Hợp đồng nông nghiệp ở các hợp tác xã: Giải pháp ổn định thị trường nông sản
Hợp đồng nông nghiệp được kỳ vọng là giải pháp giúp phát triển các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, từ đó giúp xây dựng thị trường nông sản Việt Nam hiệu quả và bền vững. Mặc dù đã được triển khai từ những năm 2000, đến nay, hợp đồng nông nghiệp vẫn chưa được lựa chọn sử dụng bởi các HTX nông nghiệp và doanh nghiệp. Hoặc nếu được ký kết, hiện tượng phá vỡ hợp đồng nông nghiệp thường xuyên diễn ra. Bài viết tìm hiểu thực trạng sử dụng hợp đồng nông nghiệp hiện nay, phân tích những nguyên nhân thường gặp khiến hợp đồng bị phá vỡ, từ đó đưa ra một số đề xuất giải pháp nhằm giúp hợp đồng nông nghiệp được triển khai hiệu quả hơn tại Việt Nam.
Giới thiệu
Sản xuất nông nghiệp muốn phát triển bền vững, mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp thông qua các hợp đồng ký kết chính là cầu nối quan trọng giúp sản phẩm có thể đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo và người chịu thiệt nhiều nhất chính là thành viên các HTX.
Vì vậy, trong bối cảnh nhiều loại nông sản trên cả nước chưa tìm được đầu ra ổn định, thì hướng giải quyết thông qua việc ký kết hợp đồng với nhiều công ty, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho thành viên HTX là rất quan trọng và cần thiết.
Thực trạng sử dụng hợp đồng nông nghiệp của các hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam
Sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng được xác định là một hoạt động mang tính cấp thiết nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường nông sản tại Việt Nam. Việc triển khai các hợp đồng nông nghiệp được thực hiện theo các chính sách của Chính phủ, trong đó phải kể đến Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.
Theo đó, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa với người sản xuất (HTX, hộ nông dân, trang trại, đại diện hộ nông dân) nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa để phát triển sản xuất ổn định và bền vững. Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa phải được ký với người sản xuất ngay từ đầu vụ sản xuất, đầu năm hoặc đầu chu kỳ sản xuất theo các hình thức ứng trước vốn, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và mua lại nông sản hàng hóa; bán vật tư mua lại nông sản hàng hóa; trực tiếp tiêu thụ nông sản hàng hóa; liên kết sản xuất bằng việc hộ nông dân được quyền sử dụng giá trị sử dụng đất để góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp. Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg đã tạo tiền đề pháp lý giúp việc sử dụng hợp đồng nông nghiệp rộng rãi hơn tại nước ta.
Cùng với sự phát triển của hoạt động nông nghiệp, Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg lần lượt được thay thế bởi Quyết định số 62/2003/QĐ-TTg, ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (đã hết hiệu lực) và mới nhất là Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo đó, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP tập trung vào tính liên kết tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các đối tượng trong chuỗi cung ứng để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP còn quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ như chi phí tư vấn xây dựng liên kết (chủ trì liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa 300 triệu đồng), hạ tầng phục vụ liên kết (dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết…), hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm. Những quy định này đã thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy liên kết nông nghiệp theo chuỗi giá trị, cụ thể là hợp đồng nông nghiệp, nhằm ổn định và phát triển thị trường nông sản Việt Nam.
Mặc dù được sự quan tâm của Chính phủ, việc triển khai hợp đồng nông nghiệp tại nước ta vẫn chưa đạt được như kỳ vọng cả về số lượng và chất lượng. Về số lượng, theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, tính đến hết năm 2022, mới có khoảng 4.000 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mặc dù con số này đã tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2019, nhưng còn chiếm tỷ lệ thấp, đạt 22% tổng số các HTX nông nghiệp hiện nay.
