Hợp tác trong phát triển chuỗi cung ứng hàng điện tử của các doanh nghiệp thương mại Hà Nội

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2019

Bài viết nghiên cứu về chuỗi cung ứng hàng điện tử và mức độ hợp tác trong chuỗi cung ứng hàng điện tử của các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội. Thông qua 192 phiếu khảo sát thu thập được từ các doanh nghiệp thương mại điện tử, kết quả nghiên cứu cho thấy, sự ảnh hưởng của các nhân tố đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp. Từ đó tác giả đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm tăng cường sự hợp tác nhằm phát triển chuỗi cung ứng hàng điện tử của doanh nghiệp thương mại Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặc điểm chuỗi cung ứng hàng điện tử trên địa bàn Hà Nội

Trong xu thế hiện nay, việc thiết lập được một chuỗi cung ứng thích hợp là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với mỗi doanh nghiệp (DN) vì DN không thể tồn tại độc lập trong nền kinh tế - xã hội mà ngày càng phải hợp tác với nhau để cùng tồn tại và phát triển, cùng nhau hình thành nên chuỗi cung ứng.

Sản xuất sản phẩm điện tử được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn của TP. Hà Nội, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu và đã đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư FDI. Tuy nhiên, theo xu hướng chung, ngành Điện tử của TP. Hà Nội vẫn đang dừng ở công đoạn gia công, lắp ráp, chưa tạo ra được giá trị gia tăng cao. Các DN trực tiếp sản xuất tạo ra các sản phẩm điện tử chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu là các doanh nghiệp thương mại (DNTM) thực hiện vai trò trung gian phân phối, bán buôn, bán lẻ các sản phẩm điện tử, máy tính được nhập về thị trường Việt Nam.

Chuỗi cung ứng hàng điện tử trên địa bàn TP. Hà Nội với các thành phần chủ yếu sau:

- Nhà cung cấp: Là các DN nước ngoài và các DN trong nước cung cấp linh kiện, chi tiết cho các DN khác tiến hành sản xuất tạo ra các sản phẩm điện tử.

- Nhà sản xuất: Bao gồm các DN sản xuất, chế biến nguyên liệu ra thành phẩm, sử dụng nguyên liệu và các sản phẩm gia công của các nhà sản xuất khác để làm nên sản phẩm. Đây là những DN có nhà máy sản xuất, gia công, lắp ráp, đóng gói các sản phẩm điện tử, tin học, phần mềm…

- Nhà phân phối: Là các DN mua lượng lớn sản phẩm điện tử từ các nhà sản xuất và phân phối các dòng sản phẩm đến khách hàng. Đây là những DN đưa ra các chương trình marketing để thúc đẩy việc bán sản phẩm cho người tiêu dùng; bằng các chương trình chiết khấu, chiết giá, hỗ trợ cho nhà bán buôn, đại lý cấp 2 và nhà bán lẻ...

- Nhà bán lẻ: là các DNTM mua hàng của các nhà phân phối bán cho người tiêu dùng là cá nhân và các tổ chức. Họ luôn theo dõi, nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của khách hàng rất chi tiết. Các DN này thường dùng công cụ giá cả và chăm sóc khách hàng để thu hút và giữ chân khách hàng, người tiêu dùng.

- Khách hàng/người tiêu dùng: Là các tổ chức, cá nhân mua và sử dụng sản phẩm điện tử.

Các nhà phân phối và sản xuất điện tử tại Việt Nam xây dựng các nhà máy sản xuất tại các khu công nghiệp của các tỉnh, thành phố khác nhau trong cả nước nhưng đều có trụ sở chính hoặc văn phòng đại diện, chi nhánh đóng tại Hà Nội.

Các nhà phân phối và sản xuất điện tử tại Việt Nam xây dựng các nhà máy sản xuất tại các khu công nghiệp của các tỉnh, thành phố khác nhau trong cả nước nhưng đều có trụ sở chính hoặc văn phòng đại diện, chi nhánh đóng tại Hà Nội. Các sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu, trong khi, tỷ lệ cung cấp cho thị trường nội địa là rất nhỏ. Tham gia kinh doanh hàng điện tử chủ yếu là các DNNVV, thậm chí là các cá thể kinh doanh các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị. Trong khi đó, khách hàng/người tiêu dùng là tập hợp các cơ quan, DN, các cá nhân trên địa bàn Hà Nội (với hơn 7,7 triệu người) và các khu vực lân cận Hà Nội có nhu cầu sử dùng các thiết bị, sản phẩm điện tử, tin học.

