Hoàn thiện thể chế đảm bảo mục tiêu chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia
Rà soát, hoàn thiện thể chế và các văn bản liên quan là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm đảm bảo môi trường pháp lý với đầy đủ các căn cứ pháp luật để thực hiện các mục tiêu chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia.
Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đặt mục tiêu tổng quát là đưa tiêu chuẩn hóa trở thành biện pháp kỹ thuật, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, tạo lập đồng bộ và kịp thời khung pháp lý và hệ thống chính sách để triển khai có hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn hóa.
Qua đó, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường; nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
Cụ thể, ban hành danh mục TCVN đối với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các bộ ngành, địa phương; đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống TCVN cho 50% số lượng sản phẩm trong danh mục tiêu chuẩn nêu trên.
Cùng với đó, đến năm 2025, xây dựng khung kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; tối thiểu từ 3 - 5 bộ, ngành hoàn thành việc lập kế hoạch xây dựng TCVN theo khung kế hoạch này; đến năm 2030 có 100% các bộ, ngành sẽ tổ chức lập kế hoạch xây dựng TCVN theo khung kế hoạch; tỷ lệ hài hoà hệ thống TCVN với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 65% vào năm 2025 và đạt 70 - 75% vào năm 2030;
Bên cạnh đó, tối thiểu 5% TCVN mới được xây dựng dựa trên kết quả triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp vào năm 2025 và phấn đấu đến năm 2030 là 10%; Số lượng TCVN mới được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố phổ biến áp dụng đạt tối thiểu 70% vào năm 2025 và đến năm 2030 tỷ lệ này là 80%.
Việt Nam cũng đặt mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ tiêu chuẩn hoá cho tối thiểu 60% thành viên Ban Kỹ thuật xây dựng TCVN vào năm 2025 và đến năm 2030 là 100%. Tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, chuyên gia làm công tác tiêu chuẩn tại các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp; Hoàn thiện các giáo trình đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về tiêu chuẩn hoá cho tối thiểu 20 trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề vào năm 2025 và đến năm 2030 là 35 trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề...
Chủ trì và đồng chủ trì 1 - 2 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế và cử 1-2 cán bộ, chuyên gia tham gia các Ban Kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn hoặc ban thư ký/đồng thư ký/đồng trưởng nhóm công tác của ISO, đến năm 2030 sẽ chủ trì 2-3 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế và cử 4 - 6 cán bộ, chuyên gia tham gia vào các ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật của ISO.
Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia cũng đưa ra mục tiêu cụ thể đối với các vấn đề liên quan đến hợp tác quốc tế. Trong đó, phấn đấu tham gia thành viên của Hội đồng ISO, trở thành thành viên đầy đủ của Uỷ ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) vào năm 2025 và đến năm 2030, phấn đấu tham gia thành viên Ban Quản lý kỹ thuật TMB của ISO…
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Trong đó, thực hiện rà soát và hoàn thiện quy định pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy xây dựng, công bố TCVN từ yêu cầu của thị trường và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Tiếp tục tăng cường cơ chế phối hợp với sự tham gia của Chính phủ, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, các bên liên quan trong xây dựng, soát xét và sửa đổi TCVN.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế khuyến khích việc sử dụng các tiêu chuẩn trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; tạo điều kiện cho các thành viên Ban kỹ thuật, các tổ chức, cá nhân đại diện cho Việt Nam tham gia vào các Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc tế, tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn của các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn hóa khu vực và quốc tế.
Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn nhằm thúc đẩy hoạt động đào tạo tiêu chuẩn tại các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, tổ chức, doanh nghiệp; Ban hành các tiêu chí về năng lực của đội ngũ chuyên gia xây dựng tiêu chuẩn tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Phát triển hệ thống TCVN của Việt Nam đến năm 2030, trong đó thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn đối với sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của Bộ, ngành và địa phương.
Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa như đẩy mạnh các chương trình hợp tác, dự án quốc tế, khu vực về tiêu chuẩn; Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong triển khai các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương về tiêu chuẩn hóa…