Về chất lượng, tỷ trọng nông sản được tiêu thụ trên sản lượng còn thấp. Các HTX nông nghiệp ghi nhận lượng bán cho doanh nghiệp qua hợp đồng chỉ chiếm trung bình từ 10%-15%. Bên cạnh đó, hợp đồng liên kết giữa HTX và doanh nghiệp tuy được ký kết nhưng vẫn còn lỏng lẻo, khiến tình trạng vỡ hợp đồng thường xuyên xảy ra. Điều đáng chú ý là tình trạng vỡ hợp đồng có thể đến từ cả hai phía, HTX nông nghiệp và doanh nghiệp, khi giá của nông sản thực tế có thể cao hoặc thấp hơn so với giá ghi trong hợp đồng. Đây là hiện tượng được ghi nhận trong hầu hết các chuỗi liên kết của HTX nông nghiệp và làm giảm ý nghĩa của việc triển khai hợp đồng nông nghiệp.
Nghiên cứu thực trạng triển khai hợp đồng nông nghiệp cho thấy, nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng chậm trễ, yếu kém trong hoạt động này. Tuy nhiên, những nguyên nhân căn bản có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, sự thiếu hiểu biết về pháp luật liên quan đến hợp đồng nông nghiệp của các bên tham gia. Sự thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến những hệ quả trong việc xây dựng cũng như thực thi hợp đồng. Về việc xây dựng hợp đồng, hợp đồng nông nghiệp có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, như: hợp đồng sản xuất, hợp đồng tiếp thị sản phẩm, hợp đồng cung cấp dịch vụ… Mỗi hình thức hợp đồng khác nhau, người mua và người bán có quyền và nghĩa vụ khác nhau. Nếu không có sự hiểu biết về pháp luật liên quan, các bên tham gia không phân biệt rõ được bản chất của hợp đồng, gây nhiều khó khăn khi vận dụng hợp đồng vào thực tiễn, như không triển khai được các điều khoản trong hợp đồng khiến hợp đồng bị phá vỡ, hoặc điều khoản hợp đồng lỏng lẻo, mới chỉ tập trung vào lượng hàng giao dịch, thanh toán, giao hàng, mà chưa chú trọng đến việc giải quyết tranh chấp, bồi thường phù hợp, đặc biệt khi lĩnh vực nông nghiệp mang nhiều đặc điểm khác biệt so với các lĩnh vực khác.
Về việc triển khai hợp đồng, điều khoản hợp đồng thiếu tính thực tiễn, lỏng lẻo khiến tình trạng hợp đồng không được thực thi, hoặc phá hợp đồng thường xuyên diễn ra ở cả hai phía người bán và người mua. Khi giá thực tế hấp dẫn hơn so với giá trên hợp đồng, HTX hoặc hộ nông dân có thể phá vỡ hợp đồng, bán cho thương lái để thu lợi nhuận. Hoặc ngược lại, trong trường hợp giá nông sản thực tế thấp hơn giá trên hợp đồng, doanh nghiệp trì hoãn việc thu mua và thanh toán, gây bất lợi cho hộ nông dân vì nông sản thường có thời gian tiêu thụ ngắn.
Thứ hai, các chế tài khi vi phạm hợp đồng nông nghiệp còn chưa đủ sức mạnh. Mặc dù có nhiều khung pháp lý khác nhau quy định về hợp đồng, như: Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, nhưng Bộ luật Dân sự vẫn được xem là cơ sở gốc quy định chung về hợp đồng dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm, không phân biệt hợp đồng dân sự hay kinh doanh, thương mại. Pháp luật không quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, và việc thực hiện hợp đồng sẽ phụ thuộc vào năng lực thực hiện hợp đồng của các bên. Do đó, việc phá hợp đồng nông nghiệp dễ dàng xảy ra do các ràng buộc và mức phạt không đáng kể so với lợi ích mà các bên tham gia có được từ sự phá hợp đồng. Ngoài ra, đối với trường hợp vi phạm hợp đồng nông nghiệp, chưa xác định cụ thể đối tượng chịu trách nhiệm xử lý khi tranh chấp xảy ra trong trường hợp hợp đồng nông nghiệp khác với các loại hợp đồng khác, trong khi hợp đồng nông nghiệp mang đối tượng tham gia đặc thù so với các loại hình khác. Trong thực tế, có trường hợp doanh nghiệp lặng lẽ rút lui không tiêu thụ sản phẩm của HTX nông nghiệp như đã ký kết, nhưng HTX nông nghiệp cũng không thể liên lạc được và cũng không biết phải đến đâu để giải quyết trường hợp này.
