Hơn 13 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 31/5/2017, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13,16 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp là 11,24 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 240 nghìn người; bảo hiểm y tế là 76,39 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 82,14% dân số.
Trong tháng 5/2017, toàn ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) ước thu được 23.162 tỷ đồng; lũy kế thu 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 106.376 tỷ đồng, bằng 37,5% so với kế hoạch được giao, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu BHXH là 75.015 tỷ đồng; thu bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 5.000 tỷ đồng, thu bảo hiểm y tế (BHYT) là 26.361 tỷ đồng.
Về giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, trong tháng 5/2017, toàn Ngành ước giải quyết chế độ BHXH cho trên 3,54 triệu người, tăng 0,28 triệu lượt người, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2016; Giải quyết cho 299,2 nghìn lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tăng 37,06 nghìn lượt, tăng 14,1% lượt so với cùng kỳ năm 2016; Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho 63,2 triệu lượt người, tăng 6,9 triệu lượt người, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Ước số chi BHXH, BHYT, BHTN toàn Ngành tính đến 31/5/2017 là 99.072 tỷ đồng. Trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách là 17.063 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH là 46.781 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN 2.350 tỷ đồng và ước chi khám, chữa bệnh BHYT 30.000 tỷ đồng.
Về công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, tính đến ngày 31/5/2017, số người được cấp sổ BHXH ước đạt 13,1 triệu người, đạt 99% số người tham gia BHXH; số thẻ BHYT đã cấp tính đến 31/5/2017 ước đạt 76,65 triệu thẻ.
Những hạn chế còn chưa thực hiện được, theo BHXH Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT còn một số khó khăn, vướng mắc sau: Một số cơ sở y tế gửi dữ liệu lên Cổng thông tin giám định BHYT còn chậm; một số địa phương chưa kịp thời chuyển nộp phần kinh phí ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT; một số đơn vị hành chính phản ánh chưa có chữ ký số hoặc chưa có nguồn kinh phí để trang bị chữ ký số…
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, trong tháng 6/2017, BHXH Việt Nam tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tổng hợp, xây dựng đề cương báo cáo kết quả 5 năm triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị; Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Dược và kịp thời đánh giá, kiến nghị sửa đổi, bổ sung đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Thứ hai, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Đề xuất, kiến nghị các nội dung dự thảo Nghị định về BHXH đối với công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam…
Thứ ba, chỉ đạo các BHXH địa phương đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng; giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động, người tham gia BHYT; Thực hiện rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH…
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó tập trung thực hiện Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ; Thực hiện giám định điện tử trên Hệ thống thông tin giám định BHYT trên phạm vi toàn quốc; Đẩy nhanh tiến độ cấp mã định danh, chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện quy định mới về quản lý thu, quản lý số BHXH, thẻ BHYT của Ngành.