Hiệu quả từ vay qua tổ vay vốn đến tận nông thôn

Theo Cẩm Trúc/Báo Đồng Khởi

Cho vay qua tổ vay vốn là một trong 3 chương trình tín dụng trọng điểm trong năm 2021 của ngân hàng Agribank tỉnh Bến Tre. Với mục tiêu để cá nhân, hộ gia đình được vay vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ, giúp kéo giảm hoạt động “tín dụng đen” tại địa bàn nông thôn.

Mỏ Cày Nam đẩy mạnh thực hiện chương trình cho vay qua tổ vay vốn, giúp người dân cải tạo kinh tế vườn. Ảnh: Cẩm Trúc
Mỏ Cày Nam đẩy mạnh thực hiện chương trình cho vay qua tổ vay vốn, giúp người dân cải tạo kinh tế vườn. Ảnh: Cẩm Trúc

Thuận lợi tiếp cận vốn ngân hàng

Anh Hồ Thanh Trung - Trưởng ban Chỉ đạo chương trình cho vay qua tổ vay vốn xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre cho biết, trước năm 2016, khi chưa thành lập tổ vay vốn, nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn, chủ yếu để cải tạo vườn tạp, mua vật nuôi trong gia đình để phát triển kinh tế hộ.

Trung bình mỗi năm nhân dân trong xã vay trên 50 tỷ đồng. Khi vay với hình thức này, người dân đi lại rất khó khăn, đóng lãi ngân hàng với số lượng lớn, chi phí đi lại tốn kém, việc tiếp cận tư vấn dịch vụ của người dân đối với ngân hàng rất khó do nhu cầu vay nhiều nhưng nhân viên chỉ đủ đảm bảo công tác hướng dẫn cho vay.

Đến tháng 10/2016, triển khai thực hiện thỏa thuận chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp theo kế hoạch phối hợp giữa Hội Nông dân (HND) tỉnh và Agribank tỉnh Bến Tre, Ban Chỉ đạo xã đã phối hợp với HND tuyên truyền các cấp hội bước đầu thành lập các tổ vay vốn trên địa bàn các xã.

“Việc thành lập các tổ này rất có lợi cho người dân và cả ngân hàng. Vì giảm áp lực của ngân hàng, hạn chế người đến đóng lãi, đỡ thời gian chi phí đi lại của người dân, hộ dân tiếp cận được các dịch vụ vay vốn có ưu đãi mà chọn loại hình vay vốn phù hợp. Quan trọng hơn là việc giám sát các hộ vay vốn được chặt chẽ, hạn chế được nợ quá hạn...”, anh Hồ Thanh Trung nhận định.

Đến thời điểm này, tổng số tiền vay của người dân trong xã gần 200 tỷ đồng, trong đó có 11 tổ vay vốn trên địa bàn 8 ấp, với 654 hộ. Riêng 9 tháng năm 2021, các tổ giải ngân 84 tỷ đồng.

Về cách triển khai, Agribank Giồng Trôm đã ký hợp đồng dịch vụ với các tổ trưởng là thành viên của Ban Chấp hành HND - những người có uy tín tại địa phương, có mối quan hệ xã hội tốt, bám sát kinh tế hộ gia đình; là người quan trọng trong khâu thẩm định cho vay, hỗ trợ nhân viên tín dụng trong công tác thu lãi, đôn đốc nợ quá hạn, nợ xấu.

Qua tổ vay vốn, rất nhiều hộ gia đình đã được vay vốn lên đến trên 200 triệu đồng, thủ tục được giải quyết nhanh, lãi suất ưu đãi. Qua đó, góp phần quan trọng cùng với địa phương đẩy lùi tình trạng tín dụng đen tại địa bàn nông thôn; tạo điều kiện cho người dân tiếp tục vay vốn phát triển kinh tế, tăng thu nhập hộ gia đình, giảm hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Ngăn chặn “tín dụng đen”

Ông Nguyễn Thành Việt - Chủ tịch UBND xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú kể, trước đây người dân muốn tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh hoặc đóng lãi hàng tháng phải đến trung tâm của huyện cách xã 10km để giao dịch. Thời gian từ khi làm hồ sơ đến khi nhận được tiền phải mất 3 - 4 ngày, có khi mất cả tuần.

Đến năm 2020, sau khi được đầu tư mở phòng giao dịch tại xã cùng với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cho vay qua tổ vay vốn. Nhờ đó, hoạt động cho vay qua tổ đã triển khai một cách bài bản, đồng bộ hơn trước. Đến cuối ngày 30/9/2021, xã phát triển 11 tổ, 333 tổ viên vay vốn, với dư nợ trên 27 tỷ đồng. Trong đó có 8 tổ ủy quyền cho vay qua tổ và không có nợ xấu.

Thông qua ủy quyền tổ trưởng thu lãi đã tạo cho khách hàng thói quen đóng lãi thường xuyên, giảm bớt áp lực trong việc tiếp nhận hồ sơ vay vốn, tác động thu hồi lãi vay của cán bộ tín dụng. Mặt được của mô hình này là tạo sự gắn kết giữa ngân hàng - khách hàng - chính quyền địa phương.

Ông Vũ Hồng Dụ - Giám đốc Agribank tỉnh Bến Tre nhận định về hiệu quả cho vay qua tổ vay vốn: Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam là 2 huyện đang thực hiện và phát triển rất tốt chương trình cho vay qua tổ vay vốn, giúp người dân địa phương được thuận lơi, nhanh chóng tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, phát triển các chuỗi nông sản chủ lực, trong đó đặc biệt là chuỗi dừa…”.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre và HND tỉnh đã ký kết phối hợp với Agribank tỉnh trong triển khai chương trình cho vay qua tổ vay vốn. Thời gian qua, mô hình này được triển khai sâu rộng đến các hội viên, giúp hội viên thuận lợi tiếp cận vốn vay, cải thiện kinh tế gia đình và giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

“Việc cho vay qua tổ là đáp ứng theo xu thế và rất phù hợp với tình hình hiện nay, cụ thể là sau đại dịch COVID-19... Hướng tới, các cấp hội sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn, phát triển cho vay qua tổ vay vốn, tăng cường việc thu lãi qua tổ, tăng trưởng dư nợ, giảm nợ xấu...”, bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho hay.

Giám đốc Agribank tỉnh Vũ Hồng Dụ cho biết: “Mặc dù trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng kết quả dư nợ cho vay qua tổ vay vốn của chi nhánh đến 30-9-2021 là 4,1 ngàn tỷ đồng; dư nợ tăng trưởng 123% so với đầu năm, 240% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 70% trên tổng dư nợ cho vay không bảo đảm theo Nghị định số 55/NĐ-CP và cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ”.

Đến thời điểm hiện tại, tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình cho vay qua tổ cấp huyện/thành phố, với 128/157 xã trên địa bàn đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã. Tổng số tổ được thành lập và hoạt động là 1.041 tổ, với trên 35 ngàn thành viên.