Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng hiệu quả, đồng bộ

Khánh Chi

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và đồng bộ để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Tài chính tích cực triển khai trong thời gian qua.

Cơ chế phân công, phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tính chất quản lý, sử dụng tài sản công.
Cơ chế phân công, phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tính chất quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hiện nay, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đã xác lập rõ đối tượng được giao quản lý, sử dụng đối với mỗi loại tài sản công gắn với quyền và nghĩa vụ của tập thể và cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Đồng thời, đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công đồng bộ gắn với trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn định mức trong toàn bộ quá trình quản lý tài sản công; nâng cao tính công khai trong quản lý, sử dụng tài sản công; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để từng bước nắm chắc, nắm đầy đủ hiện trạng và tình hình biến động của tài sản công…

Bên cạnh đó, đã tạo ra cơ chế phân công, phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tính chất quản lý, sử dụng tài sản công, năng lực quản lý của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.

Quy định về phân cấp quản lý tài sản công được thực hiện xuyên suốt từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đến nay theo nguyên tắc tài sản do cấp nào quản lý thì cấp đó quyết định việc đầu tư, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trung ương, chính quyền địa phương các cấp đã tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện.

Cụ thể, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 30/01/2023 về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 về việc giảm tiền thuê đất năm 2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (thay thế Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018); Ban hành Thông tư số 45/2023/TT-BTC ngày 05/7/2023 hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác Phần mềm Quản lý tài sản công.

Về thực hiện nghiên cứu, xây dựng các dự thảo, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng các dự thảo gồm: Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân ...

Đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 19 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 quyết định, ban hành theo thẩm quyền 15 thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, khung khổ pháp lý cho công tác quản lý, sử dụng tài sản công đến nay cơ bản đã điều chỉnh đầy đủ chế độ quản lý tài sản công từ khi hình thành, đến sử dụng, khai thác và xử lý tài sản.