Hoạt động của doanh nghiệp sau khi được DATC tái cơ cấu
Thông qua hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã giúp phục hồi các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, giúp duy trì ổn định cơ cấu kinh tế vùng, lãnh thổ từ hoạt động tái cơ cấu một số ngành kinh tế
Cụ thể, thời gian qua, DATC đã tái cơ cấu chuyển đổi thành công trọn vẹn cả Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam thành Công ty cổ phần - Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, đây là tổng công ty thua lỗ, yếu kém mà Chính phủ có nhiều chỉ đạo xử lý những tồn tại trong khoảng 20 năm nhưng không xử lý được. Song với sự hỗ trợ và tham gia trực tiếp của DATC, Tổng công ty đã được xử lý những tồn tại để cổ phần hóa và đến nay tổng công ty đã hoạt động ổn định theo mô hình công ty cổ phần.
Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, DATC cũng tham gia hỗ trợ Vinashin, Vinalines và nhiều tổng công ty hoạt động trong các ngành giao thông, xây dựng, nông nghiệp xử lý nợ để cổ phần hóa.
Thông qua hoạt động xử lý nợ tại Vinalines, DATC đã mua lại 11.250 nghìn tỷ đồng tại các Tổ chức tín dụng, trong đó tổng giá trị phần chênh lệch bàn giao cho Vinalines và đơn vị thành viên để hạch toán tăng vốn nhà nước và xử lý lỗ theo quy định là 6.783 tỷ đồng, tương đương với 60% tổng dư nợ các khoản nợ được xử lý. Qua đó, Vinalines đã ghi tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là 2.567 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa của Vinalines.
Việc xử lý nợ thành công đã hỗ trợ đối với Vinalines và các đơn vị thành từ một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trở thành một DNNN hoạt động có hiệu quả.
Việc cơ cấu lại khoản nợ thông qua DATC tạo nên tác động tích cực, tránh được sự đổ vỡ dây truyền của Vinalines nói riêng và của ngành vận tải Việt Nam nói chung. Đồng thời, tạo điều kiện để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, logistic; góp phần ổn định việc làm cho hàng ngàn cán bộ công nhân viên, thuyền viên, đảm bảo an sinh xã hội
. Đặc biệt, hoạt động này của DATC đã góp phần phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng quốc gia theo định hướng Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thông qua hoạt động của mình, DATC còn giúp Nhà nước thu hồi được nợ đọng ngân sách nhà nước và nợ đọng bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp; giúp ngân sách nhà nước không phải mất kinh phí xử lý lao động dôi dư và trợ cấp mất việc làm. Ngoài ra, hàng năm các doanh nghiệp do DATC tái cơ cấu tiếp tục đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng, trong đó có những doanh nghiệp nhiều năm thuộc top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn là: Công ty cổ phần Sadico Cần Thơ, Công ty cổ phần Đường Kon Tum, Công ty cổ phần Đường Sơn La và Công ty cổ phần Intimex Nha Trang...
Việc xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC đã giúp các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng phá sản hoặc đình trệ trong hoạt động kinh doanh, tiếp tục hoạt động, đảm bảo việc làm với thu nhập ổn định cho trên 10.000 lao động trực tiếp và hàng chục ngàn lao động gián tiếp là các hộ nông dân trồng nguyên liệu (trồng mía, dứa, cà phê…), ngư dân (chế biến thủy sản), các hộ cung cấp vật liệu xây dựng cung cấp cho các doanh nghiệp nhất là các hộ dân vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, miền núi, Tây Nguyên.
Hoạt động mua và xử lý nợ xấu của DATC ngoài góp phần hình thành thị trường mua bán nợ tại Việt Nam còn tạo ra các cơ hội để phát triển một số ngành nghề và định chế tài chính trung gian như định giá nợ, bán đấu giá nợ, sàn giao dịch nợ, công ty mua bán nợ, dịch vụ đòi nợ, công ty dịch vụ tư vấn tài chính thuộc các thành phần kinh tế khác.