Hoàn thiện cơ chế quản lý ngân quỹ nhà nước


Thực hiện Điều 62 Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước. Việc ban hành này đã bước đầu tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để triển khai các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước theo hướng hiện đại, đáp ứng mục tiêu quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, sau hơn 05 năm triển khai thực hiện Nghị định số 24/2016/NĐ-CP, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Vì vậy, việc đánh giá kết quả thực hiện, rà soát các quy định hiện hành và việc xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2016/NĐ-CP là rất cần thiết.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý ngân quỹ nhà nước.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý ngân quỹ nhà nước.

Những kết quả đạt được

Sau hơn 05 năm triển khai thực hiện Nghị định số 24/2016/NĐ-CP, công tác quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN) đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước, gắn kết chặt chẽ giữa công tác quản lý NQNN, quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) và quản lý nợ; đồng thời, hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Cụ thể: 

Trước hết, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý để quản lý NQNN tập trung. Theo đó, Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước - KBNN) đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống tài khoản thanh toán tập trung để tập trung toàn bộ số dư NQNN từ các địa phương về trung ương và gửi toàn bộ tại NHNN (không còn số dư tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại vào cuối ngày làm việc), làm cơ sở cho việc điều hành NQNN tập trung, thống nhất, nâng cao khả năng thanh khoản, đáp ứng kịp thời, đầy đủ mọi nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch.

Bên cạnh đó, thông qua việc sử dụng có hiệu quả nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi theo các thứ tự ưu tiên gồm: (i) Cho NSNN vay để bù đắp bội chi, trả nợ gốc và tạm ứng cho NSNN khi nguồn thu chưa tập trung kịp; (ii) Gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại (NHTM) có mức độ an toàn cao theo nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh lãi suất và (iii) Mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP), trong giai đoạn 2019- 2021, Bộ Tài chính (KBNN) đã đóng góp 10.000 tỷ đồng vào NSNN.

Mặt khác, thời gian qua, công tác quản lý NQNN luôn đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ với quản lý nợ. Đặc biệt, trong bối cảnh tồn NQNN tại KBNN cao (do một số nguồn chưa chi như nguồn thực hiện cải cách tiền lương, nguồn tăng thu tiết kiệm chi chưa được phân bổ, chuyển nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo Luật Đầu tư công…), Bộ Tài chính đã chủ động giảm khối lượng phát hành TPCP và sử dụng nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách trung ương vay; theo đó, đã giúp ngân sách trung ương giảm được chi trả lãi vay hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Công tác quản lý NQNN cũng đã hỗ trợ tích cực NHNN điều hành chính sách tiền tệ: Việc tập trung toàn bộ số dư NQNN cuối ngày về NHNN đã hỗ trợ NHNN có nguồn để mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước và ổn định thanh khoản thị trường, kiểm soát lạm phát, giữ được mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; giúp giảm chi phí cho NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý NQNN (như gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM theo phương thức đấu thầu điện tử, ký phụ lục hợp đồng gửi tiền điện tử; đấu thầu mua lại có kỳ hạn TPCP trên hệ thống giao dịch công cụ nợ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội…) đã giúp cho hoạt động quản lý NQNN được bảo mật, khách quan, công khai và minh bạch; đồng thời, góp phần đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm thời gian thực hiện.

Một số tồn tại, hạn chế

Mặc dù việc triển khai Nghị định số 24/2016/ NĐ-CP thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận tuy nhiên, trong bối cảnh đã có những thay đổi trong quy định pháp luật liên quan, định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, cũng như các yêu cầu thực tiễn mới phát sinh, thì việc rà soát, đánh giá để hoàn thiện quy định về quản lý NQNN tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình mới là cần thiết. Cụ thể:

Thứ nhất, cần hoàn thiện một số quy định tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành như: Pháp lệnh ngoại hối, Luật Quản lý nợ công 2017, Luật Phí và lệ phí và các văn bản có liên quan khác.

Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung, làm rõ một số quy định để đảm bảo cơ sở pháp lý rõ ràng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện như: Thời hạn xây dựng và phê duyệt phương án điều hành NQNN; xử lý tài sản được sử dụng trong giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP trong trường hợp nhà đầu tư vi phạm hợp đồng, không thanh toán tiền trong giao dịch lần 2 cho KBNN; xử lý thiếu hụt NQNN bằng ngoại tệ; biện pháp phòng ngừa rủi ro; về việc mở tài khoản, trả lãi và thu phí dịch vụ thanh toán đối với các đối tượng mở tài khoản tại KBNN; nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong hoạt động quản lý NQNN...

Một số nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung

Thực hiện nhiệm vụ về công tác xây dựng đề án, chính sách năm 2022, KBNN được Bộ Tài chính giao triển khai xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý NQNN. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2016/NĐ-CP hiện đang được Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Với mục tiêu hoàn thiện cơ sở pháp lý trong công tác quản lý NQNN, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; kế thừa các quy định còn phù hợp tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP, đồng thời, bổ sung, hoàn chỉnh nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện thời gian qua, một số nội dung sửa đổi bổ sung của Dự thảo cụ thể như sau:

Một là, về nguyên tắc quản lý NQNN: Dự thảo Nghị định làm rõ nguyên tắc “việc sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi được thực hiện bằng Đồng Việt Nam”, đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định của Pháp lệnh ngoại hối là “thực hiện mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam” (Điều 3); “Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi toàn bộ ngoại tệ của KBNN tại NHNN Việt Nam”; “Thủ tướng Chính phủ quy định mức ngoại tệ Bộ Tài chính được giữ lại từ nguồn thu ngân sách để chi các khoản chi ngoại tệ thường xuyên của NSNN. Số ngoại tệ còn lại Bộ Tài chính bán cho Dự trữ ngoại hối nhà nước tập trung tại NHNN Việt Nam” (khoản 1, 2 Điều 35).

Hai là, về tài khoản thanh toán tập trung: Dự thảo Nghị định quy định hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của KBNN bao gồm tài khoản thanh toán tổng hợp tại Sở Giao dịch NHNN và tài khoản thanh toán tại các hệ thống NHTM (trong đó, tại từng hệ thống NHTM gồm tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp tại trụ sở chính và các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tại chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc (nếu có)); toàn bộ số dư trên các tài khoản của KBNN (tài khoản thanh toán, tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu và tài khoản chuyên thu tổng hợp tại các hệ thống NHTM) tại thời điểm “cut off time” (thời điểm tạm ngừng truyền, nhận chứng từ thanh toán để đối chiếu số liệu thanh toán trong ngày giữa KBNN và các hệ thống NHTM) được tập trung về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN tại Sở Giao dịch NHNN, để hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung của KBNN theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là “phù hợp với lộ trình xây dựng, phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia, đáp ứng yêu cầu thanh toán thông suốt của Chính phủ, đảm bảo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước được tập trung về tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Ba là, về thời hạn xây dựng và phê duyệt phương án điều hành NQNN: Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn xây dựng và phê duyệt phương án điều hành NQNN theo hướng: đối với phương án điều hành NQNN quý: KBNN trình Bộ Tài chính “chậm nhất ngày 01 của tháng đầu quý”, Bộ Tài chính phê duyệt “chậm nhất ngày 05 của tháng đầu quý”; đối với phương án điều hành NQNN năm: KBNN trình Bộ Tài chính “chậm nhất ngày 01 tháng 01 của năm”, Bộ Tài chính phê duyệt “chậm nhất ngày 05 tháng 01 của năm”, để phù hợp với thực tiễn về tổng hợp, phân tích số liệu về thu, chi NSNN và đảm bảo tính khả thi về thời hạn xây dựng và phê duyệt phương án điều hành NQNN.

