Hiểu được hành vi tuân thủ của người nộp thuế từ việc áp dụng quản lý rủi ro

Thùy Linh

Việc áp dụng quản lý thuế theo rủi ro sẽ giúp cơ quan thuế hiểu được hành vi tuân thủ của người nộp thuế, từ đó có chiến lược xử lý rủi ro phù hợp, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời các hành vi không tuân thủ.

Tại Việt Nam, việc áp dụng QLRR trong quản lý thuế hiện nay được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019.
Tại Việt Nam, việc áp dụng QLRR trong quản lý thuế hiện nay được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019.

Nhiều lợi ích

Tổng cục Thuế cho biết, quản lý rủi ro tuân thủ (QLRRTT) là phương thức quản lý thuế tiên tiến, hiện đại và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Khi số lượng người nộp thuế (NNT) tăng ngày càng nhanh, đặc biệt là khi áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân; quy mô hoạt động của NNT ngày càng lớn, tính chất hoạt động ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế, cơ quan thuế không có đủ nguồn lực về nhân lực, vật lực, tài lực và kỹ thuật để quản lý tất cả NNT.

Vì vậy, việc áp dụng quản lý thuế theo rủi ro sẽ giúp cơ quan thuế phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của mình để tập trung quản lý nhóm NNT có mức độ tuân thủ thấp nhất, khả năng gian lận về thuế cao nhất; tiết kiệm thời gian, hiểu được hành vi tuân thủ của NNT, từ đó có chiến lược xử lý rủi ro phù hợp, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời các hành vi không tuân thủ, nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của NNT.

Bên cạnh đó, việc cơ quan thuế áp dụng quản lý rủi ro (QLRR), quản lý tuân thủ để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để NNT tuân thủ tốt các quy định của pháp luật, đồng thời phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế trong quản lý thuế đối với NNT. Do vậy, việc triển khai áp dụng QLRRTT là cần thiết đối với cơ quan thuế Việt Nam.

Việc triển khai áp dụng QLRRTT chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi chúng ta xây dựng được một hành lang pháp lý vững chắc, một cơ sở dữ liệu đảm bảo tính chính xác đầy đủ và kịp thời, một Bộ chỉ số tiêu chí đảm bảo nhận diện được các dấu hiệu rủi ro đầy đủ và phải được thực hiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin phân tích dữ liệu lớn tự động.

Tại Việt Nam, việc áp dụng QLRR trong quản lý thuế hiện nay được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019; Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Theo đó, cơ quan thuế thực hiện áp dụng QLRR trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, nợ thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, hoàn thuế, kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quản l‎ý và sử dụng hóa đơn, chứng từ và các nghiệp vụ khác trong quản lý thuế. Cùng với đó, cơ quan thuế thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu liên quan đến NNT; xây dựng tiêu chí quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật của NNT; phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý thuế phù hợp.

Tổng cục Thuế cũng cho biết, xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ phân tích QLRR là một nội dung quan trọng trong việc áp dụng QLRRTT trong quản lý thuế. Việc xây dựng thông tin phục vụ QLRRTT trong quản lý thuế để phục vụ việc phân tích rủi ro, đánh giá mức tuân thủ pháp luật thuế của NNT, dự báo khuynh hướng tuân thủ của NNT giúp lập báo cáo theo yêu cầu đặt ra của QLRR trong quản lý thuế.

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cụ thể

Thời gian vừa qua, ngành Thuế đã tổ chức triển khai hiệu quả công tác thu thập, phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử nói riêng, dữ liệu quản lý thuế nói chung; tổ chức thu thập dữ liệu từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài ngành Thuế.

Cùng với đó, thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đối soát dữ liệu lớn với hoá đơn điện tử và bước đầu nghiên cứu, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích dữ liệu hoá đơn điện tử để phát hiện rủi ro giá bất thường, chuỗi mua bán hóa đơn, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), phân tích chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua bán của các doanh nghiệp trong nền kinh tế giúp tìm các chuỗi nghi ngờ (mua bán lòng vòng, chỉ mua không bán, chỉ bán không mua, xuất khống hóa đơn,...).

Tổng cục Thuế cũng đã xây dựng Bộ tiêu chí, chỉ số tiêu chí phục vụ QLRR. Theo đó, Bộ tiêu chí, chỉ số tiêu chí áp dụng QLRRTT trong quản lý thuế được xây dựng, ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ và phù hợp với các quy định của pháp luật thuế, các chính sách quản lý nhà nước hiện hành.

Hiện nay, Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng QLRRTT trong quản lý thuế được xây dựng, áp dụng đối với nhóm NNT là tổ chức, doanh nghiệp và nhóm NNT là cá nhân, hộ kinh doanh. Cụ thể, đối với nhóm NNT là tổ chức, doanh nghiệp ngành Thuế đã xây dựng và ban hành các bộ chỉ số tiêu chí sau: Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng QLRR trong lựa chọn NNT có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT; Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng QLRR lựa chọn hồ sơ khai thuế GTGT, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt có dấu hiệu rủi ro để kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế; Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng QLRR trong quản lý hóa đơn, chứng từ; Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng QLRR trong phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn NNT để xây dựng kế hoạch kiểm tra thanh tra sau hoàn thuế.

Đối với NNT là cá nhân, hộ kinh doanh, ngành Thuế đang xây dựng Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng QLRR trong quản lý cá nhân, hộ kinh doanh. Dự kiến sẽ ban hành trong năm 2024.

Thực hiện quá trình chuyển đổi số ngành Thuế nói riêng và chiến lược chuyển đổi số Quốc gia nói chung, ngành Thuế hiện đang xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thuế tích hợp trên nền tảng kiến trúc hiện đại kết nối hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chung của Ngành và các hệ thống thông tin liên quan ngoài ngành. Ứng dụng công nghệ mới trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn dựa trên bộ tiêu chí QLRR được ban hành nhằm đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật về thuế của NNT; xếp hạng mức độ rủi ro đối với NNT; cảnh báo rủi ro, phân luồng, đưa ra các yêu cầu nghiệp vụ để định hướng, hỗ trợ kiểm tra, giám sát các nội dung quản lý thuế.

 

Thông tin phục vụ QLRR trong hoạt động nghiệp vụ thuế bao gồm: Thông tin trong ngành Thuế (thông tin về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; thông tin về các hồ sơ khai thuế; nộp thuế; nợ thuế;…); Các thông tin thu thập từ bên thứ ba và Thông tin khác có liên quan đến NNT.

Cơ quan thuế tổ chức thu thập, xử lý thông tin dữ liệu theo phương thức điện tử liên quan đến NNT. Xây dựng, vận hành, quản lý, sử dụng “Hệ thống cơ sở dữ liệu về NNT” của Tổng cục Thuế.