Hệ thống Kho bạc Nhà nước góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

PGS., TS. Nguyễn Đình Luận - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH)

Năm 2023, công tác giải ngân vốn đầu tư công được xác định sẽ gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 8 chưa được như kỳ vọng. Áp lực giải ngân vốn đầu tư công là rất lớn, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm hiệu quả đầu tư công.

Nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ

Với vai trò là cơ quan kiểm soát và thanh toán vốn, trong các tháng đầu năm 2023, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo thống kê, tính đến ngày 31/8/2023, lũy kế vốn đầu tư kiểm soát, thanh toán qua KBNN là 295.684,8 tỷ đồng, bằng 41,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN. Trong đó: Vốn trong nước thanh toán là 286.128 tỷ đồng; Vốn ngoài nước kiểm soát, xác nhận qua KBNN là 9.556,9 tỷ đồng.

Trong những năm qua nói chung và năm 2023 nói riêng, bám sát các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, KBNN đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả.

Theo đó, về chỉ đạo, điều hành, ngay từ đầu năm 2023, KBNN đã ban hành Chỉ thị số 589/CT-KBNN ngày 7/2/2023 về tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống KBNN. Trong đó, KBNN chỉ đạo KBNN các tỉnh, thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm trong kiểm soát chi vốn ngân sách nhà nước qua KBNN. Các đơn vị cũng kịp thời nắm bắt và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư theo đúng thẩm quyền, trên cơ sở đó, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; Đồng thời, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giải ngân và tài chính ngân sách.

Về hoàn thiện các quy trình, KBNN thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy trình về kiểm soát chi, quy trình tự động thanh toán, liên thông các ứng dụng để rút ngắn thời gian thanh toán, tạo thuận lợi cho người giao dịch, song vẫn đảm bảo kiểm soát chi, thanh toán đúng quy định. KBNN xác định khách hàng là trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công của KBNN.

KBNN cũng liên tục đẩy mạnh công tác hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; trong đó, đẩy nhanh việc nâng cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông với các Chương trình, ứng dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động và hạn chế các rủi ro phát sinh. Nhờ đó, đến nay, đối với thủ tục kiểm soát chi ngân sách nhà nước, quy trình, thủ tục được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian kiểm soát từ 7 ngày xuống còn 3 ngày làm việc đối với các khoản chi đầu tư; còn 1 ngày làm việc đối với các khoản chi "thanh toán trước, kiểm soát sau".

Nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ

Bên cạnh các giải pháp chỉ đạo điều hành chung, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, KBNN cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống KBNN. Theo đó, KBNN các tỉnh, thành phố phải thường xuyên theo dõi, cập nhật các chủ trương, chính sách, các văn bản chế độ mới liên quan đến thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 nói chung, các văn bản chính sách liên quan đến công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước nói riêng để triển khai thực hiện công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua KBNN đảm bảo thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch và đúng quy định của pháp luật hiện hành.

KBNN yêu cầu các đơn vị trong hệ thống thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước và quy định về giao nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến theo đúng trách nhiệm, quyền hạn của KBNN đối với tất cả các nguồn vốn được giao quản lý đảm bảo đúng với quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, KBNN. Song song với đó phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ; tuyệt đối không được gây phiền hà, sách nhiễu cho khách hàng giao dịch khi làm thủ tục thanh toán tại KBNN; tiếp nhận đúng thành phần, số lượng hồ sơ được quy định gửi KBNN; chấp hành đúng quy định về phương thức gửi, thời gian xử lý hồ sơ, không được yêu cầu khách hàng giao dịch bổ sung, hoàn thiện hồ sơ quá 1 lần; không được để tồn đọng bất kì hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do. Đặc biệt, nghiêm cấm công chức kiểm soát chi yêu cầu khách hàng giao dịch phải gửi thêm hồ sơ, chứng từ ngoài hồ sơ quy định phải gửi KBNN và không được yêu cầu gửi hồ sơ giấy trước khi chuyển hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến (đối với trường hợp thực hiện giao dịch qua hệ thống dịch vụ công theo quy định).

KBNN cũng tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất giám sát từ xa việc thực hiện thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát chi. Trường hợp phát hiện các cá nhân, đơn vị KBNN thực hiện không đúng quy định, có thái độ ứng xử không phù hợp và có biểu hiện gây sách nhiễu, phiền hà với khách hàng giao dịch thì xử lý, kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Kho bạc Nhà nước địa phương rốt ráo đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống ngoài việc chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp phù hợp với thực tiễn tại địa phương cũng đã rốt ráo thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh công tác giải ngân vốn.

Đơn cử như tại Hải Phòng, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, dự kiến đến hết tháng 8/2023, TP. Hải Phòng giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 trên 10.223 tỷ đồng, đạt trên 76% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Với tỷ lệ này, hiện Hải Phòng đang đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao. Để có kết quả này, ngay từ đầu năm, TP. Hải Phòng đã tập trung tối đa nguồn lực cho các dự án quan trọng góp phần đắc lực cho sự phát triển của thành phố, của vùng. Đặc biệt, TP. Hải Phòng đã lập 4 tổ công tác do 4 phó chủ tịch làm tổ trưởng và tổ chức họp, giao ban, kiểm tra thường xuyên. Những hành vi cố tình gây cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân đều được các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện xử lý nghiêm khắc.

