Hoàn thiện cơ chế thúc đẩy các quỹ đầu tư phát triển, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội địa phương

Trần Lê Minh Tín

Ngày 24/7/2018, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Ngân hàng) chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên năm 2018 nhằm đánh giá kết quả hoạt động của các Quỹ đầu tư phát triển địa phương trong cả nước và bàn các giải pháp phát triển hệ thống các Quỹ đầu tư trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội nghị thường niên năm 2018 đánh giá kết quả hoạt động của các Quỹ đầu tư phát triển địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị thường niên năm 2018 đánh giá kết quả hoạt động của các Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Hệ thống Quỹ đầu tư phát triển địa phương (Quỹ ĐTPTĐP) ra đời bắt đầu từ năm 1997 trên cơ sở mô hình thí điểm là Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TP. Hồ Chí Minh (nay là Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh -HFIC) với định hướng ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ ban đầu như nguồn “vốn mồi” để huy động các nguồn lực tài chính của các thành phần kinh tế để cho vay và đầu tư trực tiếp vào các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ưu tiên nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Để tạo hành lang pháp lý thống nhất cho các Quỹ hoạt động, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 về tổ chức và hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP (Nghị định số 138) và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP (Nghị định số 37).

Theo đó, Quỹ ĐTPTĐP là tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương, hoạt động theo mô hình ngân hàng chính sách, không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện huy động vốn để thực hiện cho vay và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tình hình hoạt động của các quỹ ĐTPTĐP

Về cơ chế chính sách

Cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP là Nghị định số 138 và Nghị định số 37. Trên cơ sở quy định các Nghị định, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính của Quỹ ĐTPTĐP (Thông tư số 28/2014/TT-BTC).

Điều lệ mẫu áp dụng cho các Quỹ ĐTPTĐP (Thông tư số 42/2014/TT-BTC) và chế độ kế toán cho các Quỹ ĐTPTĐP (Thông tư số 209/2015/TT-BTC).

Đồng thời, ngày 28/12/2016, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cũng đã ban hành Thông tư số 45/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Quỹ ĐTPTĐP.

Trên cơ sở quy định các Nghị định và văn bản hướng dẫn, các Quỹ xây dựng quy trình, quy chế hoạt động cụ thể trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng Quản lý Quỹ phê duyệt nhằm đảm bảo hoạt động của Quỹ được thông suốt, phù hợp với điều kiện hoạt động của từng Quỹ.

Về tình hình hoạt động

Về cơ bản, tình hình hoạt động của các Quỹ ĐTPTĐP cơ bản ổn định và tuân thủ theo quy định của Nghị định đã ban hành. Cụ thể, tính đến 31/12/2017 trên cả nước có 45 thành lập và hoạt động, với số vốn điều lệ thực có trên 19.595  tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 23.540 tỷ đồng và vốn hoạt động trên 30.400 tỷ đồng, trong đó:

- Quỹ ĐTPT An Giang vẫn đang còn hoạt động kiêm nhiệm tại Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh An Giang, chưa tách ra hoạt động độc lập.

- Có 03 Quỹ có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng; 18 Quỹ có vốn từ 200 đến dưới 1.000 tỷ đồng và 19 Quỹ có số vốn từ 100 đến dưới 200 tỷ đồng; 02 Quỹ có mức vốn điều lệ dưới 100 tỷ đồng

- Có 33 Quỹ hoạt động đúng chức năng nghiệp vụ của Quỹ ĐTPTĐP; 09 Quỹ hoạt động theo mô hình lồng ghép nhiệm vụ với các quỹ tài chính khác. Riêng đối với HFIC, ngoài các chức năng hoạt động theo mô hình Quỹ ĐTPTĐP (huy động vốn, cho vay, đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng…), HFIC còn được Thủ tướng Chính phủ giao thí điểm thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố. 

