Hiện đại hóa đô thị tại Việt Nam: Một số vấn đề lý luận


Hiện đại hóa là chủ đề tuy đã được đề cập đến khá nhiều trong thực tiễn ở Việt Nam, nhưng nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về hiện đại hóa đối với cả nước và nhất là đối với các đô thị trung tâm, giữ vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước dường như đều chưa được tường minh. Với mong muốn góp phần làm sáng tỏ các vấn đề về hiện đại hóa trong điều kiện thực tiễn Việt Nam, nhóm tác giả dự kiến công bố một số nghiên cứu mang tính tiên phong về chủ đề lý thú này. Nghiên cứu này tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận về hiện đại hóa đô thị trong bối cảnh Việt Nam: quan niệm, nội dung, các nhân tố ảnh hưởng và các giai đoạn.

Giới thiệu

Vấn đề hiện đại hóa ở nước ta tưởng là yêu cầu đã rõ nhưng nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về hiện đại hóa đối với cả nước và nhất là đối với các đô thị trung tâm, giữ vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước dường như đều chưa được tường minh. Các công trình đã công bố trước đó thường gộp chung vấn đề công nghiệp hóa và hiện đại hóa với nhau. Nghiên cứu này tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận về hiện đại hóa đô thị trong bối cảnh Việt Nam: quan niệm, nội dung, các nhân tố ảnh hưởng và các giai đoạn.

Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết và khung phân tích

Rostow (1960) đưa ra lý thuyết phân kỳ các giai đoạn phát triển kinh tế, ông đã chia quá trình phát triển của các quốc gia thành 5 giai đoạn: (1) Nông nghiệp à (2) chuẩn bị cất cánh à (3) cất cánh (công nghiệp) à (4) trưởng thành (công nghiệp hiện đại) à (5) hậu công nghiệp (xã hội tiêu dùng cao). Theo cách phân loại này, nước công nghiệp là nước đã có sự phát triển đạt đến giai đoạn cất cánh và nước công nghiệp hiện đại là nước đã đạt tới sự phát triển ở giai đoạn trưởng thành. Tương tự như vậy, có thể coi nước công nghiệp theo hướng hiện đại là nước có sự phát triển từ giai đoạn cất cánh sang giai đoạn trưởng thành. Đây là quan điểm chung về các giai đoạn hiện đại hoá đối với các quốc gia, chứ chưa phải áp dụng cho một thành phố.

Nghiên cứu của Vũ Cương (2018) đã khẳng định, vai trò của đổi mới sáng tạo đối với tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia càng trở nên quan trọng hơn khi đặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Tăng trưởng trong nền kinh tế hiện đại sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng theo đuổi, quản lý và tranh thủ tối đa những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại. Đồng thời, hạt nhân của cuộc CMCN 4.0 này chính là yếu tố đổi mới sáng tạo của cả quốc gia, từng ngành, lĩnh vực cho đến từng doanh nghiệp. Vì thế, đề cập đến mục tiêu phát triển trở thành nước công nghiệp hiện đại trong bối cảnh CMCN 4.0 không thể tách rời khỏi mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đỗ Thị Đông (2018) qua việc phân tích quá trình phát triển thành nước công nghiệp hiện đại của Israel, đặc biệt là nguyên nhân thành công của quá trình phát triển dựa vào công nghệ cao của đất nước này đã khẳng định vai trò của Chính phủ Israel trong việc quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế. Sức mạnh của nền kinh tế Israel không chỉ thể hiện ở những doanh nghiệp công nghệ cao mà còn do các chính sách quản lý vĩ mô khôn ngoan của Chính phủ.

Trên cơ sở kế thừa các quan điểm, tư tưởng của những nhà khoa học đi trước, nhóm tác giả xác định khung lý thuyết phục vụ nghiên cứu này như Hình.

Hình: Khung lý thuyết nghiên cứu lý luận về hiện đại hóa đô thị

Hiện đại hóa đô thị tại Việt Nam: Một số vấn đề lý luận - Ảnh 1
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp phân tích hệ thống: giúp nhóm tác giả có cách phân tích, đánh giá một cách logic, biện chứng đối với bản chất, các yếu tố ảnh hưởng tới hiện đại hóa cũng như các giai đoạn hiện đại hóa.

