷ đồng. Các ngân hàng này cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là 7.000 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 646 tỷ đồng.

Tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán đạt gần 111,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,83% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 2,56% so với cuối năm 2023. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đến cuối tháng 1/2024 đạt khoảng 2,82 triệu tỷ đồng, chiếm 20,92% dư nợ nền kinh tế, giảm 1,77% so với cuối năm 2023.