- Có 20 Quỹ có hoạt động huy động vốn, với tổng số dư vốn huy động là 6.863 tỷ đồng, riêng vốn huy động của HFIC đã chiếm 44% toàn hệ thống. Vốn huy động của các Quỹ chiếm 23% trong tổng vốn hoạt động của hệ thống Quỹ ĐTPTĐP và bằng 29% lần vốn chủ sở hữu. Kênh huy động của các Quỹ, chủ yếu là từ nguồn vốn Chính phủ vay về cho vay lại (vốn ODA).

Cụ thể, vốn ODA chiếm đến 63% tổng nguồn huy động của HFIC, và 65% trong tổng vốn huy động của các Quỹ còn lại. Một số Quỹ  đã có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ODA từ nguồn vốn vay của Dự án Quỹ ĐTPTĐP và Cơ quan phát triển Pháp AFD như Quỹ Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Nam, Khánh Hoà, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Hà Tĩnh…

- Đến thời điểm 31/12/2017, tổng vốn sử dụng cho các hoạt động nghiệp vụ cho vay, đầu tư trực tiếp và góp vốn thành lập doanh nghiệp của hệ thống Quỹ là 17.006 tỷ đồng, chiếm 56% trong tổng vốn hoạt động, trong đó đầu tư trực tiếp và góp vốn thành lập doanh nghiệp là 4.048 tỷ đồng và cho vay là 12.958 tỷ đồng. Tổng số nợ xấu của các Quỹ ĐTPTĐP đến cuối năm 2017 là gần 771 tỷ đồng, chiếm 5,9% tổng dư nợ cho vay hệ thống Quỹ

- Có 21 Quỹ nhận ủy thác nguồn vốn và hoạt động các quỹ tài chính tại địa phương như: Quỹ Phát triển đất, Quỹ Phát triển nhà ở, Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ…Theo đó, dư nợ vốn ủy thác chủ yếu của các Quỹ từ việc nhận ủy thác các nguồn vốn cấp phát từ ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án thuộc nguồn vốn ngân sách và nhận vốn ủy thác từ các Quỹ tài chính tại địa phương.

- Các Quỹ đều hoạt động có hiệu quả, tổng chênh lệch thu chi sau thuế của các Quỹ năm 2017 là 1.240 tỷ đồng, trong đó các Quỹ có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao như là HFIC, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Đồng Nai.

- Hoạt động của các Quỹ đã thường xuyên được sự quản lý, giám sát theo quy định của UBND các tỉnh thành và Bộ Tài chính.

Đánh giá tình hình hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP

Kết quả đạt được

- Cho đến nay, khung pháp lý đối với việc thành lập và hoạt động các Quỹ ĐTPTĐP về cơ bản đã được ban hành đầy đủ, tạo điều kiện cho các Quỹ tổ chức và hoạt động theo đúng chức năng nhiệm vụ.

- Với mô vốn của các Quỹ còn nhỏ nhưng hoạt động của các Quỹ ĐTPT đã bước đầu góp phần vào việc phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế xã hội tại địa phương. Hiệu quả hoạt động các Quỹ ngày càng phát triển, tạo thành kênh huy động vốn quan trọng cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

- Về cơ cấu đầu tư của các Quỹ chủ yếu vẫn là cho vay đầu tư, nhưng đã từng bước chuyển dịch đúng hướng sang lĩnh vực đầu tư trực tiếp (đầu tư xây dựng các công trình, dự án) và góp vốn thành lập doanh nghiệp, một số Quỹ như HFIC, Cần Thơ, Ninh Thuận, Lào Cai, Hà Tĩnh… đã bắt đầu đẩy mạnh hoạt động thiết lập dự án, xin cấp phép của các cơ quan Nhà nước, tạo bàn đạp cho việc thực hiện dự án nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân; Thể hiện vai trò đóng góp “vốn mồi” thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa vào các công trình cơ sở hạ tầng của địa phương.

Ngoài các hoạt động chính là cho vay, đầu tư, các Quỹ đã thực hiện tốt công tác quản lý ủy thác nguồn vốn và hoạt động của các  Quỹ tại địa phương như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ phát triển đất, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã…

- Các địa phương, Bộ, Ngành đã thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước quy định, trong đó HĐND và UBND cấp tỉnh đã thực hiện quy trình thành lập Quỹ, tổ chức bộ máy, hoạt động của Quỹ theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính đã ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách tổ chức và hoạt động cũng như cơ chế tài chính để Quỹ hoạt động đúng mục tiêu.