Sự hợp tác trong chuỗi cung ứng hàng điện tử  của các doanh nghiệp thương mại Hà Nội

Với đặc điểm chuỗi cung ứng hàng điện tử của các DNTM, sự hợp tác chủ yếu là theo chiều dọc nhằm làm giảm chi phí, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong các vấn đề về thông tin thị trường, giá cả, để các thành phần đều có lợi ích cao nhất. Sự hợp tác của các DNTM kinh doanh hàng điện tử, chủ yếu là mối quan hệ của nhà phân phối, tới nhà bán lẻ và tới khách hàng.

Thực tế hiện nay, hầu hết các DNTM trên địa bàn Hà Nội là các DNNVV, thậm chí siêu nhỏ, các DN này chưa thực sự chú trọng đến chiến lược phát triển lâu dài, chạy theo lợi nhuận trước mắt, nên sự hợp tác với các thành phần trong chuỗi cung ứng còn lỏng lẻo.

Các DN thường tin tưởng và kết nối với các DN gần trụ sở, thường xuyên giao dịch, có cùng quan điểm trong kinh doanh để dễ dàng hỗ trợ việc chuyển hàng nhanh chóng, cũng như xử lý các vấn đề nảy sinh về đổi, trả hàng.

Nghiên cứu về sự hợp tác  trong chuỗi cung ứng hàng điện tử

Để nghiên cứu về sự hợp tác trong chuỗi cung ứng hàng điện tử, tác giả đã sử dụng phương pháp định lượng, dựa trên mô hình nghiên cứu đề xuất, xây dựng phiếu khảo sát với thang đo 5 mức độ của Likert cho các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác trong chuỗi gồm 6 thành phần: Tín nhiệm, quyền lực, tần suất, thuần thục, khoảng cách, văn hóa với 27 biến quan sát. Phiếu khảo sát được thiết kế cho đối tượng là nhân viên phụ trách mảng xuất nhập/cung ứng sản phẩm trong DNTM.

Phiếu khảo sát tập trung vào các DNTM, chủ yếu bán buôn, bán lẻ các thiết bị điện tử, tin học trên các địa bàn quận: Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng. Trong tổng số 250 phiếu khảo sát được gửi đi, kết quả thu về 192 phiếu, trong đó có 176 phiếu hợp lệ được sử dụng làm dữ liệu cho quá trình nghiên cứu, để đánh giá thang đo và kiểm định các giả thiết.

Thống kê phiếu khảo sát cho thấy, loại hình DN tập trung chủ yếu ở loại hình kinh tế ngoài Nhà nước, cụ thể: Công ty cổ phần chiếm 43,8%, Công ty TNHH chiếm 46%. Các DN tập trung trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị điện tử, tin học chiếm 75,6%; về quy mô, các DN với quy mô nhỏ, chiếm 72,2% trong tổng mẫu khảo sát.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả phân tích nhân tố khám phá, với các hệ số tin cậy đều >0,6 cho thấy, độ tin cậy và đạt yêu cầu của các biến quan sát. Tổng phương sai trích được là 81,221% (> 50%) tức là 81,221% biến thiên của dữ liệu sự hợp tác trong chuỗi cung ứng được giải thích bởi 6 nhân tố nghiên cứu.

Kết quả phân tích hồi quy cho cả 6 nhân tố đều biểu đạt mức ý nghĩa (sig < 0.05). Với hệ số xác định R2 điều chỉnh = 0,877 cho thấy rằng, các biến độc lập trong mô hình giải thích được 87,7% sự thay đổi của biến phụ thuộc. Giá trị Sig của các nhân tố đều < 0.05 cho thấy hệ số hồi quy là có ý nghĩa thống kê; hệ số phóng đại phương sai (VIF) có giá trị khá nhỏ chứng tỏ mô hình hồi quy không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến (các biến độc lập có tương quan chặt chẽ với nhau). Phương trình hồi quy bội được xác định như sau:

Hợp tác = 0,111TN + 0,276QL + 0,022TS + 0,279TT + 0,306KC +0,318VH (*)

Như vậy, kết quả nghiên cứu đã khẳng định 6 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng hàng điện tử của các DNTM Hà Nội. Trong đó, văn hóa hợp tác có ảnh hưởng lớn nhất đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng, tiếp đến là nhân tố khoảng cách, thuần thục, quyền lực, tín nhiệm và nhân tố ảnh hưởng ít nhất trong mô hình nghiên cứu tần suất giao dịch giữa các đối tác.

