Hoàn thiện chính sách quản lý thuế, hải quan, logistics để nâng cao hiệu quản lý
Chiều 22/11/2021, Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học “Chính sách quản lý thuế, hải quan, logistics” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự Hội thảo có PGS.,TS. Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc Học viện Tài chính; PGS.,TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính); Bà Hoàng Thị Lan Anh - Phó Ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế); Ông Bùi Thái Quang - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan); Ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam và đông đảo các nhà khoa học, các giảng viên Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.,TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan cho biết, quản lý thuế là lĩnh vực quan trọng hàng đầu trong quản lý tài chính nhà nước, bởi thuế nội địa và thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hai lĩnh vực chủ yếu của thu ngân sách nhà nước. Do vậy, quản lý thuế tốt giúp giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, đồng thời tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Theo quy định pháp luật Việt Nam, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan là hai cơ quan thuộc Bộ Tài chính, có chức năng trực tiếp quản lý thuế. Bên cạnh việc quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Tổng cục Hải quan còn có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hàng hoá, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và thực hiện công tác thống kê hải quan.
Bên cạnh đó, một trong những lĩnh vực hoạt động kinh tế rất quan trọng là logistics, chiếm một tỷ lệ khá lớn trong GDP. Điều này cho thấy, nghiên cứu về chính sách thuế, hải quan và logistics, cũng như công tác quản lý đối với những lĩnh vực này có ý nghĩa rất quan trọng.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, khi chính sách không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn thì cần điều chỉnh cho phù hợp. Chính vì vậy, việc nghiên cứu hoàn thiện chính sách thuế, hải quan và logistics là việc phải làm định kỳ, thường xuyên của các quốc gia. Các cơ sở giáo dục đại học, với tư cách là cơ quan nghiên cứu khoa học phải tham gia tích cực vào quá trình này.
“Công tác quản lý thuế, hải quan và quản trị logistics ở các doanh nghiệp cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, cần được nghiên cứu cải tiến thường xuyên cho phù hợp với điều kiện thực tiễn để nâng cao hiệu quả quản lý. Đặc biệt, năm 2021, Việt Nam và thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhiều lĩnh vực kinh doanh bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, công ăn việc làm của nhiều người lao động bị ảnh hưởng, đời sống của một bộ phận không nhỏ người lao động bị khó khăn”, PGS.,TS. Lê Xuân Trường cho biết.
Khái quát về cơ sở thuế và chống xói mòn cơ sở thuế ở Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Chiến - Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho biết, cơ sở thuế theo cách hiểu chung nhất là các cơ sở kinh tế mà Nhà nước có thể điều tiết bằng các sắc thuế. Hay nói cách khác, cơ sở thuế còn được hiểu là các khả năng kinh tế trong xã hội mà Nhà nước có thể đánh thuế.
Trên thực tế, hiện nay, các khả năng kinh tế mà Nhà nước có thể đánh thuế đã được chỉ ra bao gồm khả năng về thu nhập, khả năng về chi tiêu và khả năng về giá trị tài sản sở hữu. Theo đó, khả năng thu nhập, tức là số thu nhập mà một chủ thể nhận được trong một khoảng thời gian nhất định, các sắc thuế đánh vào thu nhập đã được hình thành như thuế thu nhập công ty, thuế thu nhập cá nhân.
Nhìn nhận về xói món cơ sở thuế, TS. Nguyễn Đình Chiến cho rằng, cơ sở thuế hiện hành của hệ thống thuế quốc gia không đảm bảo bao quát được đầy đủ tất cả các cơ sở kinh tế, các khả năng nộp thuế hiện trong nền kinh tế của quốc gia.
Nếu xem các cơ sở kinh tế, các khả năng nộp thuế trong nền kinh tế là địa hình vốn có, việc không bao quát được hay làm mất đi, làm ít đi nền địa hình này chính là xói mòn cơ sở thuế. Hệ thống thuế nào bao quát đầy đủ các khả năng đánh thuế, các cơ sở thuế trong nền kinh tế thì hệ thống thuế đó có cơ sở thuế không bị xói mòn và ngược lại.
Theo ông Nguyễn Đình Chiến, nguyên nhân của tình trạng xói mòn cơ sở thuế là do quy định của hệ thống thuế chưa bao quát được tất cả các cơ sở kinh tế, các khả năng có thể đánh thuế trong nền kinh tế; hoạt động quản lý thuế chưa thực sự hiệu quả, còn xảy ra hiện tượng bỏ sót nguồn thu, thất thu về cơ sở thuế; ý thức tuân thủ của người nộp thuế chưa cao, còn các hành vi nhằm giảm thiểu nghĩa vụ thuế trên cơ sở hạ thấp cơ sở tính thuế của các hoạt động kinh doanh.
Để quản lý thuế hiệu quả, hạn chế tình trạng xói mòn cơ sở thuế ở Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Chiến cho rằng, trong thời gian tới, cần mở rộng thuế đối với các sắc thuế trong hệ thống thuế Việt Nam phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội và khả năng quản lý của Nhà nước; nâng cao hiệu quả quản lý thuế, hạn chế tình trạng bỏ sót nguồn thu, thất thu về cơ sở thuế; quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, ngăn chặn kịp thời tình trạng chuyển dịch lợi nhuận giữa các doanh nghiệp liên kết.
Qua nghiên cứu về mô hình hải quan thông minh của: Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Hải quan Hoa Kỳ, Hải quan Trung Quốc, Hải quan Nhật Bản, PGS.,TS. Vũ Duy Nguyên - Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt triển khai các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP, RCEF… thì việc xây dựng và triển khai chiến lược hải quan thông minh giai đoạn 2021-2030 là tất yếu. Điều này không chỉ tạo ra động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế-xã hội, mà còn phù hợp với chiến lược hiện đại hóa hải quan toàn cầu.
Định hướng về xây dựng mô hình hải quan thông minh trong giai đoạn mới, TS. Bùi Thái Quang - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho biết, Hải quan Việt Nam kỳ vọng xây dựng mô hình hải quan thông minh với các mục tiêu: Quản lý tập trung tại cấp Tổng cục Hải quan, cấp vùng, xử lý tự động hàng hóa xuất nhập khẩu từ khâu đầu đến khâu cuối; Kết nối trao đổi thông tin với các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp; Áp dụng công nghệ hiện đại để phân tích thông tin, hình ảnh, cảnh báo hỗ trợ công chức; Thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mợi nơi trên mọi phương tiện.
Tại Hội thảo, các chuyên gia thảo luận về chính sách và quản lý thuế, hải quan trong điều kiện kinh tế số, kinh tế chia sẻ; Chuyển đổi số trong quản lý thuế, hải quan và logistics; Phát triển mô hình hải quan thông minh; Quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử; Chính sách thuế, hải quan hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện dịch COVID-19…
Hội thảo khoa học “Chính sách và quản lý thuế, hải quan, logistics” là hội thảo thường niên lần thứ hai của Khoa Thuế và Hải quan. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý công bố các kết quả nghiên cứu trong những lĩnh vực này; là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý trao đổi chuyên môn về mọi khía cạnh lý luận và thực tiễn phát sinh trong quá trình quản lý thuế, quản lý hải quan và quản trị logistcs.
Hội thảo năm nay, Ban Tổ chức đã nhận được 26 bài viết của các nhà khoa học, nhà quản lý gửi đăng kỷ yếu hội thảo với nội dung về rất nhiều vấn đề quan trọng, cả lâu dài và cấp bách trong lĩnh vực thuế, hải quan và logistics.