- Phương pháp chuyên gia: Việc tiếp cận và thu thập thông tin từ các chuyên gia, những nhà khoa học am hiểu về hiện đại hóa và đô thị thuộc Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội… giúp nhóm tác giả có thêm nhiều thông tin bổ ích, đồng thời thẩm định lại một số nhận định khoa học trong nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu

Quan niệm và bản chất của hiện đại hóa đô thị

Nhóm tác giả cho rằng, hiện đại hóa mang nội hàm và bản chất của việc làm cho các hoạt động phát triển và hoạt động quản lý phát triển chưa hiện đại trở nên hiện đại; rồi làm cho các hoạt động phát triển và hoạt động quản lý phát triển đã hiện đại trở nên hiện đại hơn (tức là nâng cao trình độ hiện đại) dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến hơn.

Bản chất hiện đại hóa được thể hiện qua một số điểm sau:

Thứ nhất bản chất của hiện đại hóa phản ánh ở trình độ công nghệ được sử dụng trong các hoạt động phát triển và trong các hoạt động quản lý phát triển. Hay nói cách khác, bản chất của hiện đại hóa nằm ở chỗ mức độ sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến mà nó được phản ánh qua mức độ tự động hóa, cơ giới hóa, chính xác hóa, chất lượng hóa sản phẩm cũng như mức độ liên kết các khâu sản xuất thành chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối đạt mức cao.

Thứ hai, hiện đại hóa không có điểm dừng, không bao giờ kết thúc. Hiện đại hóa diễn ra trong một quá trình không ngừng tiến bộ, nó chuyển hóa từ trình độ/mức độ này sang trình độ/mức độ khác cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng gia tăng của con người.

Thứ ba, hiện đại hóa bằng cách nào là vấn đề quan trọng. Theo nhóm tác giả, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ là những lĩnh vực rộng lớn. Việc chọn lựa lĩnh vực trong nông nghiệp, trong công nghiệp, trong dịch vụ để hiện đại hóa có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn. Trong công nghiệp của một quốc gia có dân số đông, tiềm năng phát triển cũng lớn như Việt Nam, thì các lĩnh vực công nghiệp chế tạo cơ khí, điện tử, quang học, sản xuất thuốc chữa bệnh và chế tạo thiết bị y tế, công nghiệp văn hóa rất cần được hiện đại hóa. Trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản cùng với việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng lúa gạo, rau thực phẩm, cây ăn trái, cây cà phê, cây dược liệu…, thì chế biến sâu là lĩnh vực cần được hiện đại hóa. Trong lĩnh vực dịch vụ, hoạt động ngân hàng, thông tin truyền thông, bảo hiểm, chứng khoán, giải trí… cần ưu tiên hiện đại hóa.

Đối với cả nước nói chung và các đô thị ở Việt Nam nói riêng, cần phải nhập khẩu công nghệ hiện đại, tiên tiến để hiện đại hóa là chủ yếu. Vậy nhập khẩu như thế nào và từ quốc gia nào là vấn đề vô cùng quan trọng. Ngoài ra, các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội phải đi đầu trong hiện đại hóa, đảm nhận vai trò quan trọng mang tính quyết định hiện đại hóa của nước ta.

Nội dung của hiện đại hóa đô thị

Nhóm tác giả cho rằng, hiện đại hóa đô thị bao gồm 2 nội dung cốt lõi sau:

Hiện đại hóa các hoạt động phát triển

Hiện đại hóa các hoạt động phát triển bao hàm hiện đại hóa các lĩnh vực then chốt của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội hay hiện đại hóa các lĩnh vực mũi nhọn, hiện đại hóa sản xuất các sản phẩm chủ lực để hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hiện đại hóa.