Một số giải pháp cụ thể

Một là, tăng cường mức độ tín nhiệm

- Tạo dựng thương hiệu, nâng cao uy tín cho DN. Theo đó, đối với các DN bán buôn, cần lựa chọn một dòng sản phẩm riêng hoặc một nhãn hiệu riêng có chất lượng trong các sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin để phân phối lâu dài. Xây dựng nên hình ảnh DN gắn với một nhãn hiệu riêng như nhà phân phối sản phẩm Samsung, LG, HP, Intel… Đối với các DN bán lẻ, cần tạo dựng thương hiệu qua việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ chất lượng, luôn đảm bảo giao hàng đúng tiến độ, chủng loại và chất lượng; thanh toán đúng thời hạn, đa dạng phương thức thanh toán...

- Phát triển các dịch vụ thanh toán và giao hàng hiệu quả. Hiện nay, các dịch vụ giao hàng rất đa dạng như chuyển phát bảo đảm, chuyển phát nhanh, giao hàng tiết kiệm… với sự tham gia của rất nhiều các tổ chức giao vận như T&T, Vnexpress, Viettel, VNPT. Bên cạnh đó, DNTM sử dụng nhiều hình thức thanh toán linh hoạt như tiền mặt, chuyển khoản online, QR pay, thu hộ...

Hai  là, củng cố quyền lực của DN: Việc tăng cường quyền lực của DN sẽ nâng cao vị thế của DN với các đối tác sẽ tạo ra sự hợp tác một cách tự nguyện, hoặc tạo áp lực buộc đối tác phải hợp tác với DN. Theo đó, DN cần nâng cao năng lực tài chính của mình thông qua việc hợp tác đầu tư, kêu gọi góp vốn. Để làm được điều này, DN cần có chiến lược kinh doanh cụ thể rõ ràng, đảm bảo tính khả thi theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao trình độ cung ứng, mở rộng lĩnh vực, đa dạng hóa ngành nghề… Tăng cường đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ hiện đại làm gia tăng giá trị cho sản phẩm cung ứng, nâng cao năng suất trong hoạt động kinh doanh của DN...

Ba là, củng cố quan hệ với đối tác: Các DN cần thiết lập mối quan hệ dài hạn, thường xuyên với các nhà cung cấp và phân phối chính: Chủ động tìm kiếm và lựa chọn nhà sản xuất, cung ứng uy tín để thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài, tránh qua trung gian sẽ làm tăng chi chí, kém hiệu quả trong kinh doanh. Thiết lập mạng lưới phân phối rộng, có chính sách hỗ trợ trưng bày, chiết khấu, chiết giá cho các đối tác.

Bốn là, đẩy mạnh văn hóa hợp tác: DN cần xây dựng và củng cố, tạo dựng một nền văn hóa mạnh, hướng vào khách hàng. Để tạo dựng nền văn hóa này DN cần xây dựng triết lý, định hướng, các giá trị cốt lõi trong kinh doanh. Xây dựng các chuẩn mực, quy định, nguyên tắc trong việc hợp tác với các đối tác. Điều này giúp cho việc hợp tác rõ ràng, thống nhất ngay từ đầu với các đối tác. Tạo sự tin tưởng và gắn bó với các đối tác. Lựa chọn các đối tác có nền văn hóa coi trọng khách hàng. Điều này giúp cho sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng.

Kiến nghị

Để chuỗi cung ứng ngành hàng điện tử trên địa bàn Hà Nội có sự hợp tác tốt hơn, tác giả có một số kiến nghị như sau:

- Chính phủ đưa ra những chính sách hỗ trợ cho các DNNVV như: Sử dụng các công cụ tài chính của Nhà nước (lãi suất, tiền tệ) để hạ lãi suất và có lãi suất ưu đãi, các chính sách tín dụng hỗ trợ với các DNNVV trong lĩnh vực điện tử;  Có chính sách thuế hỗ trợ đối với các DN trong nước, nhất là các DN mới thành lập có những khó khăn khi bắt đầu tham gia vào lĩnh vực kinh doanh; Tăng cường quản lý thị trường để kiểm soát những mặt hàng kém chất lượng, hàng nhái ảnh hưởng uy tín của các DN...

- Các hiệp hội cần nâng cao uy tín, tạo ra sức hút và trở thành diễn đàn kết nối DN. Các hiệp hội cần cập nhật thông tin về xu hướng thị trường, ngành hàng của Việt Nam và thế  giới để cung cấp được những thông tin hữu ích cho DN. Tạo ra các diễn đàn, sân chơi để kết nối các DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Niên giám Hà Nội (2017), NXB Thống kê;

2. Nguyễn Đình Thọ (2011), “Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh”, NXB Lao động Xã hội;

3. Trần Văn Hòe, Hoàng Thanh Tùng (2017), Giáo trình Quản trị chuỗi cung ứng, NXB Thống kê, Hà Nội;

4. Douglas M.Lambert, (2008), Supply Chain Management. Processes, Partnerships, Performance, Supply Chain Management Institute.