Về phía NHNN, liên quan đến hoạt động ngân hàng, căn cứ trên các văn bản hướng dẫn của NHNN, các Quỹ đang thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và hạch toán doanh thu từ hoạt động cho vay theo quy định của NHNN đối với các tổ chức tín dụng theo quy định tại Nghị định số 138.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, và các địa phương tại Hội nghị hoạt động của hệ thống Quỹ ĐTPT địa phương đã bước đầu góp phần vào việc phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế xã hội tại địa phương, hiệu quả hoạt động các Quỹ ngày càng phát triển, tạo thành kênh huy động vốn quan trọng cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Việc cho vay của các Quỹ góp phần đã thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân cùng đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng cơ sở, giảm bớt áp lực cho ngân sách thành phố trong việc đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng mà hiện nay thường do Nhà nước phải đứng ra thực hiện như các dự án xử lý chất thải, bến xe, cấp nước, chợ...

Ví dụ từ hoạt động vay vốn của Dự án Quỹ ĐTPTĐP vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, cùng với việc huy động trên 2.800 tỷ đồng vốn vay lại từ Dự án, các Quỹ ĐTPTĐP đã thu hút được hơn 5.500 tỷ đồng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân để đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng địa phương.

Ngoài các hoạt động chính là cho vay, đầu tư, các Quỹ đã thực hiện tốt công tác quản lý ủy thác nguồn vốn và hoạt động của các Quỹ tại địa phương như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ phát triển đất, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã…

Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay hoạt động của các Quỹ ĐTPTĐP cũng gặp không ít các vướng mắc, khó khăn về công tác đầu tư trực tiếp, huy động vốn, cho vay đầu tư mặc dù lãi suất cho vay của Quỹ thấp, thời gian cho vay ổn định, nguồn vốn của Quỹ tương đối dồi dào. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ chế liên quan đến hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương chưa rõ ràng làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Quỹ, cụ thể:

Thứ nhất, về địa vị pháp lý và tổ chức bộ máy chưa được quy định một cách thống nhất: Theo quy định tại Nghị định số 37/2013/NĐ-CP thì Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước địa phương, do UBND cấp tỉnh phê duyệt tổ chức bộ máy.

Từ quy định này, mỗi địa phương vận dụng xác định địa vị pháp lý, vai trò, cũng như bộ máy tổ chức của Quỹ một cách khác nhau, dẫn đến có sự khác biệt giữa các Quỹ địa phương trong việc xác định địa vị và căn cứ pháp lý để triển khai các hoạt động của mình như: đánh giá hàng năm (theo luật Công chức hay Luật Viên chức, hay Luật Lao động); áp dụng các chính sách để triển khai hoạt động đầu tư trực tiếp, cho vay đầu tư.....

Thứ hai, về cơ chế hoạt động: Theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP thì Quỹ hoạt động theo mô hình ngân hàng chính sách, không vì mục tiêu lợi nhuận mục tiêu lợi nhuận; cơ chế tiền lương, thưởng và xếp hạng doanh nghiệp thực hiện theo quy định áp dụng cho Công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Giới hạn đầu tư và các nghiệp vụ cho vay tuân thủ như các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, hiện nay mô hình mô hình Ngân hàng chính sách hầu như chưa có văn bản hướng dẫn hay hình mẫu cụ thể, dẫn đến mỗi địa phương áp dụng theo một mô hình khác nhau.

Còn sự bất cập giữa nguyên tắc không vì mục tiêu lợi nhuận với cơ chế tiền lương, thưởng và xếp hạng doanh nghiệp áp dụng cho Công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn dẫn đến chưa tạo động lực thực sự cho các Quỹ

Thứ ba, về phân cấp quản lý: Hiện nay một số quy định về thẩm quyền phê duyệt chưa thật sự mang tính cải cách, chưa có sự phân cấp rõ ràng, làm kéo dài thời gian, giảm hiệu quả hoạt động của Quỹ. Chẳng hạn theo Nghị định số 138/2007/NĐ-CP thì Hội đồng quản lý Quỹ chỉ được phép thông qua để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch huy động vốn, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính.