Đối với Việt Nam nói chung và đối với các đô thị đóng vai trò đầu tàu, như Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cần ưu tiên hiện đại hóa theo các hướng chính:

- Hiện đại hóa các lĩnh vực công nghiệp, đây là lĩnh vực quan trọng. Đối với một đô thị hiện đại hóa phải chú ý công nghiệp điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp văn hóa, công nghiệp xây dựng, công nghiệp chế biến dược phẩm.

- Hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ven đô với các đô thị lớn: phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các cây trồng, vật nuôi trọng điểm: sản xuất lúa gạo chất lượng cao, trồng cây ăn trái, sản xuất rau an toàn, trồng hoa cây cảnh… ứng dụng công nghệ cao.

- Hiện đại hóa lĩnh vực dịch vụ: Đây cũng là lĩnh vực cần hiện đại hóa, đặc biệt là ở các đô thị. Trong đó, nhất là hiện đại hóa du lịch, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, thương mại điện tử, logistics, khám chữa bệnh, văn hóa nghệ thuật,…); hiện đại hóa xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa quản lý dân số, việc làm…

- Hiện đại hóa xây dựng và kết cấu hạ tầng cũng là một trong những lĩnh vực hiện đại hóa quan trọng, góp phần quan trọng trong việc phát triển đô thị thông minh.

Hiện đại hóa quản lý phát triển

Hiện đại hóa quản lý phát triển được coi như tiền đề để hiện đại hóa các hoạt động phát triển thành công; nếu quản lý phát triển lạc hậu, thì không thể hiện đại hóa các hoạt động phát triển… Việc quản lý các hoạt động phát triển thuộc trách nhiệm của Nhà nước trung ương và của chính quyền các đô thị.

Thứ nhất, hiện đại hóa quản lý và điều hành phát triển của chính quyền đô thị được nhận diện thông qua mức độ chính xác, đúng đắp, kịp thời của các quyết sách. Dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại quản lý phát triển mới có hiệu lực và hiệu quả cao. Xây dựng chính quyền số, kết nối với Chính phủ trung ương cũng như kết nối với chính quyền đô thị khác và kết nối thông suốt với các tổ chức quốc tế đóng trên địa bàn đô thị cũng là đòi hỏi chính đáng của hiện đại hóa quản lý phát triển của đô thị.

Thứ hai, hiện đại hóa quản lý phát triển phải được xem là yếu tố tiên quyết để hiện đại hóa các hoạt động phát triển. Hiện đại hóa quản lý phát triển bao gồm:

(i) Hiện đại hóa quyết sách về phát triển: Khi ra quyết sách phát triển cũng phải dựa trên nên tảng phân tích, dự báo các biến số bằng việc sử dụng các công nghệ hiện đại.

(ii) Hiện đại hóa tổ chức phát triển: Chỉ khi các hoạt động phát triển được tổ chức hợp lý, theo hướng hiện đại hóa, thì phát triển mới thành công. Ngày nay, người ta rất coi trọng việc phát triển theo chuỗi giá trị, theo chuỗi cung ứng. Đồng thời, người ta coi trọng tổ chức hoạt động phát triển theo các tổ hợp ngành, đa ngành theo lãnh thổ, như: hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm logistics…

(iii) Hiện đại hóa giám sát, kiểm soát các hoạt động phát triển: hiện là khâu yếu nổi bật trong quản lý và điều hành phát triển của các cấp chính quyền ở nước ta nói chung và các đô thị nói riêng hiện nay.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hiện đại hóa đô thị

Đối với mỗi quốc gia, mỗi đô thị cũng như đối với mỗi giai đoạn phát triển hiện đại hóa thì các yếu tố ảnh hưởng tới hiện đại hóa thành công không giống nhau. Vị trí quan trọng của các yếu tố ảnh hưởng tới hiện đại hóa thành công rất có thể thay đổi. Nhóm tác giả cho rằng, các yếu tố chính mang tính điều kiện để hiện đại hóa đô thị thành công bao gồm:

