Mua sắm tài sản nhà nước tập trung được thực hiện qua “kênh” nào?
Ngày 23/10/2015, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi họp báo chuyên đề về những nội dung mới trong chính sách quản lý xe ô tô công và định hướng mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. Tại buổi họp báo, đại diện Cục Quản lý Cộng sản đã trả lời báo chí về định hướng cách thức tổ chức thực hiện mua sắm tài sản công.
Thực hiện mua sắm thông qua đơn vị mua sắm tập trung
Sau 7 năm triển khai thí điểm phương thức mua sắm tập trung với những kết quả tích cực, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thay thế cho Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg, lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 125/TTr-BTC ngày 13/10/2014 và Tờ trình số 128/TTr-BTC ngày 28/8/2015 về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
Trước đó, tại cuộc họp đóng góp ý kiến vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung diễn ra hôm 12/3/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng đã đồng ý với đánh giá của Bộ Tài chính và các bộ, ngành về tính cần thiết phải ban hành quy định mới về mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục rà soát những văn bản pháp luật có liên quan tới mua sắm công sản theo hướng tập trung để ban hành văn bản phù hợp nhất, đảm bảo tính chặt chẽ và hiệu quả thực hiện trong thực tiễn.
Tại cuộc họp báo chuyên đề hôm 23/10/2015, đại diện Cục Quản lý Cộng sản cho biết, nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực thực hiện cho các cơ quan Nhà nước, đồng thời dễ kiểm soát, phát hiện các hành vi tham nhũng trong mua sắm công sản, việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung được thực hiện thông qua đơn vị mua sắm tập trung. Theo đó, đơn vị mua sắm tập trung bao gồm:
Một là, đơn vị mua sắm tập trung quốc gia: Là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tài sản tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc). Trước mắt, dự kiến đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia sẽ mua 1-2 loại tài sản có giá trị lớn và sử dụng phổ biến tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Theo Cục Quản lý Công sản, tại Dự thảo Đề án hình thành Đơn vị mua sắm tập trung kèm theo Tờ trình số 91/TTr-BTC ngày 24/7/2014, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Hiện nay, Bộ Tài chính đang có Trung tâm khai thác dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước và dịch vụ về tài sản, có chức năng thực hiện các dịch vụ mua, bán tài sản nhà nước. Bộ Tài chính sẽ kiện toàn Trung tâm này theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng các điều kiện của tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật về đấu thầu để đáp ứng được nhiệm vụ: (i) Mua sắm tập trung đối với tài sản thuộc Danh mục mua sắm tập trung quốc gia; (ii) Hỗ trợ các Bộ, cơ quan trung ương, Tập đoàn, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 100% vốn điều lệ, UBND cấp tỉnh không hình thành Đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp thực hiện việc lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung theo Hợp đồng kinh tế.
Hai là, đơn vị mua sắm tập trung thuốc quốc gia: Là đơn vị mua sắm tập trung tại Bộ Y tế để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tập trung thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia;
Ba là, đơn vị mua sắm tập trung của các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh: Là đơn vị mua sắm tập trung tại các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp Bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Hai mô hình đơn vị mua sắm tập trung
Theo đại diện Cục Quản lý Công sản, đơn vị mua sắm tập trung được tổ chức theo mô hình đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp và đơn vị mua sắm tập trung kiêm nhiệm, cụ thể:
- Đối với đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp: Là đơn vị sự nghiệp công lập tại các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh được giao thực hiện nhiệm vụ mua sắm tập trung, đủ điều kiện là tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp được tổ chức ở cấp quốc gia. Đối với các Bộ, cơ quan trung ương hiện có đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cung cấp dịch vụ công về tài chính, tài sản thì được kiện toàn đơn vị đó để hình thành đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp (theo đăng ký thì chỉ có 03 Bộ, ngành trung ương và 07 địa phương đăng ký mô hình này); không thành lập mới đơn vị mua sắm tập trung.
Đối với các địa phương đã có các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan chuyên môn về lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản, y tế thì được kiện toàn đơn vị đó để hình thành đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp; không thành lập mới đơn vị mua sắm tập trung.
- Đối với đơn vị mua sắm tập trung kiêm nhiệm: là cơ quan chuyên môn về quản lý tài chính, tài sản, y tế thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung của Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định cụ thể mô hình đơn vị mua sắm tập trung theo nguyên tắc nêu trên, đảm bảo không tăng thêm biên chế hành chính của Bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.