Bốn là, về việc sử dụng NQNN tạm thời của NSNN: Quy định NQNN tạm thời nhàn rỗi được sử dụng cho ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh “tạm ứng”, “vay”, phù hợp với quy định tại Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn sử dụng NQNN; theo đó, các khoản tạm ứng NQNN của ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh phải hoàn trả trong năm ngân sách và không được gia hạn, các khoản vay NQNN của ngân sách trung ương được phép gia hạn với thời hạn mỗi lần tối đa không quá 12 tháng. Các khoản vay NQNN của ngân sách cấp tỉnh được phép gia hạn một lần với thời hạn tối đa không quá 12 tháng, nhằm đảm bảo nguyên tắc ưu tiên sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để hỗ trợ cân đối ngân sách trung ương, nâng cao trách nhiệm trả nợ của các địa phương, tránh phát sinh các khoản vay NQNN của ngân sách cấp tỉnh bị kéo dài trong thời gian trước đây. Bên cạnh đó, Dự thảo bãi bỏ quy định hạn mức sử dụng NQNN cho từng ngân sách địa phương cấp tỉnh, để phù hợp với thực tiễn về nhu cầu sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi của các địa phương (có địa phương có nhu cầu nhưng không được tạm ứng/vay NQNN; nhiều địa phương không có nhu cầu tạm ứng/vay NQNN nhưng được phân bổ hạn mức).

Năm là, về biện pháp xử lý NQNN tạm thời thiếu hụt: Dự thảo bổ sung quy định về biện pháp xử lý NQNN bằng ngoại tệ tạm thời thiếu hụt là “mua ngoại tệ từ hệ thống ngân hàng để đáp ứng nhu cầu chi của NQNN theo quy định được thực hiện bằng ngoại tệ” để đảm bảo cơ sở pháp lý cho nghiệp vụ cân đối NQNN bằng ngoại tệ của Bộ Tài chính (KBNN), đáp ứng kịp thời nhu cầu chi bằng ngoại tệ của ngân sách trung ương.

Sáu là, về nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong hoạt động quản lý NQNN, cụ thể như sau:

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính: Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính hướng dẫn về mở tài khoản, trả lãi và thu phí dịch vụ thanh toán, phù hợp với thẩm quyền của Bộ Tài chính được quy định tại Luật Phí và lệ phí; quyền hạn của Bộ Tài chính trong việc quyết định sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh “vay”, phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung về việc sử dụng NQNN của NSNN.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các tỉnh, thành phố: Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của UBND tỉnh, thành phố về việc thực hiện tạm ứng, vay NQNN; sử dụng vốn tạm ứng, vay và trả gốc, lãi tạm ứng, vay NQNN để phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của KBNN: Quy định KBNN được bán hoặc giữ TPCP là tài sản bảo đảm trong các giao dịch mua bán lại TPCP tới khi đến hạn trong trường hợp đối tác giao dịch với KBNN không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng đã cam kết, để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các tình huống có thể phát sinh sau này, phù hợp với thông lệ giao dịch chung trên thị trường chứng khoán.

Nguồn lực thực hiện

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2016/NĐ-CP nhằm hoàn thiện và đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; đồng thời, tháo gỡ một số vướng mắc để nâng cao hiệu quả công tác quản lý NQNN. Vì vậy, việc triển khai Nghị định được thực hiện trên cơ sở nguồn nhân lực và tài chính sẵn có, do đó, sẽ không phát sinh thêm nguồn lực và tài chính để thi hành Nghị định.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2016/NĐ-CP hiện đang được Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan; đồng thời, được đăng tải trên cổng thông tin điện tử Chính phủ, cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính để lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân. Sau khi Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2016/ NĐ-CP được Chính phủ thông qua sẽ tiếp tục góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính của nhà nước trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật NSNN 2015;

2. Chính phủ (2016), Nghị định số 24/2016/NĐ-CP quy định chế độ quản lý NQNN;

3. Bộ Tài chính, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ quản lý

* Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 8/2022

* Thông tin tác giả: ThS. Ngô Thị Thanh Huyền - Cục Quản lý Ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước, Email: huyenntt08@vst.gov.vn