Yếu tố thứ nhất: Năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Tác giả Ngô Doãn Vịnh (2010) đã khẳng định, trong 3 chủ thể tham gia phát triển (gồm Nhà nước, Doanh nghiệp và Người dân), thì Nhà nước giữ vai trò quyết định. Nhóm tác giả đồng tình với quan điểm nêu trên. Đối với một đô thị, chính quyền đô thị là yếu tố mang tính quyết định hàng đầu đối với quá trình hiện đại hóa. Chính quyền đô thị, nhất là người đứng đầu chính quyền đô thị phải biết đô thị cần thu hút những loại công nghệ hiện đại, tiên tiến gì và phải hiểu các nhà đầu tư, các nhà nắm giữ công nghệ cao muốn gì thì mới có thể đưa ra những giải pháp phù hợp để nhận được công nghệ hiện đại, tiên tiến cần thiết cho công cuộc hiện đại hóa đô thị.

Yếu tố thứ hai: Mức độ quan tâm của các tập đoàn nắm giữ công nghệ hiện đại, tiên tiến. Trong thời gian tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Chính phủ Hoa Kỳ muốn lôi kéo các tập đoàn công nghệ cao của nước họ trở về Hoa Kỳ nghiên cứu, sản xuất nhằm hạn chế rủi ro rò rỉ các công nghệ hoặc kết quả nghiên cứu mới. Điều đó cho thấy rằng, việc chuyển giao công nghệ hiện đại không dễ dàng. Phần lớn các quốc gia đang phát triển chỉ tiếp nhận được các thế hệ công nghệ mà các nước phát triển đã khai thác cơ bản hết thời hạn thu hồi vốn.

Yếu tố thứ ba: Phải có nhân lực đủ sức tiếp nhận công nghệ hiện đại, tiến tiến để kết hợp với các nhà nắm giữ công nghệ hiện đại, tiên tiến cùng nhau phát huy giá trị của các công nghệ do họ nắm giữ. Đồng thời, cần có lực lượng nghiên cứu phát minh sáng chế công nghệ giỏi. Đội ngũ doanh nghiệp và nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ hiện đại, tiên tiến phải sẵn sàng tiếp nhận công nghệ cao từ bên ngoài, tự sáng chế công nghệ hiện đại trong nước.

Yếu tố thứ tư: Khả năng thu hút, phát huy tác động tích cực của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế về công nghệ. Quan hệ chính trị giữa các quốc gia ảnh hưởng lớn đến sự chuyển giao công nghệ hiện đại. Tuy nhiên , vì lợi ích của mỗi quốc gia người ta không dễ dàng chuyển giao công nghệ hiện đại, tiên tiến cho nhau. Việc chuyển giao công nghệ chỉ dựa trên lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị và an ninh quốc gia. Vì thế, tận dụng lợi ích của toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế để có được công nghệ hiện đại, tiên tiến là nghệ thuật và cần có trí tuệ phi phàm.

Các giai đoạn hiện đại hóa đô thị

Hiện đại hóa của một quốc gia hay của một đô thị là một quá trình diễn ra theo một số giai đoạn chính dưới đây:

- Giai đoạn 1: Giai đoạn chuẩn bị

Ở giai đoạn này, các nhà lãnh đạo đô thị tổ chức nghiên cứu xây dựng đề án hiện đại hóa đô thị cho giai đoạn 5, 10, 20, 30 năm. Chính quyền đô thị tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia quản lý, đại diện các doanh nghiệp, các nhà tri thức (kể cả mời chuyên gia nước ngoài) nghiên cứu xây dựng Đề án hiện đại hóa đô thị. Trước hết, chính quyền đô thị cần đưa ra ý tưởng và mong muốn hiện đại hóa (sau khi đã tham vấn các chuyên gia chuyên sâu về hiện đại hóa đô thị). Chính quyền đô thị nên hình thành lực lượng chuyên gia, thu hút thêm các tập đoàn kinh tế, các tập đoàn công nghệ lớn để tham vấn, cùng tham gia xây dựng kế hoạch hiện đại hóa đô thị. Bên cạnh đó, việc chọn lựa lĩnh vực, ngành sản phẩm để phát triển hiện đại hóa là vấn đề quan trọng, đòi hỏi có sự tính toán khôn ngoan, chính xác mới có thể sớm thu được kết quả như mong muốn.

