Hám lợi mở đường cho "tín dụng đen"
(Tài chính) Luật sư, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH tư vấn VEFARM Việt Nam Vũ Xuân Tiền cho rằng, dịch vụ cho vay nặng lãi (tín dụng đen) tồn tại được là do nhiều cá nhân hám lợi, muốn làm giàu thật nhanh, ngồi mát ăn bát vàng... chứ không phải do thiếu hiểu biết. Trong khi đó, công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân vẫn chưa thường xuyên và chưa có hiệu quả.
Ông Vũ Xuân Tiền:Câu trả lời không mới là lòng tham của không ít người trước lãi suất khủng, muốn làm giàu thật nhanh, được ngồi mát ăn bát vàng… Nhưng sự thật thì tiền mất tật mang, thậm chí chính người cho vay cũng bị khởi tố với tội danh cho vay nặng lãi.
Không phải những người này thiếu hiểu biết, bởi nhìn vào những nạn nhân của Nguyễn Thị Huyền Như thì thấy có những người rất hiểu biết về lĩnh vực này và có mối quan hệ mật thiết với ngân hàng. Vấn đề là ở chỗ số lượng những người hám lợi trong nhân dân không ít, trong khi công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao tinh thần cảnh giác với tín dụng đen vẫn chưa được tiến hành thường xuyên, có hiệu quả. Đồng thời cũng không ít kẻ lừa đảo núp bóng rất tinh vi.
Có những người nhận tiền từ cho vay nặng lãi đã mua sắm những tài sản có giá trị lớn để chứng minh rằng mình là những người rất giàu, khiến nhiều người cả tin. Yếu tố này cộng với việc hám lợi đã mở đường cho tín dụng đen tiếp tục phát triển.
Tín dụng đen phát triển không phải do người dân thiếu hiểu biết, phải chăng là do những kẽ hở của pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng?
Hoạt động của ngân hàng hiện có đầy đủ các quy định pháp luật để điều chỉnh. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp không thể áp dụng cách thức hoạt động của tín dụng đen. Việc trả lãi rồi rút vốn gốc cũng phải theo những quy định chặt chẽ.
Tuy nhiên, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như vừa qua cũng có nguyên nhân từ năng lực quản trị nội bộ của ngân hàng. Bởi một cán bộ của ngân hàng có thể tạo một loạt chứng từ giả, tạo cả con dấu để rút tiền của chính hệ thống ngân hàng này thì không phải do hạn chế của quản trị nội bộ hay sao? Một quyền trưởng phòng có thể rút một lượng tiền lớn mà không phát hiện ra thì cần phải xem xét.
Dịch vụ cho vay nặng lãi dù bộc lộ rất nhiều bất cập nhưng vẫn đang âm thầm diễn ra ở nước ta, đặc biệt là khu vực kinh doanh của các tiểu thương. Vì sao những người kinh doanh lại thích tìm đến loại hình vay vốn này hơn là vay vốn tại các tổ chức tín dụng hoạt động theo pháp luật?
Nguyên nhân do đi vay ở ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục hơn so với việc vay hay cho vay tại tín dụng đen. Thực tế, khi vay vốn ở các cơ sở hoạt động hợp pháp thì phải có bộ hồ sơ, có tài sản thế chấp. Trong nhiều trường hợp, ngân hàng, tổ chức tín dụng yêu cầu có cả dự án để đánh giá tính khả thi của hoạt động kinh doanh.
Nhưng vay vốn của tín dụng đen thì không phải thực hiện các thủ tục đó, cũng như linh hoạt về cả thời hạn cho vay, số tiền vay, kể cả mức lãi. Những điều đó trong nhiều trường hợp lại đáp ứng được công việc rất đặc thù của những người buôn bán nhỏ, tiểu thương ở trong các chợ. Như vậy, không phải người kinh doanh người ta thích tìm đến loại hình vay vốn này, mà là vay như vậy tiện hơn, trong một số trường hợp mang chữ tín thôi. Song từ chữ tín này dẫn tới cái chuyện lợi dụng huy động sau đó là không trả được nợ, vỡ nợ như đã xảy ra.
Có nhiều ý kiến cho rằng tín dụng đen phát triển là do chế tài xử phạt chưa nghiêm, không đủ sức răn đe. Ở góc độ của chuyên gia nghiên cứu pháp luật, ông nhận định như thế nào về điều này?
Đúng là như vậy, bởi thực tế là đến nay vấn đề cho vay nặng lãi vẫn đang được tranh cãi.
Thứ nhất, theo Bộ luật Dân sự thì khi cho vay cao hơn 150% lãi suất cơ bản thì được coi là cho vay nặng lãi, nhưng Ngân hàng Nhà nước gần như quên không thông báo về lãi suất cơ bản định kỳ.
Thứ hai là, các ngân hàng và các tổ chức tín dụng không chịu sự chi phối của quy định này. Ví dụ như có giai đoạn lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là 9%/năm thì 150% là 13,5%/năm, thế nhưng các ngân hàng và tổ chức tín dụng lại vô tư cho vay với lãi suất 18%, 19% thậm chí trên 20%/năm. Song hành vi này không bị coi là cho vay nặng lãi, chỉ có cho vay bên ngoài với nhau thì mới bị khép cho tội danh nêu trên.
Những nhân tố này khiến khái niệm cho vay nặng lãi gần như biến mất trong suy nghĩ của người dân. Người ta chẳng nghĩ đến chuyện cho vay như thế này là hợp pháp hay cho vay nặng lãi nữa. Việc kiểm tra, phát hiện, xử phạt những trường hợp cho vay nặng lãi cũng chưa được tiến hành thường xuyên.
Xin cám ơn ông!