Hợp tác tài chính Việt Nam - Hàn Quốc: 23 năm một chặng đường phát triển
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc được thiết lập ngày 22/12/1992 và đến nay, trải qua 23 năm hợp tác, phát triển, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã nâng tầm ở mức “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược”. Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam cũng trở thành đối tác ngày càng quan trọng của Hàn Quốc.
Quan hệ thương mại - đầu tư - tài chính ngày càng sâu rộng
Đối với Hàn Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia đối tác quan trọng về hợp tác phát triển. Đây là lý do vì sao Chính phủ Hàn Quốc đề xuất thực hiện Chiến lược Đối tác quốc gia (CPS) với Việt Nam giai đoạn 2011-2015 gắn liền với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội và Khuôn khổ Chiến lược ODA của Việt Nam.
Về vốn đầu tư nước ngoài, trong số 48 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,52 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Tính đến nay, Hàn Quốc hiện đứng thứ thứ nhất trong 105 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với tổng số 4.777 dự án đầu tư, và trên 43,6 tỉ USD vốn đăng ký. Hiện tại có hơn 4.000 doanh nghiệp Hàn Quốc, và 140.000 người Hàn Quốc ở Việt Nam. Các dự án của Hàn Quốc được triển khai chủ yếu ở các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, thông tin truyền thông..v.v.
Về quan hệ thương mại, Hàn Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản và trở thành thị trường lớn thứ 2 trên thế giới cung cấp hàng hoá sang thị trường Việt Nam (chỉ xếp sau Trung Quốc). Kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao cho đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ, tăng hơn 60 lần (từ 500 triệu USD trong năm 1992 lên khoảng 28 tỷ USD vào năm 2014 và 33,6 tỷ USD trong 11 tháng năm 2015), đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Hàn Quốc luôn là đối tác quan trọng của Việt Nam, đứng thứ 3/10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm và là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Về viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc cho Việt Nam: Trong thời gian qua, Hàn Quốc là nước viện trợ lớn thứ 2 của Việt Nam với các dự án tiêu biểu như: Cầu Vàm Cống, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam. Hàn Quốc viện trợ 215 triệu USD cho 6 dự án gồm: Bệnh viện Đà Nẵng, Lào Cai, Nhà máy điện mặt trời Quảng Bình, chương trình cấp thoát nước Long Xuyên, chương trình chống biến đổi khí hậu và Trung tâm thông tin dữ liệu chính phủ. Song song với việc tiếp tục triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật quy mô nhỏ, Hàn Quốc cũng đã tài trợ thực hiện một số dự án xây dựng quy mô lớn như Viện khoa học công nghệ Việt Nam Hàn Quốc, Vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tại Cần Thơ.
Hệ thống khung khổ hợp tác ngày càng hoàn thiện và ổn định
Quan hệ thương mại - đầu tư và tài chính song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc được củng cố và đặt trên nền móng hệ thống các khung khổ thỏa thuận khu vực và song phương của hai nước, trong đó bao gồm các thỏa thuận/khung khổ hợp tác quan trọng trong lĩnh vực tài chính, tự do hóa thuế quan...
Năm 2005, Việt Nam và Hàn Quốc tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) . Việt Nam bắt đầu thực hiện các cam kết về thuế từ năm 2007 và cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 86% tổng số dòng thuế vào năm 2018, và lộ trình cắt giảm thuế quan đối với một số dòng hàng. Năm 2021 là năm cuối cùng lộ trình giảm thuế.
Nhằm tiếp tục củng cố quan hệ thương mại giữa hai nước, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã được ký kết ngày 05/5/2015 và có hiệu lực từ ngày 20/12/2015. Lộ trình thực hiện cuối cùng là năm 2029. Đây là sự kiện quan trọng mở ra tầm cao mới trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc. Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc sẽ có điều kiện khai thác các ưu đãi thương mại, đầu tư mà hai nước dành cho nhau trong Hiệp định, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương.
Ngoài ra, Việt Nam và Hàn Quốc hiện đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Hiệp định bao gồm 10 nước thành viênASEANvà 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Ôxtrâylia,Trung Quốc,Ấn Độ,Nhật Bản,Hàn Quốc vàNiu Di-lân) được kỳ vọng sẽ sớm hoàn tất việc được ký kết trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Chiến lược Hàn Quốc cũng đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về tài chính từ năm 2006, qua đó tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như: Dự báo và phân tích tình hình kinh tế vĩ mô; Chiến lược và chính sách ổn định kinh tế; Quản lý ngân sách nhà nước (gồm thuế và hải quan); Quản lý chi tiêu ngân sách nhà nước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội; Chính sách tài khóa và chính sách kho bạc; quản lý nhân sự và cơ cấu tổ chức cán bộ; Quản lý cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức công; Hợp tác tài chính quốc tế; Huy động vốn trên thị trường quốc tế (tập trung vào đầu tư gián tiếp nước ngoài); Phát triển chính sách tài chính và tín dụng (bao gồm tín dụng xuất khẩu, đầu tư nội địa, bảo lãnh tín dụng) và các lĩnh vực khác hai bên cùng thống nhất.
Trong quan hệ hợp tác về lĩnh vực thuế và hải quan, Việt Nam và Hàn Quốc đã có Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hàn Quốc (được ký vào 20/05/1994 và có hiệu lực từ 11/09/1994) và các Thỏa thuận về các chuyến thăm và làm việc trao đổi lẫn nhau giữa các cơ quan chuyên ngành từ năm 2002. Cơ quan thuế hai nước đã luân phiên tổ chức các chuyến thăm và làm việc nhằm trao đổi thông tin về chính sách thuế và kinh nghiệm quản lý và kinh nghiệm quốc tế liên quan. Về lĩnh vực hải quan, quan hệ hợp tác giữa hải quan Việt Nam và hải quan Hàn Quốc được triển khai trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại hàn dân quốc Hàn Quốc về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan ký ngày 10/03/1995; các Biên bản làm việc tại hội nghị hợp tác song phương thường niên giữa hải quan hai nước: các biên bản này cụ thể hóa hoạt động hợp tác ở cấp Tổng Cục hải quan và địa phương hai nước trong năm tiếp theo. Gần đây nhất là Biên bản làm việc Hội nghị hợp tác song phương giữa hải quan hai nước lần thứ 16 ký kết vào tháng 9/2014 tại Hà Nội.
Ngoài ra, từ năm 2009, Bộ Tài chính Việt Nam và Đại sứ quán Hàn Quốc đã liên tục chủ trì tổ chức các Hội nghị đối thoại hàng năm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với các Doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách thuế và hải quan. Các Hội nghị đã được Bộ Tài chính Chiến lược Hàn Quốc, Đại sứ quán Hàn Quốc và các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam rất quan tâm và đánh giá cao về hiệu quả làm việc cũng như tác động rất tích cực đến tình hình giải quyết vướng mắc về chính sách, thủ tục thuế và hải quan của các doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào quá trình cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Đối tác chiến lược cùng phát triển và tận dụng cơ hội mới
Với quan hệ đối tác về thương mại - đầu tư - tài chính phát triển thực chất và cân bằng, được xây dựng trên nền tảng hệ thống khung khổ thỏa thuận ngày càng hoàn thiện và ổn định, nền kinh tế - tài chính Việt Nam đã, đang và sẽ đồng hành cùng đối tác chiến lược này bước tới tương lai. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn trong giai đoạn tới, trong điều kiện Việt Nam tiến hành đồng thời việc tái cấu trúc nền kinh tế để đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế công nghiệp hiện đại, song song với việc thúc đẩy hội nhập, mở cửa kinh tế để tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị của nền sản xuất toàn cầu và khu vực./.