Hoàn thiện cơ sở pháp lý về mua sắm tài sản nhà nước tập trung

pv.

Nhằm khắc phục những hạn chế trong quy định mua sắm tài sản nhà nước hiện hành, góp phần đẩy mạnh tiết kiệm chi tiêu ngân sách, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Chính phủ đã yêu cầu ban hành quy định về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã xác định một trong những nguyên nhân chủ yếu của những thiếu sót, khuyết điểm trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí đó là cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, còn nhiều sơ hở, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung.

Khắc phục những hạn chế đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã chỉ ra nhiệm vụ nhằm khắc phục những bất cập trong công tác mua sắm tài sản. Theo đó, cần khắc phục tiêu cực trong hoạt động mua sắm công, đảm bảo công khai, minh bạch, kể cả việc công khai hoá các khoản hoa hồng từ mua sắm. Thực hiện thí điểm mô hình mua sắm công tập trung, nhất là đối với những loại hàng hoá có nhu cầu sử dụng nhiều và có giá trị lớn.

Thực hiện Nghị quyết trên của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 cho phép thí điểm việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2008. Việc thí điểm được áp dụng với Bộ Tài chính và 23 Bộ, ngành, địa phương tự nguyện đăng ký tham gia. Sau 5 năm thực hiện thí điểm (2008-2012), Bộ Tài chính đã có Báo cáo số 173/BC-BTC ngày 11/9/2013 Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết tình hình thực hiện thí điểm mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg.

Trên cơ sở kết quả thí điểm, Bộ Tài chính đã tổng kết, đánh giá và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thay thế cho Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg, lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 125/TTr-BTC ngày 13/10/2014 và số 128/TTr-BTC ngày 28/8/2015 về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.

Những kết quả bước đầu

5 năm thực hiện thí điểm (2008-2012) đã là những minh chứng đầu tiên cho sự đúng đắn của phương thức mua sắm tài sản nhà nước tập trung. Phương thức mua sắm tài sản nhà nước tập trung đã đóng góp rõ rệt vào việc tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2008-2012, số tiền chênh lệch giữa số dự toán và số thực tế mua sắm tài sản theo phương thức tập trung lên tới hơn 467 tỷ đồng. Trong đó, năm 2008 là 66,6 tỷ đồng; năm 2009 là 109,3 tỷ đồng; năm 2010 là 21,2 tỷ đồng; năm 2011 là 266,5 tỷ đồng và 06 tháng đầu năm 2012 là 5,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, phương thức này đã góp phần hình thành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện thí điểm mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung. Nhờ đó, đã tạo ra sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức này.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương áp dụng phương thức này không còn tình trạng trang bị tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức quy định hoặc trang bị tài sản tràn lan, không hiệu quả. Việc mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung đã đáp ứng được yêu cầu trang bị hiện đại, đồng bộ về tài sản, góp phần đổi mới công nghệ quản lý theo hướng cải cách hành chính, đặc biệt là việc trang bị thiết bị công nghệ thông tin, trang thiết bị chuyên dùng trong ngành Hải quan, Kho bạc nhà nước, Y tế, Giáo dục…

Những kết quả này mới chỉ dừng ở con số 23 Bộ, ngành, địa phương triển khai thí điểm. Nếu được nhân rộng tới tất cả các cơ quan, đơn vị trên cả nước và mở rộng đối tượng hàng hóa, dịch vụ thực hiện mua sắm tập trung thì kết quả này không dừng lại ở con số 467 tỷ đồng mà còn cao hơn rất nhiều, góp phần chống lãng phí hiệu quả.