Hàng loạt “ông lớn” châu Á đổ xô tới Mỹ
Các nhà chế tạo tại các nền kinh tế định hướng xuất khẩu của châu Á đang hối hả công bố các kế hoạch đầu tư tại Mỹ khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi các công ty sản xuất nhiều sản phẩm hơn tại nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/1 đã ký một sắc lệnh hành pháp chính thức rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, đe dọa “dán nhãn” một số quốc gia là thao túng tiền tệ và đang cân nhắc đưa thuế nhập khẩu hoặc thuế biên giới vào một phần các chính sách “nước Mỹ trên hết” của mình.
Giữa bối cảnh đó, các nhà chế tạo châu Á đã công bố các kế hoạch để giúp nước Mỹ kiến tạo việc làm và thúc đẩy hoạt động chế tạo.
Ngày 8/2, một nguồn thạo tin cho biết, công ty chế tạo thiết bị điện tử của Nhật Bản Sharp có khả năng khởi công xây dựng một nhà máy trị giá 7 tỷ USD tại Mỹ trước ngày 30/6, nắm quyền điều hành trong một dự án trước đó được cân nhắc bởi công ty mẹ Foxconn (nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất thế giới của vùng lãnh thổ Đài Loan).
Trước đó, Chủ tịch Foxconn Terry Gou ngày 22/1 cũng cho biết công ty này có thể sẽ thiết lập một nhà máy tại Mỹ với số vốn đầu tư có thể lên tới trên 7 tỷ USD và dự kiến sẽ tạo ra khoảng 30.000-50.000 việc làm. Ông cho biết Foxconn đã cân nhắc về việc này trong nhiều năm. Foxconn hiện đã có cơ sở tại Pennsylvania, Mỹ.
Ngày 2/2, theo một nguồn tin, Samsung - tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc – có thể cũng sẽ xây dựng một nhà máy tại Mỹ phục vụ mảng kinh doanh thiết bị gia đình của mình. Thông tin chi tiết, bao gồm cả số tiền Samsung có thể đầu tư và địa điểm đặt nhà máy mới, hiện giờ vẫn chưa được quyết định. Về phần mình, Samsung chính thức từ chối bình luận về việc này, chỉ cho biết sẽ tiến hành đầu tư lớn tại Mỹ, bao gồm cả nhà máy mạch vi xử lý trị giá 17 tỷ USD tại Austin, Texas.
Cùng ngày 2/2, công ty điện tử đồng hương của Samsung là LG Electronics cũng cho biết sẽ đưa ra quyết định về kế hoạch xây dựng một trụ sở chế tạo tại Mỹ trong nửa đầu năm nay và cảnh báo các rủi ro từ các chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Trump.
Ngày 26/1, Samsonite International S.A. (thương hiệu lớn nhất thế giới trong ngành vali, balô, túi xách của Mỹ) cho biết đang cân nhắc việc tái thiết lập hoạt động sản xuất tại Mỹ.
Tập đoàn Hyundai Motor (Hàn Quốc) ngày 17/1 công bố kế hoạch tăng 50% đầu tư tại Mỹ lên 3,1 tỷ USD trong vòng 5 năm và có thể sẽ xây thêm một nhà máy mới ở đây. Chủ tịch tập đoàn này Chung Jin-haeng bác bỏ ý kiến cho rằng nhà máy trên được xây dựng là vì sức ép từ Tổng thống Mỹ Trump, và rằng nhà máy mới tại xứ cờ hoa sẽ phụ thuộc vào việc nhu cầu có cải thiện dưới thời chính quyền Mỹ kế tiếp hay không.
Dự án đầu tư lần này sẽ trang bị lại cho các nhà máy hiện có tại Mỹ và thúc đẩy nghiên cứu mảng xe tự hành, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tương lai khác.
Tổng giám đốc điều hành “cỗ máy” thương mại điện tử khổng lồ Alibaba Group Holding Ltd của Trung Quốc, ông Jack Ma, đã có cuộc gặp với Tổng thống Trump ngày 10/1 và vạch ra một kế hoạch nhằm tạo cơ hội cho một triệu doanh nghiệp nhỏ của Mỹ bán hàng cho người tiêu dùng Trung Quốc trong năm năm tới. Alibaba dự kiến sáng kiến này sẽ tạo ra một triệu việc làm cho người Mỹ.
Hãng chế tạo ôtô Toyota Motor Corp của Nhật Bản ngày 9/1 thông báo kế hoạch đầu tư trị giá 10 tỷ USD tại Mỹ trong 5 năm tới – tương tự dự án trong 5 năm qua – nhằm đáp ứng nhu cầu và nâng cấp các nhà máy để tạo thêm các mẫu xe có hiệu quả nhiên liệu. Toyota cho biết các kế hoạch đầu tư giữa kỳ tại Mỹ của hãng không phải là sự đáp lại các phát biểu của Tổng thống Mỹ.
Người đứng đầu Softbank Group Corp, tập đoàn truyền thông và Internet đa quốc gia của Nhật Bản, ngày 6/12 vừa qua đã gặp gỡ Tổng thống Trump và cam kết một dự án đầu tư trị giá 50 tỷ USD dự kiến tạo mới 50.000 việc làm tại Mỹ.