Vai trò của Thuế Thu nhập doanh nghiệp trong thu hút và thúc đẩy đầu tư ở Việt Nam

ThS. Phan Thị Phương Huyền,Phó Trưởng khoa Khoa Đào tạo nghiệp vụ, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là khoản thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh và các khoản thu nhập khác. Hiện nay, bên cạnh vai trò là đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước, phân phối thu nhập thì thuế thu nhập DN còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thu hút và thúc đẩy đầu tư ở Việt Nam.

Thuế thu nhập doanh nghiệp là khoản thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh và các khoản thu nhập khác. Nguồn: internet
Thuế thu nhập doanh nghiệp là khoản thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh và các khoản thu nhập khác. Nguồn: internet

Yêu cầu thúc đẩy và thu hút đầu tư được thể hiện trong pháp luật thuế TNDN

Thuế TNDN là công cụ quan trọng để góp phần khuyến khích, thúc đẩy đầu tư theo chiều hướng kế hoạch, chiến lược, phát triển toàn diện của Nhà nước.

Vì vậy, thúc đẩy và thu hút đầu tư trở thành yêu cầu cấp thiết đối với pháp luật thuế TNDN. Yêu cầu này đã được thể hiện một cách rõ nét qua các quy định của pháp luật thuế TNDN.

Thứ nhất, quy định về mức thuế suất

Thuế suất là một bộ phận cấu thành cơ bản của hệ thống thuế nói chung và thuế TNDN nói riêng với ý nghĩa biểu thị mức độ động viên cao hay thấp trên mỗi đơn vị thu nhập. Các quy định pháp luật thuế TNDN về mức thuế suất có sự thay đổi qua các thời kỳ khác nhau với xu hướng giảm nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Luật Thuế TNDN năm 2008 quy định mức thuế suất phổ thông là 25%, thuế suất thuế TNDN đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.

So với Luật thuế TNDN sửa đổi năm 2003 mức thuế suất phổ thông đã giảm đi đáng kể, quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tế thời gian qua và là mức trung bình so với các nước trong khu vực. Điều này cũng phù hợp với xu thế giảm dần mức thuế suất phổ thông  của các nước nhằm tạo ra sự hấp dẫn và thu hút đầu tư: Các nước ASEAN và một số nước châu Á, điển hình là Malaysia, giảm từ 28% năm 2005 xuống mức 27% năm 2007 và mức 26% năm 2008 và từ năm 2009 đến nay là 25%. Thái Lan đã giảm thuế suất từ 30% xuống 23% vào năm 2012.

Nhiều nước quy định DN nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thấp hơn như: Trung Quốc quy định 20% (thuế suất phổ thông 25%); Thái Lan quy định 15% (thuế suất phổ thông là 23%); Malaysia cũng quy định DN nhỏ và vừa áp dụng mức thuế suất 20% trong khi mức thuế suất phổ thông là 25%...[1] .

Tuy nhiên, mức thuế này vẫn còn khá cao khi hoạt động tạo ra thu nhập của DN còn nhiều khó khăn và xu hướng lập pháp của các nước trong khu vực đang theo lộ trình giảm thuế để khuyến khích đầu tư mà tiêu biểu là Thái Lan giảm thuế suất từ 30% xuống 23% năm 2012.

Bên cạnh đó, Luật thuế TNDN đánh thuế suất phổ thống 25% nhưng không có sự phân biệt quy mô DN, nên đã tạo ra sự bất lợi cho DN yếu thế, có thể so sánh với Trung Quốc khi quy định DN nhỏ và vừa áp dụng mức thuế suất 20% trong khi mức thuế suất phổ thông là 25%, Thái Lan quy định DN nhỏ và vừa áp dụng mức thuế suất 15% trong khi mức thuế suất phổ thống là 23%.

Việc quy định mức thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông cho đối tượng DN yếu thế về quy mô doanh thu là cần thiết, góp phần tạo lập tài sản cho DN cũng như khuyến khích các DN đầu tư mở rộng trong điều kiện kinh tế khó khăn [2].

Để khắc phục hạn chế này và cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN đã quy định mức thuế suất mới theo đó thuế suất thuế TNDN phổ thông là 22%, áp dụng từ  ngày 01/01/2014; Thuế suất này được giảm xuống 20% từ ngày  01/01/2016. Đối với DN có quy mô nhỏ và vừa (tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) áp dụng thuế suất 20% từ ngày 01/07/2013. Thuế suất thuế TNDN ưu đãi 20% sẽ giảm xuống còn 17% từ ngày 01/01/2016.

Với mức thuế suất này so với các nước trong khu vực và trên thế giới khá thấp, DN có thể thu được lợi nhuận cao mà không phải đóng mức thuế như trước. Bài toán mà DN luôn đặt ra đó là so sánh lợi nhuận luôn lớn hơn chi phí bỏ ra. Rõ ràng, xu hướng giảm mức thuế suất này đã và đang tác động tới tư duy đầu tư của nhà đầu tư, có tác dụng trong khuyến khích và thu hút môi trường đầu tư tại Việt Nam. Khi đó, cùng một điều kiện đầu tư giống nhau giữa hai quốc gia nhưng mức thuế suất ở Việt Nam thấp hơn buộc nhà đầu tư phải cân nhắc và dễ dàng lựa chọn đầu tư ở Việt Nam.

Thứ hai, quy định về ưu đãi thuế TNDN

Các quy định của pháp luật thuế TNDN có tác dụng tạo ra sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và một số ngành lĩnh vực quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước như lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực nông nghiệp…

Điều 13, 14 Luật thuế TNDN 2008 quy định 2 hình thức ưu đãi thuế là ưu đãi về thuế suất và ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với một số lĩnh vực, địa bàn cần khuyến khích đầu tư. Theo đó, mức ưu đãi cao nhất (mức thuế suất 10% trong 15 năm, đươc miễn thuế tối đa trong 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 9 năm tiếp theo) dành cho các DN thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm và DN thành lập mới từ dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

Đối với các dự án cần đặc biệt khuyến khích đầu tư có quy mô lớn và công nghệ cao, thời gian ưu đãi thuế suất có thể kéo dài thêm (tối đa thêm 15 năm nữa). DN thực hiện hoạt động xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường được áp dụng thuế suất 10% đối với phần thu nhập từ hoạt động này. Mức ưu đãi thấp hơn với thuế suất 20% trong 10 năm, miễn thuế TNDN tối đa 2 năm, giảm 50% số thuế tối đa trong 4 năm tiếp theo được áp dụng đối với DN thành lập mới từ dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân được áp dụng thuế suất 20%[3].

Việc quy định ưu đãi về thuế suất và ưu đãi về thời gian miễn thuế nhằm mục đích tác động đến hoạt động đầu tư vốn và tổ chức sản xuất, kinh doanh của các DN. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xem chính sách ưu đãi về thuế TNDN là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu điều tiết kinh tế - xã hội của mình và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Tuy nhiên, để tăng cường hơn nữa vai trò trong thu hút đầu tư Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật thuế đã bổ sung thêm các đối tượng để hưởng ưu đãi thuế TNDN như ưu đãi đối với dự án đầu tư mở rộng và các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là ưu đãi trong lĩnh vực công nghệ cao như các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo DN công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo DN công nghệ cao; sản xuất vật liệu composit…;  các dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp và các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. 

Có thể khẳng định rằng, các quy định về chính sách ưu đãi thuế đã thể hiện sự quan tâm đúng mức của Nhà nước đối với các DN nộp thuế, đồng thời góp phần chia sẻ với DN gánh nặng thuế, tạo điều kiện cho DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Các quy định về ưu đãi thuế TNDN đóng vai trò quan trọng trong quá trình thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các vùng, miền và giữa các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đồng thời khuyến khích các DN đầu tư vào những ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, lĩnh vực xã hội hoá, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, Nhà nước thông qua các quy định pháp luật về ưu đãi thuế tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh; thực hiện giảm mức thuế suất chung để khuyến khích DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích luỹ, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh[4]. Những thay đổi về chính sách ưu đãi thuế và thuế suất đã đưa lại những hiệu quả ngày càng cao trong thu hút và thúc đẩy đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, số lượng các dự án FDI vào Việt Nam ngày càng tăng đã minh chứng cho nhận định này.

Song song với hiệu quả về kinh tế, đầu tư tại Việt Nam trong thời gian qua đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động kéo theo đó là nâng cao mức thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động.  Qua đó góp phần xoá đói giảm nghèo và hạn chế các tệ nạn xã hội.

Một số bất cập

Mặc dù pháp luật thuế TNDN thời gian qua đã thể hiện vai trò của mình trong thúc đẩy và thu hút đầu tư ở Việt Nam nhưng bên cạnh đó cũng còn tồn tại những bất cập, hạn chế:

Thứ nhất, Ưu đãi thuế bằng cách sử dụng cơ chế kích hoạt cũng gặp phải một số vấn đề khi đưa vào áp dụng. Cơ chế kích hoạt có thể được hiểu đối với việc áp dụng thuế suất tiêu chuẩn 20% đối với các DN nhỏ và vừa. Với quy định này, các DN sẽ tự động được áp dụng thuế suất ưu đãi 20% khi đáp ứng đủ điều kiện. Sử dụng ưu đãi thuế thông qua cơ chế kích hoạt tự động sẽ minh bạch hơn trong quá trình ra quyết định nhưng sẽ sẽ làm mất quyền tự chủ của những nhà quản lý khi giải quyết các trường hợp đặc biệt[10].

Thứ hai, ưu đãi với hoạt động xuất bản và báo in còn chưa thực sự công bằng (vì hiện nay cũng còn một số lĩnh vực vừa thực hiện mục tiêu về công tác tư tưởng, văn hóa của Nhà nước; vừa có hoạt động sản xuất kinh doanh). Nếu áp dụng cho tất cả các thu nhập từ hoạt động báo in, xuất bản sẽ chưa thực sự đảm bảo công bằng cho các đối tượng

Thứ ba, các quy định về chuyển lỗ cũng được xem như là hình thức hỗ trợ vốn cho các DN và có lợi cho những dự án lớn đầu tư vào sản xuất. Tuy nhiên, nó cũng gây ra những gánh nặng về quản lý khi phải theo dõi số lỗ của nhiều DN trong nhiều năm. Mặt khác, nếu không có quy định hợp lý về vấn đề tính khấu hao thì DN có thể trích khấu hao tăng trong những năm đầu và do đó, việc chuyển lỗ trong một số năm sẽ không có ý nghĩa đối với DN, hay nói cách khác, việc chuyển lỗ sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Thứ tư, pháp luật về thuế TNDN hiện nay quy định hai hình thức ưu đãi về thuế suất và ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế. Những quy định này một mặt tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn cho các DN nhưng mặt khác đó cũng có thể là “khoảng hở” mà DN có thể lợi dụng để gian lận thuế.

Thứ năm, chưa có sự thống nhất giữa các Luật chuyên ngành mà cụ thể là Luật Công nghệ cao năm 2008 và Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013. Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 18 của Luật Thuế TNDN sửa đổi, bổ sung năm 2013 về điều kiện áp dụng ưu đãi thuế không có sự thống nhất với điều kiện áp dụng ưu đãi thuế TNDN theo Luật KH&CN và Luật Công nghệ cao. Ở hai luật chuyên ngành này để DN được hưởng ưu đãi điều kiện chủ yếu là về doanh thu và lao động của DN nhưng Điều 18 lại áp dụng khi DN thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ và nộp thuế theo kê khai. Rõ ràng, điều này gây ra sự chồng chéo, không minh bạch và khó áp dụng cho DN.