Trong khi đó, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ đã bao gồm đại diện lãnh đạo các Sở ngành chủ chốt của địa phương như Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, có năng lực, chuyên môn trong việc xem xét, đánh giá các vấn đề nêu trên.

Thứ tư, về đối tượng, lĩnh vực đầu tư của Quỹ: Hiện nay, Quỹ đang cho vay đầu tư, đầu tư trực tiếp, góp vốn theo danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ưu tiên phát triển của địa phương do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định tại Nghị định số 37/2013/NĐ-CP.

Trong quá trình thực hiện, một số đối tượng, lĩnh vực đầu tư mặc dù không nằm trong lĩnh vực này nhưng rất cần thiết với thực tế, nhu cầu đầu tư của địa phương nhưng Quỹ không thể tham gia đầu tư hoặc góp vốn, điều này ảnh hưởng đến khả năng sử dụng vốn của Quỹ.

Thứ năm, về nhiệm vụ huy động vốn: Nghị định số 138/2007/NĐ-CP cho phép Quỹ Đầu tư phát triển địa phương được huy động vốn dưới các hình thức như phát hành trái phiếu Quỹ, vay vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước, việc vay vốn nước ngoài thực hiện theo quy định về vay nợ nước ngoài.

Đồng thời, với đặc thù của Quỹ là cho vay kỳ hạn trung, dài hạn và lãi suất thấp hơn thị trường, trong trường hợp Quỹ huy động với lãi suất cao thì hoạt động của Quỹ không hiệu quả. Vì vậy để đảm bảo nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư của mình thì việc huy động vốn của các Quỹ ĐTPTĐP là một điều kiện tiên quyết.

Tuy nhiên, theo Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 ngày 23/11/2017 thì Quỹ không thuộc đối tượng vay vốn ODA,vay ưu đãi thông qua Chính phủ Việt Nam Đối với các nguồn huy động vốn cá nhân, tổ chức và phát hành trái phiếu Quỹ theo quy định tại Nghị định 138, hiện tại các Quỹ không triển khai được do không có tiềm lực về tài chính và thương hiệu trên thị trường và khung pháp lý phát hành trái phiếu chưa rõ ràng đối với Quỹ.

Nguồn huy động khác chiếm tỷ lệ nhỏ của các Quỹ là tiền bảo hành công trình, ký quỹ của chủ đầu tư, tiền gửi của các quỹ tài chính địa phương…

Thứ sáu, về nhiệm vụ đầu tư trực tiếp: Theo quy định tại Nghị định 37/2013/NĐ-CP và Nghị định 138/2007/NĐ-CP thì các Quỹ đầu tư phát triển địa phương được phép đầu tư trực tiếp và đây là nhiệm vụ trọng tâm của các Quỹ ĐTPTĐP. Tuy nhiên khi triển khai hoạt động đầu tư, các Quỹ gặp rất nhiều vướng mắc do sự điều chỉnh của các Luật Đầu tư, Đấu thầu...

Đồng thời, theo khuyến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Quỹ không nên tham gia đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, đối với các dự án thuộc lĩnh vực khác thì Quỹ lại bị hạn chế bởi tỉ lệ góp vốn khi tham gia đấu giá, đấu thầu thực hiện dự án như quy định tại Nghị định 30/2015/NĐ-CP.

Thứ bảy, mặc dù công tác quản lý giám sát của chính quyền địa phương và các Bộ, ngành đã có những cải thiện, nhưng một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến vai trò của Quỹ ĐTPTĐP trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Cụ thể, chính quyền địa phương chưa tạo điều kiện bố trí đầy đủ nguồn vốn điều lệ và nâng cao năng lực tài chính cho Quỹ, mạnh dạn giao Quỹ đầu tư các dự án đầu tư phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương giao cho Quỹ thực hiện các hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ như cho vay, đầu tư không đúng lĩnh vực và đối tượng, hoạt động lồng ghép với các tổ chức tài chính khác nhau. Việc hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn về cơ chế chính sách của các Bộ ngành Trung ương còn chưa kịp thời

Một số kiến nghị, đề xuất

Từ thực tiễn hoạt động của hệ thống các Quỹ ĐTPTĐP, cho thấy vai trò đóng góp của hệ thống các Quỹ ĐTPTĐP cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong hoạt động của các Qũy ĐTPTĐP trong thời gian tới, để góp phần đưa hệ thống Quỹ ĐTPTĐP phát triển đúng hướng và phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc phát triển kính tế - xã hội của địa phương, cần chú trọng giải quyết một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần xác định rõ địa vị pháp lý và mô hình tổ chức hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP, thông qua việc giải quyết những nội dung còn vướng mắc tại Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 và Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 theo hướng:

- Xác định rõ ràng, nhất quán địa vị pháp lý và cơ chế hoạt động của Quỹ, giải quyết triệt để những bất cập giữa cơ chế hoạt động  và cơ chế đánh giá để tạo động lực phát triển;

- Có quy định cụ thể, thống nhất về mô hình hoạt động, bộ máy tổ chức của các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương;

- Thực hiện phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho Quỹ trong việc phê duyệt một số nội dung  liên quan đến hoạt động của Quỹ như: Kế hoạch lao động, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính, quỹ lương kế hoạch và thực tế hàng năm của người lao đông, viên chức quản lý tại Quỹ...;

- Không quy định cứng các lĩnh vực đầu tư của Quỹ mà cho phép các địa phương tùy theo điều kiện đặc thù của mình xác định lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế xã hội để định hướng cho hoạt động đầu tư của Quỹ, đồng thời cho phép địa phương thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp, góp vốn khác ngoài danh mục quy định nhưng theo đúng định hướng  của HĐND, UBND cấp tỉnh.

- Điều chỉnh hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung quy định tại Nghị định số 37/2013/NĐ-CP và Nghị định số 138/2007/NĐ-CP về các hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương như: phát hành trái phiếu Quỹ, góp vốn thành lập các tổ chức kinh tế, đầu tư trực tiếp…;

Thứ hai, về hoạt động huy động vốn, như đã phân tích với đặc thù của mình là hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, đầu tư, cho vay các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội của địa phương, với lãi suất thấp, thời hạn dài… thì không thể đặt hệ thống các Quỹ như một tổ chức tín dụng thương mại thông thường mà cần có sự hỗ trợ, tương tác giữa địa phương và Trung ương, cụ thể:

- Bộ Tài chính và các Bộ ngành Trung ương cần tiếp tục có kiến nghị để Chính phủ có cơ chế đặc thù để các Qũy ĐTPTĐP có thể huy động vốn trực tiếp và gián tiếp từ các nhà tài trợ Quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Các địa phương chủ động tính toán, xác định rõ nhu cầu và cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của mình để chủ động giao các Quỹ tìm kiếm các nguồn vốn phù hợp, đáp ứng yêu cầu đầu tư của địa phương.   

Thứ ba, bản thân các Quỹ tự nâng cao năng lực của mình để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, thông qua việc:

- Nâng cao năng lực quản trị điều hành theo hướng chuyên nghiệp. Chuyển dần hoạt động của các Quỹ theo cơ chế thị trường để phát huy tính đa dạng, linh hoạt trong hoạt động, tạo điều kiện tăng hiệu quả đầu tư; tập trung triển khai các hoạt động đầu tư trực tiếp.

- Huy động tối đa các nguồn vốn nhàn rỗi tại địa phương để đáp ứng nhu cầu vốn ngày cao các dự án hạ tầng cơ sở, chủ động tìm kiếm, huy động các nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất hợp lý.

- Đa dạng hoá các hoạt động đầu tư nhằm phân tán rủi ro cho các Quỹ, xây dựng cơ cấu đầu tư hợp lý, xác định và phân bổ cụ thể danh mục đầu tư theo từng ngành, từng lĩnh vực…

- Hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo các Quỹ hoạt động đúng quy định, an toàn, hiệu quả và giảm rủi ro.