Hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội
Tại Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 về nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan nghiên cứu cơ chế phân chia lợi ích, chia sẻ tài chính và các nguồn thu từ các chương trình, dự án liên kết vùng.
Nghị quyết nêu rõ, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng. Các chủ thể liên quan, bao gồm các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, hộ gia đình... đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động liên kết vùng. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng bước đầu phát huy được hiệu lực và hiệu quả.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của liên kết vùng, tạo không gian phát triển mới, có tính gắn kết, liền mạch hơn, góp phần tích cực vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động và nỗ lực phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, đổi mới, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng vì sự phát triển chung của Đất nước và của vùng, đồng thời quán triệt các quan điểm và nghiêm túc thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao trong Nghị quyết số 128/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm; Nghị quyết số 99/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; Quyết định số 825/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025; Chỉ thị số 19/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Chỉ thị số 25/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 19/11/2019 về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng miền Trung, định kỳ 06 tháng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, rà soát các quy hoạch liên quan trong thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của mình để điều chỉnh hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng mới hoặc điều chỉnh các quy hoạch ngành phù hợp với nhu cầu phát triển của vùng và Luật Quy hoạch 2017. Chủ động phối hợp trong xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin của bộ, ngành, địa phương và thông tin vùng nhằm hướng tới tăng cường chia sẻ thông tin và tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho nâng cao tần suất, hiệu quả phối hợp giữa các địa phương trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu chung và thúc đẩy sự phát triển bền vững của các vùng.
Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, công chức, viên chức liên quan về lợi ích của liên kết vùng và các hệ lụy do thiếu hợp tác đối với nền kinh tế quốc gia, vùng và địa phương. Rà soát, kiện toàn trong hoạt động đầu tư nâng cấp, tăng cường tiềm lực đối với các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành Trung ương đóng tại các vùng kinh tế - xã hội để các cơ sở này có đủ năng lực và điều kiện để giải quyết các vấn đề đặt ra của vùng. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với các bộ, ngành, địa phương tham gia điều phối vùng và cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách phát triển vùng, từ đó có giải pháp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời.
Tại Nghị quyết, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan nghiên cứu cơ chế phân chia lợi ích, chia sẻ tài chính và các nguồn thu từ các chương trình, dự án liên kết vùng.
Đồng thời, sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án "Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan", Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu báo cáo Chính phủ đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn dưới luật, tạo cơ chế thuận lợi cho việc phối hợp nguồn lực giữa các địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu chung của vùng.
Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động đề ra giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển vùng và chủ động triển khai liên kết vùng; kịp thời đề xuất với các cấp có thẩm quyền những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách vùng. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, hoàn thành trong quý IV/2022. Chủ động huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính đột phá tạo ra liên kết vùng trên địa bàn tỉnh, thành phố…