Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm
Theo các chuyên gia kinh tế, muốn đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn thì nhất định phải nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của từng ngành, từng doanh nghiệp (DN) và từng sản phẩm. Để nâng cao năng lực cạnh tranh thì quan trọng nhất là hỗ trợ để nâng cao năng suất và chất lượng (NSCL) của từng DN.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, những DN thành công là những DN có hàng hóa/dịch vụ rẻ hơn, chất lượng đảm bảo hơn với hệ thống chăm sóc khách hàng tốt hơn nhờ áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, đi cùng với sự nỗ lực cải tiến không ngừng dựa trên đầu tư có hiệu quả về nguồn nhân lực và công nghệ mới.
Trong bối cảnh DN Việt Nam chủ yếu là DN vừa và nhỏ, còn khó khăn về khả năng đầu tư thiết bị, công nghệ do thiếu vốn, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống thiết bị hiện đại còn thiếu và yếu, và hệ thống quản lý, điều hành chưa tương thức, các chuyên gia cho rằng, việc tự động hóa, máy móc thay thế trong sản xuất chỉ có thể phát huy hiệu quả khi DN đã có hệ thống quản trị tốt, tinh gọn và người vận hành được đào tạo đáp ứng yêu cầu.
Theo ThS.Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng, Viện Năng suất Việt Nam, các chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng suất trong thời gian tới cần được xem xét và phối hợp đồng bộ, trong đó, các DN được tham gia, đóng góp ý kiến vào xây dựng chính sách hỗ trợ. Cùng với đó, việc chia sẻ kinh nghiệm của các DN đã được tham gia các chương trình, bài học thành công là rất cần thiết cho cộng đồng DN;
Các cơ quan bộ, ngành địa phương thực hiện các chương trình hỗ trợ DN dựa trên định hướng thống nhất của Chính phủ nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực trên cơ sở thông tin tới DN được rõ ràng và hiệu quả. Việc hỗ trợ từ các cơ quan quản lý giúp tăng cường hợp tác quốc tế, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm cần thiết để các DN đánh giá được đúng nhu cầu đầu tư, tránh lãng phí;
Quá trình chuyển đổi của DN cần sự hỗ trợ phương pháp, sử dụng công cụ thích hợp từ các chuyên gia, giảng viên có kiến thức, kỹ năng đến từ các Viện, trường đại học cũng như các tổ chức tư vấn, đào tạo chuyên nghiệp. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực cho những tổ chức này cùng với xây dựng mạng lưới chuyên gia cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.
Được biết, tại Việt Nam, vấn đề nâng cao NSCL đã được cụ thể hóa trong những định hướng của Đảng, Chính phủ và rõ nét nhất thể hiện thông qua việc triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020; Dự án “Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp”… Qua đó, tạo lập các nền tảng quan trọng cho triển khai hoạt động nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa tại Việt Nam.
Thành quả quan trọng nhất đó là các DN Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Các chương trình cải tiến NSCL đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong quá trình xây dựng và phát triển của DN. Nhiều hệ thống quản lý như ISO 9001, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP và các công cụ cải tiến 5S, Kaizen, Lean… đã dần quen thuộc với các DN Việt Nam.
Nhiều địa phương đã tích cực chủ động hỗ trợ DN trong nâng cao NSCL. Đơn cử như Quảng Ninh, ngoài việc khuyến khích các DN tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng phổ biến, hỗ trợ, đồng hành cùng DN, tổ chức trong Tỉnh đẩy mạnh áp dụng các công cụ tiên tiến để nâng cao NSCL.
Giai đoạn 2015-2020, tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn 30 DN để hỗ trợ áp dụng mô hình điểm về nâng cao NSCL. Qua thí điểm trên 30 DN đều cho thấy đã cải thiện năng suất, tăng 15-20%. Năng lực quản trị, điều hành, quản lý của DN cũng được nâng cao; chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt, được thị trường đón nhận, đánh giá tốt.
Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh là nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về NSCL trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho các DN. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ DN nâng cao NSCL gắn với những đòi hỏi mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…