- Giai đoạn 2: Hiện đại hóa những lĩnh vực hay những hoạt động trọng yếu vừa để thử nghiệm vừa để rút kinh nghiệm

Ở giai đoạn này, đô thị vừa triển khai hiện đại hóa một số lĩnh vực quan trọng, giữ vai trò quyết định đối với phát triển đồng thời tổ chức hiện đại hóa những khâu then chốt của hoạt động quản lý phát triển. Vấn đề quan trọng cần phải coi trọng và làm trước tiên là xây dựng phương án hiện đại hóa các mũi nhọn trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế cũng như hiện đại hóa các hoạt động quản lý, điều hành chủ yếu của chính quyền đô thị. Đồng thời, trong hoạt động quản lý việc hiện đại hóa trong lĩnh vực dự báo, kiểm tra, giám sát, đánh giá năng lực hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan và của các nhân lực quản lý (ít nhất là ở cấp cao).

- Giai đoạn 3: Mở rộng hiện đại hóa đối với hoạt động phát triển và hoạt động quản lý phát triển đô thị theo hướng xây dựng đô thị thông minh, văn minh, đáng sống

Ngoài việc hiện đại hóa đối với các hoạt động phát triển chính, các hoạt động quản lý phát triển thì phải tiến hành hiện đại hóa các công việc quản bá hình ảnh, kết nối thông tin thông suốt, chính xác để đô thị trở nên nơi đáng sống. Từ đó, thu hút nhân tài, những người giàu có ở trong nước cũng như là người nước ngoài tới đô thị sinh sống và kinh doanh. Trong thế giới kết nối toàn cầu đô thị cần có kế hoạch xây dựng đô thị thành nơi làm việc của những nhà nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, từ đó, lôi kéo họ tham gia hiện đại hóa đối với đô thị.

Kết luận

Hiện đại hóa diễn ra trong một quá trình không ngừng tiến bộ theo hướng chuyển hóa từ trình độ/mức độ này sang trình độ/mức độ khác cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng gia tăng của con người. Bản chất của hiện đại hóa phản ánh ở trình độ công nghệ được sử dụng trong các hoạt động phát triển và trong các hoạt động quản lý phát triển.

Mỗi quốc gia nói chung và đô thị nói riêng muốn có hiện đại hóa phải trả lời thỏa đáng các câu hỏi lớn: Đã có chủ trương rõ ràng, đúng đắn về hiện đại hóa chưa? Hiện đại hóa bằng cách nào? Hiện đại hóa như thế nào? Hiện đại hóa bắt đầu từ đâu? và Nguồn lực để hiện đại hóa lấy ở đâu? Theo đó, để hiện đại hóa thành công cần hội tụ các yếu tố mang tính điều kiện sau: (i) Năng lực quản lý, điều hành của Chính quyền các cấp; (ii) Mức độ quan tâm của các tập đoàn nắm giữ công nghệ hiện đại, tiên tiến; (iii) Nguồn nhân lực đủ sức tiếp nhận công nghệ hiện đại, tiên tiến cũng như có khả năng nghiên cứu phát minh; (iv) Khả năng thu hút, phát huy tác động tích cực của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế về công nghệ.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2015), Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2. Đỗ Thị Đông (2018), Quá trình phát triển thành nước công nghiệp hiện đại của Israel và một số gợi ý đối với Việt Nam.

3. Ngô Thúy Quỳnh (2017), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về đánh giá công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 255, tháng 4/2017.

4. Ngô Doãn Vịnh (2010), Phát triển: Điều kỳ diệu và bí ẩn, Nxb Chính trị Quốc gia.

5. Vũ Cương (2018), Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) – Góc nhìn từ mục tiêu phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

6. W.W. Rostow (1960), The Stages of Economic Growth: A Non-Communist Manifesto (Cambridge: Cambridge University Press, 1960), Chapter 2, "The Five Stages of Growth--A Summary, pp. 4-16.

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo