Sửa Luật Quản lý thuế:
Hướng tới thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử
Thời gian qua, để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp được giao, cơ quan Thuế các cấp còn gặp nhiều khó khăn trong việc phân bổ nhân lực, thời gian. Do vậy, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được sửa theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng hiệu lực hiệu quả cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế.
Tăng thu ngân sách từ thanh tra, kiểm tra thuế
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thuế, 9 tháng đầu năm, toàn ngành Thuế đã tích cực thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính. Toàn ngành Thuế đã thực hiện 58.862 cuộc thanh tra, kiểm tra. Số cuộc thanh tra này mới chỉ đạt 65,98% kế hoạch năm 2018 (58.862 doanh nghiệp/89.212 doanh nghiệp). Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra hơn 10,3 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ 952 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 16,3 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách 5.810 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cũng đến hết tháng 9, cơ quan Thuế đã kiểm tra được 347.479 hồ sơ khai thuế tại cơ quan Thuế, bằng 55,66% so với cùng kỳ năm 2017. Xử lý điều chỉnh thu vào ngân sách 298 tỷ đồng, giảm khấu trừ 49 tỷ đồng, giảm lỗ 346 tỷ đồng. Qua kiểm tra rà soát các hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế đã phát hiện những sai sót, ẩn lậu của người nộp thuế để điều chỉnh, tăng số thuế kê khai hoặc ấn định thuế.
Từ số liệu thực tế quản lý thuế trên cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của cơ quan Thuế thời gian qua đã có nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào việc tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật thuế; góp phần nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế. Đồng thời kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai sót, vi phạm trong hoạt động kê khai, tính thuế và nộp thuế của người nộp thuế; góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước và ngăn ngừa, cảnh báo các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Theo báo cáo đánh giá của Tổng cục Thuế, việc ứng dụng kỹ thuật quản lý rủi ro vào thanh tra, kiểm tra thuế thời gian qua, cơ quan Thuế đã rút ngắn được thời gian thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế, góp phần giảm bớt phiền hà cho người nộp thuế nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả trong phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật thuế của người nộp thuế.
Từ nay đến cuối năm, toàn ngành Thuế phải tiếp tục thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để đảm bảo thanh tra, kiểm tra đạt 18,5% số doanh nghiệp đang hoạt động theo kế hoạch được giao. Với khối lượng công việc lớn, nhiệm vụ không hề đơn giản, do vậy, để chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Thuế đã liên tục yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ sung nhân lực tối đa cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế; giao nhiệm vụ cụ thể và có kiểm soát đánh giá công việc phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao của mỗi cán bộ công chức. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một cán bộ thuế, hiện nay, số lượng doanh nghiệp phát triển liên tục, trong khi đó lực lượng công chức làm công tác thanh tra lại "mỏng". Đơn cử như tại các quận lớn như Thanh Xuân hay Nam Từ Liêm (Hà Nội), trung bình mỗi cán bộ ở đây phải quản lý từ 300-400 doanh nghiệp. Do vậy, việc bị "quá tải" trong công tác thanh tra, kiểm tra là khó tránh khỏi.
Điện tử hóa để tránh gây ảnh hưởng người nộp thuế
Hiện nay, cơ quan Thuế đang áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế (cơ chế này được đưa vào quy định tại Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế) đối với các chức năng quản lý thuế: đăng ký thuế; khai thuế, nộp thuế; hoàn thuế; xác định, lựa chọn người nộp thuế để thực hiện đưa vào kế hoạch kiểm tra, thanh tra thuế theo quy định của pháp luật; quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; phân loại người nộp thuế áp dụng các biện pháp quản lý trong việc tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế... Qua đó, cơ quan Thuế sẽ xác định được nhóm đối tượng là người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để tăng cường các biện pháp quản lý.
Để tăng chất lượng thanh tra, kiểm tra thuế, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, cần phải chuyển từ việc tiền kiểm sang hậu kiểm trong cơ chế quản lý rủi ro, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra tập trung với nhóm đối tượng là người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao trong quản lý thuế, và đưa vào nhóm đối tượng “trọng tâm” để kiểm tra, thanh tra hàng năm.
Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã hoàn thiện nguyên tắc thanh tra, kiểm tra thuế áp dụng theo cơ chế quản lý rủi ro và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử. Theo đó, cơ quan thuế sẽ kiểm tra các thông tin về doanh nghiệp trên hệ thống dữ liệu để biết được tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp, tình hình sản xuất, kinh doanh, việc thực hiện nghĩa vụ thuế… Sau khi phân tích các dữ liệu này, nếu thấy có dấu hiệu rủi ro về thuế, cơ quan thuế sẽ gửi thư ngỏ, đề nghị doanh nghiệp rà soát, khai thuế lại theo đúng tình hình thực tế. Nếu doanh nghiệp không khai báo lại, cơ quan Thuế sẽ tiến hành thanh tra theo quy định.
Đồng thời, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng bổ sung, hoàn chỉnh về nội dung thanh tra thuế trên cơ sở quy định của Luật Thanh tra để phù hợp với đặc thù thanh tra trong lĩnh vực thuế. Ban soạn thảo cũng đề ra nguyên tắc việc thanh tra, kiểm tra thuế là sẽ không cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân người nộp thuế.
Ở một khía cạnh khác, liên quan đến vấn đề điều tra thuế, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình dự Luật trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, cơ quan Hải quan có chức năng điều tra và khởi tố vụ án, tuy nhiên đối với cơ quan thuế thì không có chức năng này. Qua rà soát các văn bản pháp luật, Chính phủ thấy rằng các văn bản pháp luật (Luật Tố tụng hình sự) không quy định cơ quan Thuế có chức năng điều tra, khởi tố vụ án. Trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến về dự án luật, còn có ý kiến khác nhau về chức năng điều tra thuế. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, theo Luật Quản lý thuế hiện hành, cơ quan quản lý thuế thực hiện quản lý thuế theo chức năng, trong đó có chức năng thanh tra, kiểm tra. Qua thực tế thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý thuế đã xác định số thu về thuế phải nộp cho nhà nước, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Công an để điều tra và xử lý. Vì vậy, cơ chế này là phù hợp trong tình hình bối cảnh hiện nay, không nhất thiết bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan Thuế. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, để tăng cường thẩm quyền cho cơ quan thuế thực thi công tác quản lý thuế có hiệu quả, giảm áp lực hình sự hoá các hoạt động kinh tế, theo kinh nghiệm quốc tế, cần bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế tương tự như cơ quan Hải quan.
Dự thảo Luật được Chính phủ thiết kế theo loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trường hợp Quốc hội quyết định bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan Thuế, Chính phủ sẽ bổ sung 1 chương riêng để quy định nội dung này.