Hiệu ứng tích cực từ tỷ giá giảm

Theo tapchithue.com.vn

Theo số liệu thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2016, giá USD có 3 tháng tăng (tháng 1 tăng 0,18%, tháng 4 tăng 0,05%, tháng 6 tăng 0,09%), 4 tháng giảm (tháng 2 giảm 0,64%, tháng 3 giảm 0,38%, tháng 5 giảm 0,1%, tháng 7 giảm 0,21%).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Do số tháng tăng ít hơn số tháng giảm và mức tăng thấp hơn mức giảm, nên tính chung sau 7 tháng (tháng 7/2016 so với tháng 12/2015) giá USD vẫn còn giảm, ngược với chiều hướng tăng của cùng kỳ năm trước (giảm 1,02% so với tăng 2,01%)

Tỷ giá giảm, trước hết là góp phần tăng dự trữ ngoại hối của đất nước. Tính đến giữa tháng 6, dự trữ ngoại tệ (không kể vàng) của Việt Nam đã đạt trên 38 tỷ USD- tương đương với 12 tuần nhập khẩu, đạt được ranh giới an toàn tài chính quốc gia.

Tỷ giá giảm còn góp phần giảm áp lực của chi phí đẩy từ hàng nhập khẩu khi tính bằng VND, qua đó có tác dụng kiềm chế lạm phát. Khi lạm phát thấp thì tác động trở lại, không tạo ra nhu cầu nắm giữ USD, nên góp phần ổn định tỷ giá.

Mặt khác, tỷ giá giảm cộng với giá nhập khẩu giảm đã làm cho tỷ giá thương mại hàng hóa (tính bằng cách chia chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa cho chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa) 6 tháng đầu năm nay tăng 4,25% so với cùng kỳ 2015, có tác dụng khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu.

Nhờ vậy, trong quan hệ buôn bán hàng hóa với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển vị thế từ nhập siêu 7 tháng năm trước (3914 triệu USD) sang vị thế xuất siêu trong 7 tháng năm nay (1798 triệu USD). Hơn thế nữa, tỷ giá giảm còn góp phần kiềm chế việc tăng nợ nước ngoài, khi tính bằng VND.

Tỷ giá giảm do nhiều nguyên nhân, trước hết là do lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn tăng và đạt quy mô khá; trong đó lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt khoảng 8,6 tỷ USD, tăng 15,5%, khả năng cả năm sẽ vượt kỷ lục đã đạt được trong năm trước (14,5 tỷ USD).

Lượng vốn đầu tư gián tiếp (FII) hiện ở mức trên 15 tỷ USD. Chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng ước đạt 4,84 tỷ USD, tăng 24%. Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài tiếp tục giảm (vốn đăng ký Việt Nam góp nếu năm 2013 là 3107 triệu USD, thì năm 2014 còn 1787 triệu USD, năm 2015 còn 775 triệu USD, năm nay có thể còn thấp hơn).

Tỷ giá giảm còn do CPI mấy tháng nay tăng chậm lại (tháng 5 tăng 0,54%, tháng 6 tăng 0,46%, tháng 7 tăng 0,13%), dự báo có khả năng sẽ đạt mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (dưới 5%). Theo hiệu ứng kinh tế, khi lạm phát không cao sẽ không tạo ra sức ép găm giữ USD.

Ngoài ra, tỷ giá giảm là nhờ Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp điều hành chủ động, linh hoạt khi đã chuyển phương thức điều hành từ định kỳ (được gọi là “giật cục” mấy tháng 1 lần) sang “tỷ giá trung tâm” (được gọi là “trườn bò”), vừa bảo đảm tính linh hoạt nhanh nhạy phù hợp với cơ chế thị trường, vừa ngăn chặn tình trạng đầu cơ đón lõng. Đồng thời, khi đưa VND ra để mua ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp trung hòa để thu hút tiền về.

Những kết quả nổi bật thời gian qua cho thấy, có thể góp phần yên tâm đối với tỷ giá. Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, vì tỷ giá là yếu tố rất quan trọng và nhạy cảm. Hơn nữa, tỷ giá tính theo thời điểm thì giảm, nhưng nếu tính bình quân thì vẫn còn cao, chủ yếu do phải ứng phó với sự phá giá mạnh Nhân dân tệ (Trung Quốc) so với USD, kéo theo nhiều ảnh hưởng trong quan hệ thương mại với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, buộc Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh “kép” (vừa tăng tỷ giá, vừa tăng biên độ giao dịch); đồng thời, tốc độ tăng cao do đã vượt trước ngăn chặn, dự phòng việc tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Tuy nhiên, tốc độ tăng bình quân đã có xu hướng chậm lại qua các kỳ trong 7 tháng đầu năm nay (tháng 1 tăng 5,28%, 2 tháng tăng 5,05%, 3 tháng tăng 4,79%, 4 tháng tăng 4,47%, 5 tháng tăng 4,19%, 6 tháng tăng 3,91%, 7 tháng tăng 3,67%... góp phần đảm bảo tính thanh khoản, tạo điều kiện hạ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng. Tuy nhiên, phải cẩn trọng và theo dõi sát diễn biến của tỷ giá, cùng với việc kiểm soát chặt chẽ hoặt động cho vay ngoại tệ, kể cả đầu tư ra nước ngoài.