Kế toán quản trị ở các doanh nghiệp chế biến gỗ tỉnh Nam Định
Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến gỗ luôn phải tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, đặc tính sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh về giá cả. Đặc biệt, để có thể đối phó với những thách thức khốc liệt và nắm bắt được các cơ hội để tồn tại, hơn lúc nào hết doanh nghiệp chế biến gỗ phải chú trọng đẩy nhanh xây dựng và áp dụng mô hình kế toán quản trị để phục vụ quản lý kinh doanh một cách tốt nhất.
Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ đứng đầu Đông Nam Á. Chất lượng sản phẩm đồ gỗ Việt Nam luôn được nâng cao, có khả năng cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Dự tính hiện có khoảng 3.500 doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ, 340 làng nghề gỗ và số lượng lớn các hộ gia đình sản xuất kinh doanh đồ gỗ chưa được thống kê đầy đủ. Trong đó, 5% số DN thuộc sở hữu nhà nước, 95% còn lại là thuộc khu vực tư nhân (bao gồm cả 16% có vốn đầu tư nước ngoài).
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì các DN chế biến gỗ có quy mô đa phần là nhỏ. Khảo sát thực tiễn tại các DN chế biến gỗ trên địa bàn TP. Nam Định cũng có thể thấy, các DN mới chủ yếu áp dụng các chuẩn mực kế toán ban hành theo quyết định để phục vụ cho việc lập báo cáo tài chính, đối tượng phục vụ là các đối tượng bên trong và bên ngoài DN, chưa chú trọng đến công tác lập báo cáo quản trị phục vụ cho việc ra quyết định của các nhà quản lý.
Tình hình đó yêu cầu các DN chế biến gỗ trên địa bàn TP. Nam Định cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng và áp dụng mô hình kế toán quản trị để phục vụ quản lý kinh doanh một cách tốt nhất. Việc xây dựng mô hình kế toán quản trị ở các DN chế biến gỗ trên địa bàn TP. Nam Định cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:
Thứ nhất, DN chế biến gỗ cần xây dựng và áp dụng mô hình kế toán quản trị phù hợp, có hiệu quả; Tổ chức hệ thống thông tin kế toán quản trị đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời, chi tiết các thông tin, thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, đơn giá, dự toán để phục vụ cho việc lập kế hoạch, kiểm tra, điều hành cũng như ra các quyết định kinh doanh; Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin theo yêu cầu quản lý về chi phí của từng công việc, từng bộ phận, dự án, sản phẩm… và xác lập các nguyên tắc, phương pháp phù hợp để đảm bảo được tính so sánh giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị cũng như giữa các thời kỳ, giữa số kế hoạch và số thực tế.
Hiện có 2 mô hình kế toán quản trị (mô hình kế toán quản trị kết hợp với kế toán tài chính và mô hình kế toán quản trị tách biệt với kế toán tài chính).
- Theo mô hình tổ chức công tác kế toán riêng biệt: Bộ phận kế toán tài chính thực hiện thu thập, xử lý và cung cấp các thông tin phục vụ chủ yếu cho việc lập, trình bày báo cáo tài chính của DN. Bộ phận kế toán quản trị thu thập, xử lý, phân tích các thông tin kế toán tài chính phục vụ nhu cầu sử dụng thông tin cho các nhà quản trị trong nội bộ DN.
Tuy nhiên, khi tổ chức bộ máy kế toán, DN phải tách ra hai bộ phận riêng biệt, do vậy mô hình này có rất nhiều hạn chế như: Tổ chức nhiều nội dung có sự trùng lặp giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị, bộ máy kế toán cồng kềnh, hiệu quả không cao, không phát huy được vai trò của từng bộ phận kế toán và trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật tính toán và hệ thống thông tin hiện đại. Do vậy, mô hình này không phù hợp với các DN sản xuất.
- Theo mô hình tổ chức công tác kế toán kết hợp: Khi tổ chức bộ máy kế toán không cần phải tách ra thành 2 bộ phận kế toán tài chính và kế toán quản trị riêng biệt. Mỗi bộ phận kế toán đều có nhiệm vụ thu thập, xử lý và cung cấp thông tin đến từng đối tượng kế toán cụ thể có liên quan, vừa phục vụ cho việc lập báo cáo tài chính vừa phục vụ cho việc lập các báo cáo quản trị.
Do vậy, trong mỗi bộ phận đồng thời phải tiến hành kế toán chi tiết và kế toán tổng hợp. Tuy nhiên, DN chế biến gỗ vẫn cần phải bố trí một bộ phận riêng để thực hiện nhiệm vụ thu thập, phân tích thông tin phục vụ cho việc lập kế hoạch, dự toán sản xuất kinh doanh và ra quyết định kinh doanh.