Là cơ quan kiểm soát và thanh toán vốn, KBNN Hải Phòng đã đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực kiểm soát chi trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ, an toàn nguồn vốn; đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về công khai quy trình, hồ sơ và thời gian kiểm soát thanh toán; thực hiện nghiêm các quy định tại Luật Đầu tư công; đẩy mạnh phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”, đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần, theo Nghị định số 11/2020/NĐ- CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kho bạc. Ngoài ra, KBNN Hải Phòng luôn theo sát tiến độ của các dự án trọng điểm để đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành hồ sơ, thủ tục thanh toán ngay với kho bạc khi có khối lượng hoàn thành.

Hay như tại Ninh Thuận, KBNN địa phương này đã nỗ lực rút ngắn thời gian tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, chứng từ theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chứng từ trong vòng 1 ngày làm việc đối với các khoản tạm ứng và thanh toán từng lần. Đặc biệt, để hạn chế thấp nhất những sai sót, buộc kho bạc phải từ chối thanh toán, chủ đầu tư phải bổ sung hoàn thiện nhiều lần, KBNN Ninh Thuận đã chỉ ra những tình huống sai sót thường lặp đi lặp lại để chủ đầu tư lưu ý, tổ chức kiểm tra, đối chiếu giữa hồ sơ với chứng từ kế toán, bảo đảm thông tin, số liệu đề nghị thanh toán phù hợp với quy định.

Còn tại Vĩnh Phúc, nhờ thực hiện nghiêm, có hiệu quả các giải pháp, tính đến hết tháng 7 vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã giải ngân được gần 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt gần 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt gần 40% tổng kế hoạch vốn năm 2023 của tỉnh. Theo KBNN Vĩnh Phúc, để góp phần cùng địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đơn vị đã phối hợp phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, năm 2022 kéo dài; xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh, hướng dẫn chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gửi Kho bạc thanh toán.

Đặc biệt, để nguồn vốn đầu tư công phát huy hiệu quả cao nhất cho phát triển kinh tế - xã hội, KBNN Vĩnh Phúc cũng phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện xử lý thu hồi số dư tạm ứng của các dự án, nhất là các dự án có số dư tạm ứng kéo dài qua nhiều năm chưa có khối lượng thu hồi. Bên cạnh đó, KBNN Vĩnh Phúc luôn tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, duy trì tốt việc giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến của kho bạc; triển khai đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với chất lượng phục vụ để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.

Dịch vụ công trực tuyến góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Thời gian qua, dịch vụ công trực tuyến được triển khai đã mang lại rất nhiều tiện ích cho cả các giao dịch viên kho bạc cũng như các đơn vị sử dụng ngân sách, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong những tháng cuối năm.

Thực tế, từ ngày 1/2/2018, KBNN đã chính thức vận hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư có mở tài khoản giao dịch tại các đơn vị Kho bạc. Đến nay, KBNN tiếp tục duy trì cung cấp 100% thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp lên cổng Dịch vụ công quốc gia với 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ lượng giao dịch chi ngân sách nhà nước qua dịch vụ công trực tuyến đạt trên 99% so với lượng chứng từ chi ngân sách nhà nước qua TABMIS (không bao gồm khối an ninh, quốc phòng).

Qua quá trình triển khai có thể thấy, việc KBNN chính thức vận hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi rộng đã hình thành kênh giao dịch điện tử của KBNN, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch với KBNN, đưa KBNN đến gần hơn nữa với khách hàng và xã hội qua mạng internet, là bước cải cách hành chính mạnh mẽ của KBNN theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và Chiến lược phát triển KBNN.

Bên cạnh đó, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chữ ký số đã tăng cường tính bảo mật, tránh việc giả mạo chữ ký, con dấu của đơn vị, giúp khách hàng cũng như KBNN có thể giám sát quá trình xử lý hồ sơ và kiểm soát chi ngân sách nhà nước, nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước nói riêng và giao dịch với khách hàng nói chung. Ngoài ra, việc dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ lấy số liệu tự động trên TABMIS đã giúp việc đối chiếu, xác nhận số liệu của đơn vị giao dịch tại KBNN được chính xác, nhanh chóng, giảm thiểu sai sót trong quá trình đối chiếu, góp phần đảm bảo an toàn tiền, tài sản của Nhà nước.

Có thể nói, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của KBNN đã thay đổi hoàn toàn cách giao dịch truyền thống, đem lại nhiều lợi ích thiết thực, nâng cao hiệu quả công việc của KBNN và các đơn vị sử dụng ngân sách. Từ dịch vụ công trực tuyến, các giao dịch viên của KBNN không phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nên năng suất lao động được nâng lên, hạn chế được nhiều rủi ro trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Các đơn vị sử dụng ngân sách đã được chủ động hơn trong việc gửi các chứng từ thanh toán vốn đến KBNN trên môi trường mạng trong bất kỳ thời gian, địa điểm nào nên đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại cũng như in ấn chứng từ. Theo ghi nhận từ phía các đơn vị sử dụng ngân sách, dịch vụ công trực tuyến của KBNN có rất nhiều tiện ích. Khách hàng có thể theo dõi được quá trình tiếp nhận hồ sơ và giải quyết của giao dịch viên KBNN đang ở mức nào, tiết kiệm nhiều khoản chi phí hành chính…

Phát huy các kết quả đã đạt được, thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục nghiên cứu để xây dựng và nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin nhằm kết nối, trao đổi và chia sẻ dữ liệu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác để nâng cao hiệu quả quản lý và giải ngân vốn đầu tư công. 

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính (2023), Công văn số 3593/BTC-ĐT ngày 14/4/2023 về tăng cường quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương;
  2. KBNN (2023), Báo cáo tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 7/2023;
  3. KBNN (2023), Chỉ thị số 589/CT-KBNN ngày 7/2/2023 về tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống KBNN.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 9/2023