Đồng bộ các giải pháp ngăn chặn nợ bảo hiểm xã hội
Một trong những giải pháp mạnh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động là khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội đã được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan triển khai thực hiện. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa như mong đợi, việc khởi kiện vẫn còn vướng về nhiều mặt cần sớm được tháo gỡ.
Tình trạng trốn, nợ đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) không phải là mới và diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc các loại hình kinh tế ngoài quốc doanh, có vốn đầu tư nước ngoài, DN nhà nước...
Và tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) diễn ra từ nhiều năm nay còn có chiều hướng gia tăng, tuy nhiên việc ngăn chặn vẫn rất khó khăn.
Theo ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN tại các tỉnh, thành phố (sau khi đã trừ số tiền do ngân sách nhà nước chậm đóng BHYT) là 7.580 tỷ đồng, bằng 3,22% kế hoạch thu. Trong đó, nợ BHXH 6.551 tỷ đồng; nợ BHTN 323 tỷ đồng; nợ BHYT 705 tỷ đồng.
Thực tế, trốn đóng BHXH là hành vi nghiêm cấm trong Luật BHXH và phải bị xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Điều đó có nghĩa là BHXH Việt Nam có chức năng thanh tra thu thì phải là cơ quan xử phạt trước. Nếu DN không chấp hành hoặc chấp hành hình thức thì BHXH có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền và khởi tố hình sự.
Tính đến hết tháng 2/2017, ngành BHXH đã chuyển giao cho Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam 1.177 bộ hồ sơ các DN nợ BHXH. Cùng với đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tiếp nhận 1.150 hồ sơ gửi đến từ 52 tỉnh, thành. Đến nay, đã có 39/63 LĐLĐ các tỉnh, thành nộp đơn khởi kiện ra tòa với 77 vụ DN nợ BHXH.
Theo các chuyên gia kinh tế, để ngăn chặn tình trạng nợ đóng BHXH, thì giải pháp khởi kiện DN trốn đóng BHXH là hữu hiệu nhất; đây cũng là nhiệm vụ mới và quan trọng của tổ chức công đoàn các tỉnh, thành.
Để thực hiện nhiệm vụ này, rất cần có sự phối hợp của các cấp LĐLĐ trong việc chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân để được hỗ trợ về chuyên môn, cung cấp thông tin và chuẩn bị hoàn thiện các hồ sơ khởi kiện.
Ngoài ra, các cấp LĐLĐ cũng cần phối hợp với Hội Luật gia, các luật sư tư vấn, các chuyên gia về pháp luật BHXH tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn. Từ đó, cán bộ công đoàn hiểu ra được vai trò, trách nhiệm của mình cùng tham gia vào bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động.
Bên cạnh những giải pháp của các chuyên gia, hiện nay BHXH Việt Nam cũng đã thực hiện một số biện pháp như:
Thứ nhất, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố định kỳ báo cáo cấp ủy và chính quyền địa phương về tình hình thực hiện thu nộp BHXH, BHYT trên địa bàn. Tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị sử dụng lao động.
Thứ hai, hàng quý gửi thông báo danh sách các DN nợ tiền lớn, thời gian kéo dài từ 3 tháng trở lên đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để phối hợp chỉ đạo công tác thu nợ.
Thứ ba, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức thực hiện các phóng sự, chuyên đề về nợ BHXH, BHYT nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia BHXH, BHYT.
Thứ tư, giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ cho các tỉnh, thành phố; coi đây là chỉ tiêu xem xét thi đua hàng quý, năm đối với BHXH các tỉnh, thành phố.
Thứ năm, cử cán bộ chuyên quản xuống địa phương để đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Thứ sáu, BHXH Việt Nam ký quy chế phối hợp với các bộ ngành trong công tác tuyên truyền, đôn đốc thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN.
Thứ bảy, phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc thực hiện pháp luật tại một số tỉnh, thành phố, một số DN nợ tiền đóng BHXH kéo dài.