Thứ hai, cần xác lập nội dung công tác kế toán quản trị trong DN chế biến gỗ cho phù hợp với yêu cầu quản lý và mô hình kế toán quản trị.
Theo đó, nhà quản trị DN cần căn cứ vào quy mô và đặc điểm tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, trình độ, khả năng của đội ngũ cán bộ kế toán; thực tế trang thiết bị kỹ thuật, yêu cầu quản trị DN đặt ra đối với kế toán quản trị để có thể lựa chọn và thiết kế các mẫu chứng từ sao cho phù hợp với từng loại nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh ở các bộ phận trong DN.
Mẫu chứng từ kế toán phục vụ cho kế toán quản trị phải hợp lý, phù hợp và phải phản ánh được đầy đủ các chỉ tiêu, số liệu, ngày lập, nội dung kinh tế của các nghiệp vụ…theo yêu cầu quản trị của DN.
Bên cạnh đó, DN chế biến gỗ cũng cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ phận quản lý trong việc kiểm tra nội dung từng loại nghiệp vụ kinh tế phát sinh phản ánh trên chứng từ, để từ đó đưa ra các biện pháp xử lý, truy cứu trách nhiệm của từng đối tượng nếu có sai sót nghiêm trọng.
Trong phòng kế toán, phải quy định rõ trách nhiệm đối với từng nhân viên, từng bộ phận trong việc kiểm tra chứng từ trước khi ghi chép vào sổ hoặc nhập dữ liệu vào máy.
Thứ ba, về tổ chức vận dụng hệ thống tài khoản kế toán trong kế toán quản trị: Tùy theo yêu cầu cụ thể trong từng DN chế biến gỗ mà thiết kế, xây dựng hệ thống tài khoản kế toán quản trị theo yêu cầu.
DN chế biến gỗ có thể mở các tài khoản kế toán chi tiết theo các cấp trong từng DN vụ kinh tế phát sinh như khi tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm theo từng công việc, từng sản phẩm, từng bộ phận sản xuất, cũng như khi bán hàng và xác định kết quả kinh doanh theo từng địa điểm, từng nhóm mặt hàng, kế toán hàng tồn kho theo từng loại nguyên vật liệu, sản phẩm, thành phẩm.
Để phục vụ yêu cầu quản lý riêng DN chế biến gỗ có thể thiết kế xây dựng sổ kế toán mới như phiếu tính giá thành theo từng công việc, sổ chi tiết bán hàng cho từng khách hàng.
Thứ tư, hệ thống báo cáo kế toán quản trị cần xây dựng phù hợp với yêu cầu cung cấp thông tin quản lý nội bộ, đảm bảo tính chất có thể so sánh. Báo cáo quản trị phải vừa trình bày được các thông tin thực hiện vừa phải trình bày các thông tin dự toán tương ứng để đảm bảo so sánh những kết quả thực tế so với dự toán.
Thứ năm, tăng cường khả năng phân tích của kế toán quản trị, trước hết là phân tích mối quan hệ Chi phí – Doanh thu – Lợi nhuận. Mô hình kế toán quản trị cho phép chi tiết từng thành từng phần cụ thể như: Kế toán quản trị chi phí và giá thành sản phẩm, kế toán quản trị bán hàng và xác định kết quả bán hàng, kế toán quản trị về tài sản cố định, hàng tồn kho, tiền lương công nợ… Phân tích các thông tin thích hợp cho việc ra quyết định và phân tích mối quan hệ giữa doanh thu – chi phí – lợi nhuận.
Mọi biện pháp mà nhà quản lý đưa ra áp dụng nhằm mục đích không ngừng gia tăng lợi nhuận cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Muốn vậy, phải tăng doanh thu thuần, giảm chi phí, trước hết là chi phí biến đổi: Lợi nhuận = Doanh thu – Tổng chi phí biến đổi – Tổng chi phí cố định
Giả sử tổng chi phí cố định không thay đổi thì lợi nhuận sẽ tùy thuộc vào doanh thu và chi phí biến đổi chênh lệch này được gọi là lãi giới hạn (lợi nhuận giới hạn): Lợi nhuận giới hạn = Doanh thu – Tổng số chi phí biến đổi
Tỷ suất lợi nhuận giới hạn trên doanh thu =
(Lợi nhuận giới hạn/ Doanh thu thuần) * 100
Từ kết quả trên, ta có: Lợi nhuận giới hạn – Chi phí cố định > 0 có lãi ; =0 hòa vốn ; <0 lỗ vốn.
Tóm lại, kế toán quản trị là một bộ phận kế toán cấu thành có vai trò quan trọng là cung cấp thông tin về kế toán tài chính cho lãnh đạo DN và các nhà quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, do vậy các DN chế biến gỗ trên địa bàn TP. Nam Định cần khẩn trương xây dựng và áp dụng mô hình kế toán quản trị để phục vụ quản lý kinh doanh một cách tốt nhất.