Hướng dẫn thủ tục đầu tư dự án từ 5.000 tỷ đồng
Công ty TNHH xây dựng và thương mại SDP (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất hạt nhựa PP.
Theo phản ánh của Công ty TNHH xây dựng và thương mại SDP, hiện nay do nhu cầu về nguyên liệu sản xuất của ngành nhựa Việt Nam (nhập khẩu gần 90%), Công ty cùng với một số đối tác xin triển khai đầu tư dự án: Nhà máy sản xuất hạt nhựa PP quy mô công suất 250.000 tấn/năm từ nguyên liệu chính là khí propane hoá lỏng (nhập khẩu), với vốn đầu tư khoảng trên 8.000 tỷ đồng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo quy định tại Điều 31, Luật Đầu tư thì đây là dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo Điều 32 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì: "Đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên quy định tại Khoản 2, Điều 31 Luật Đầu tư phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 Nghị định này để quyết định chủ trương đầu tư".
Căn cứ Khoản 6, Điều 1 Quyết định số 2992/2011/QĐ-BCT ngày 17/6/2011 của Bộ Công Thương về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 thì một trong những giải pháp phát triển ngành nhựa Việt Nam là: "Khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên liệu nhựa, nhằm thoả mãn nhu cầu sản xuất trong nước và một phần xuất khẩu", "gắn kết sản xuất nguyên liệu nhựa với công nghiệp hoá dầu" và tại Phụ lục 1 về danh mục các dự án nguyên liệu ngành nhựa giai đoạn 2016-2020 quy hoạch cụm phân xưởng sản xuất hạt nhựa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công suất 1.450.000 tấn/năm, trong đó riêng sản lượng sản xuất PP là 800.000 tấn/năm.
Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ có 1 dự án duy nhất sản suất hạt nhựa PP công suất 450.000 tấn/năm đã được cấp phép từ trước năm 2016 là Dự án hoá dầu Long Sơn nhưng vẫn chưa triển khai.
Công ty TNHH xây dựng và thương mại SDP muốn hỏi, Công ty có thể căn cứ vào Quy hoạch phát triển ngành nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2992/QĐ-BCT để làm cơ sở tiến hành lập hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 32, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP như trên không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 31 Luật Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên.
Khoản 3, Điều 32 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định: “Đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 Nghị định này để quyết định chủ trương đầu tư”.
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 30 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến thẩm định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về nội dung dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đó, trong đó có ý kiến về sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch sử dụng đất.
Do vậy, đề nghị Công ty liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để được xem xét sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch. Trường hợp dự án phù hợp với các loại quy hoạch, trong đó có Quy hoạch phát triển ngành nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2992/QĐ-BCT ngày 17/6/2011, thì thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ.