Nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán tại các doanh nghiệp kiểm toán hiện nay

ThS. Vũ Thị Kim Dương

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, kiểm toán đã trở thành một dịch vụ không thể thiếu trong việc đảm bảo công khai, minh bạch thông tin tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chất lượng dịch vụ kiểm toán tốt, đảm bảo sự minh bạch và lợi ích cho các bên thì công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý phải đặt lên hàng đầu. Điều này có ý nghĩa rất lớn nhằm hạn chế hiện tượng để lọt những báo cáo tài chính sai lệch được công bố ra thị trường, làm méo mó thị trường và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Những đánh giá về chất lượng dịch vụ kiểm toán

Ngày 30/12/2016, Bộ Tài chính đã công bố kết quả kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán năm 2016 đối với 15 doanh nghiệp (DN) kiểm toán trong cả nước được thực hiện từ ngày 10/10 - 14/12/2016. Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, hầu hết DN được kiểm tra đều có quy mô nhỏ và vừa, đội ngũ kiểm toán viên dao động từ 5 - 17 kiểm toán viên hành nghề.

Trong 15 công ty được kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán có: 06 công ty chưa được kiểm tra lần nào từ khi mới thành lập, 06 công ty đã được Bộ Tài chính kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán theo quy định tại Quyết định 32/2007/QĐ-BTC ngày 15/05/2007 của Bộ Tài chính về việc ban hành “Quy chế kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán”, 03 công ty vừa được kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán năm 2015. 

Theo Thông tư 157/2014/TT-BTC, việc kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán nhằm mục đích đánh giá việc xây dựng, phổ biến và tổ chức thực hiện các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng nội bộ của DN kiểm toán; đánh giá tình hình tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan trong việc cung cấp dịch vụ kiểm toán của DN kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề.

Đồng thời, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán sẽ phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán, góp phần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về kiểm toán độc lập đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán.

Kết quả kiểm tra tại 15 DN được kiểm tra trên cho thấy, về cơ bản, các DN đã tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan đến việc đăng ký và duy trì điều kiện hành nghề của kiểm toán viên hành nghề và việc đăng ký, duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán của DN kiểm toán và các quy định khác của pháp luật về kiểm toán độc lập.

Việc ký kết hợp đồng dịch vụ đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật. Đa số các DN đã khắc phục các sai sót, tồn tại và thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, biện pháp giải quyết khắc phục sửa chữa mà đoàn kiểm tra đã nêu trong Báo cáo kết quả kiểm tra hoặc biên bản kiểm tra lần trước.

Về hệ thống kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán, hầu hết các DN đã xây dựng được các chính sách và thủ tục theo từng yếu tố của hệ thống kiểm soát chất lượng theo quy định của Chuẩn mực kiểm soát chất lượng số 1 (VSQC1); Đã xây dựng được quy trình thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính.

Tuy nhiên, việc triển khai vận hành trong thực tế còn hạn chế. Nhiều nội dung chưa đảm bảo tuân thủ hoàn toàn theo quy chế và quy trình. Cụ thể, một số DN phổ biến các nội dung của quy chế kiểm soát chưa đầy đủ tới toàn bộ nhân viên hoặc không lưu lại bằng chứng về việc phổ biến các quy chế này.

Một số DN chưa có các quy định liên quan đến xử lý đối với các phàn nàn và cáo buộc; Tham khảo ý kiến đối với các vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng dịch vụ; Xử lý, giải quyết các vấn đề còn khác biệt về quan điểm khi thực hiện hợp đồng dịch vụ.

Một số DN không có quy định về kiểm tra, giám sát và không thực hiện thực hiện việc kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ kiểm toán giữa các kiểm toán viên hành nghề và thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ kiểm toán hàng năm theo quy định của VSQC1…

Nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán, đáp ứng yêu cầu hội nhập

Để nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, cần chú trọng một số nhiệm vụ sau:

Một là, mặc dù, các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực kiểm toán đã được ban hành khá rõ ràng, song vẫn cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện theo hướng minh bạch, đầy đủ, đồng bộ, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế để từ đó có cơ sở chính xác xác định, đánh giá việc kiểm toán có chất lượng hay không.

Hai là, thường xuyên tổ chức phổ biến, tuyên truyền, trao đổi, giải đáp, chính sách, rút kinh nghiệm qua kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán hàng năm cho kiểm toán viên hành nghề và DN kiểm toán để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các sai phạm của các DN kiểm toán chưa thực hiện tốt nghĩa vụ của mình để họ ý thức được trách nhiệm của mình.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra của DN kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề. Tăng cường xử lý sai phạm qua kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật…

Bốn là, tạo điều kiện để thị trường dịch vụ kế toán kiểm toán phát triển.

Năm là, nâng cao vai trò của Hội nghề nghiệp trong việc tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức, tư vấn chuyên môn, kiểm soát chất lượng, cung cấp các công cụ hỗ trợ cho hội viên nhằm nâng chất lượng và kinh nghiệm nghề nghiệp cho hội viên ngày một tốt hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính, Thông tư 157/2014/TT-BTC quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán;
2. Bộ Tài chính (2016), Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán năm 2016;
3. Một số website: mof.gov.vn, vacpa.org.vn, tapchitaichinh.vn…