Thứ ba, các đối tượng tham gia chưa nhìn thấy được lợi ích của hợp đồng nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp và doanh nghiệp chưa nhìn thấy được tính hấp dẫn của hợp đồng nông nghiệp so với cách thức sản xuất, kinh doanh truyền thống. Việc sử dụng hợp đồng nông nghiệp khiến các hộ nông dân phải tuân thủ theo một số những quy định về sử dụng nguyên vật liệu, kỹ thuật sản xuất, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng cao hơn so với giao dịch với các thương lái. Lợi ích của hợp đồng nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng khi yêu cầu của thị trường nông sản nước ta hiện nay chưa cao, khiến các HTX nông nghiệp vẫn rất linh hoạt trong lựa chọn thị trường. Nếu trong trường hợp nông sản chưa đảm bảo chất lượng theo hợp đồng, HTX nông nghiệp vẫn dễ dàng bán được sản phẩm cho các thị trường yêu cầu chất lượng thấp hơn, hay còn được họ gọi là thị trường hàng “loại một”, “loại hai”… Mặc dù người dân đã dần quen thuộc hơn với việc mua hàng ở trong siêu thị, nhưng các chợ truyền thống vẫn được ưa chuộng, trong khi đó tại thị trường này, tiêu chuẩn về hàng hóa và truy xuất nguồn gốc chưa nhiều, nên việc nguồn cung nông sản có chất lượng hay không chưa thật sự được để ý.
Một số giải pháp
Sự phát triển của thị trường nông sản chất lượng cao không thể thiếu được sự ổn định và liên kết của các đối tượng tham gia trong thị trường. Do đó, việc tháo gỡ những khó khăn nhằm phát triển hợp đồng nông nghiệp là việc vô cùng cấp thiết trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh nông sản Việt Nam ngày càng được quan tâm nhiều hơn, hoạt động xuất khẩu được mở rộng. Dựa trên thực trạng triển khai và nguyên nhân của khó khăn, một số giải pháp triển khai hợp đồng nông nghiệp tại Việt Nam được đề xuất như sau:
Một là, nâng cao sự hiểu biết về hợp đồng nông nghiệp với các đối tượng tham gia trên thị trường, đặc biệt là các HTX nông nghiệp và các doanh nghiệp. Nhà nước cần tăng cường các hoạt động phổ biến pháp luật và chính sách liên quan đến thị trường và hợp đồng nông nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan có liên quan như Hội Nông dân, Liên minh HTX các cấp có thể xây dựng các chương trình đào tạo phổ biến đến các hộ nông dân, các HTX về đặc điểm các loại hình hợp đồng, lợi ích khi sử dụng, trường hợp áp dụng cũng như nhận biết các rủi ro đi kèm để người sử dụng có thể cân nhắc xây dựng các điều khoản hợp đồng phù hợp với họ.
Hai là, tăng cường các chế tài xử lý trong trường hợp các đối tượng tham gia phá vỡ hợp đồng. Đối với Nhà nước, cần tăng cường các quy định làm rõ hơn về hợp đồng nông nghiệp so với các loại hình hợp đồng khác. Do tính đặc thù của lĩnh vực nông nghiệp so với các loại hình kinh doanh khác, như: hoạt động sản xuất kéo dài, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nguyên vật liệu và sản phẩm có thời gian sử dụng ngắn, các hợp đồng nông nghiệp cần được phân biệt rõ ràng hơn nhằm bảo vệ quyền lợi của hộ sản xuất nông nghiệp. Đây sẽ là cơ sở hướng dẫn xây dựng các chế tài nặng hơn trong trường hợp các đối tượng tham gia phá vỡ hợp đồng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo hợp đồng nông nghiệp được triển khai có hiệu quả, cần có đại diện cơ quan nhà nước, như: Hội Nông dân, Liên minh HTX là đơn vị trung gian kết nối, đảm bảo các điều khoản hợp đồng được đàm phán hài hòa lợi ích của các bên tham gia ký kết, đồng thời thực hiện hoạt động giám sát các hợp đồng nông nghiệp đã ký kết.
Ngoài ra, cần xây dựng một kênh thông tin minh bạch các thông tin về “mức độ tin cậy” của các HTX nông nghiệp và doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng. Đây vừa là nơi cung cấp các thông tin giúp kết nối cung - cầu nông sản, vừa là nơi đánh giá mức độ tin cậy của các đối tượng tham gia ký kết hợp đồng, công khai thông tin các bên không giữ hợp đồng.
Ba là, tăng cường tính thực tiễn và hấp dẫn của hợp đồng nông nghiệp. Bản chất của hợp đồng nông nghiệp là giúp cho hoạt động của các đối tượng tham gia được hiệu quả, tránh các rủi ro xảy ra, tuy nhiên, một số nhược điểm khiến hợp đồng nông nghiệp hiện tại chưa mang tính thực tiễn và hấp dẫn các hộ nông dân hơn các hoạt động bán hàng truyền thống như bán tại vườn hoặc thời điểm thu hoạch. Do đó, để thu hút hộ nông dân và doanh nghiệp sử dụng hợp đồng, cũng như giảm các tình huống phá vỡ hợp đồng xảy ra, các điều khoản trong hợp đồng nông nghiệp cần đảm bảo được tính thực tiễn, hấp dẫn và phù hợp với đặc thù của lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể như sau:
- Với đặc thù của sản xuất nông nghiệp không ổn định như sản xuất công nghiệp, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, như: khí hậu, thời tiết, sâu bệnh… các điều khoản của hợp đồng nông nghiệp tránh trường hợp cứng nhắc không có lợi cho các bên tham gia bằng việc áp dụng các điều khoản linh hoạt, như: sử dụng một khoảng giá (giá sàn, giá trần) hơn là một mức giá cố định, cho phép cân nhắc đàm phán một số nội dung trong hợp đồng hai tuần trước thời điểm hợp đồng được thực hiện.
- Bổ sung một số ưu đãi đặc quyền chỉ với đối tượng tham gia ký kết hợp đồng, đặc biệt là các lợi ích trong dài hạn mà thương lái với hoạt động mua - bán tại chỗ, ngắn hạn không thể mang lại được, như: hỗ trợ thực hiện các hoạt động đào tạo kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, marketing sản phẩm, cam kết ưu tiên mua nông sản dài hạn lên tới 5 năm.
- Lĩnh vực nông nghiệp có vai trò quan trọng, mang lại những lợi ích lớn về không những về kinh tế, mà còn về chính trị và xã hội tại nước ta. Do đó, việc xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp năng suất, chất lượng cao là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Sử dụng các hợp đồng nông nghiệp hiệu quả giúp đảm bảo một nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam ổn định, bền vững, tiệm cận hơn với các nền nông nghiệp phát triển trên thế giới.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Kế hoạch và đầu tư (2022), Sách trắng HTX Việt Nam, Nxb Thống kê.
2. Chính phủ (2018), Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
3. Cao Đình Lành, Nguyễn Sơn Hải (2021), Thực trạng về hợp đồng tiêu thụ nông sản tại Việt nam và những vấn đề đặt ra trong quá trình hoàn thiện, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 130, số 6C, 15-23.
4. Liên minh HTX Việt Nam (2022), Báo cáo thường niên năm 2022.