Một số kiến nghị

Pháp luật thuế TNDN qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung đã chứng minh được vai trò của mình đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, để phát huy hơn nữa vai trò này tác giả xin đưa ra một số kiến nghị sau đây:   

Thứ nhất, rút ngắn lộ trình áp dụng mức thuế suất phổ thông từ 22% xuống còn 20%, với mức thuế suất này sẽ tạo ra được môi trường cạnh tranh đầu tư với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu áp dụng đúng theo lộ trình để giảm mức thuế suất có nghĩa chúng ta sẽ chậm hơn so với các nước ít nhất là 3 năm bởi lẽ năm 2013 mức thuế suất tại Thái Lan đã là 20%, hay ở Singapo áp dụng mức thuế suất 17% từ những năm về trước.

Thứ hai, thống nhất các quy định về ưu đãi thuế TNDN và điều kiện áp dụng ưu đãi thuế giữa Luật thuế TNDN với Luật Khoa học và Công nghệ và Luật Công nghệ cao. Theo đó, bổ sung  DN KH&CN vào đối tượng được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế TNDN; bổ sung điều kiện áp dụng ưu đãi thuế tại Điều 18 Luật sửa đổi, bổ sung luật thuế TNDN vào Luật Công nghệ cao và Luật Khoa học và Công nghệ.

Thứ ba, xem xét có thể tăng việc sử dụng các ưu đãi thuế cho đầu tư thông qua việc áp dụng một số biện pháp như: chiết khấu đầu tư, khấu trừ thuế đầu tư, khấu hao nhanh kết hợp với quy định về chuyển lỗ. Áp dụng ưu đãi này có thể hạn chế được những nhược điểm của việc áp dụng miễn giảm thuế có kỳ hạn mà vẫn có tác dụng ưu đãi đối với các đối tượng mới thành lập trong khi không bị hạn chế về thời gian (nếu có quy định chuyển lỗ phù hợp).

Thứ tư, cần xem xét lại ưu đãi với hoạt động xuất bản và báo in, có thể áp dụng cơ chế miễn cho các thu nhập từ hoạt động xuất bản, in báo phục vụ mục tiêu chung của Nhà nước sẽ đảm bảo công bằng hơn[11].

Thứ năm, pháp luật về thuế TNDN hiện nay  quy định hai hình thức ưu đãi về thuế suất và ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế. Như trên đã phân tích DN có thể lợi dụng quy định này để thực hiện các hành vi gian lận thuế. Vì vậy, cần phải có những quy định chặt chẽ hơn về các điều kiện áp dụng và cơ chế thực thi hiệu quả.

Thứ sáu, Việt Nam hiện nay chưa có một cơ quan chuyên trách về ưu đãi đầu tư như ở Thái Lan có Uỷ ban đầu tư, ở Malaysia là Cơ quan Phát triển Đầu tư. Cơ quan này giữ chức năng xem xét ưu đãi cho từng dự án và phân loại dự án đầu tư, đồng thời ở Malaysia cơ chế áp dụng ưu đãi mà cơ quan này sử dụng linh hoạt hơn rất nhiều. Thiết nghĩ, Việt Nam nên xây dựng một cơ quan chuyên trách để áp dụng các ưu đãi đầu tư trong đó có ưu đãi về thuế TNDN một cách chặt chẽ, tránh các trường hợp DN lợi dụng để gian lận thuế.

Thứ bảy, xem xét áp dụng chính sách miễn thuế TNDN 100% trong thời gian nhất định cho những DN đầu tư vào các ngành trọng tâm cần thu hút phát triển sản xuất giống như ở Malaysia đã áp dụng cho các DN đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin. Kết quả đưa lại từ chính sách này đó là Malaysia có 30 khu công nghệ thông tin và có gần 3000 công ty đạt đẳng cấp quốc tế./.



[1] Nguyễn Văn Phụng, Giảm thuế suất chung và điều chỉnh ưu đãi thuế TNDN, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 08(240) tháng 4/2013.

[2] Nguyễn Thị Lan Hương, Bảo đảm công bằng và điều chỉnh quan hệ lợi ích khi sửa đổi Luật thuế TNDN, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08(240) tháng 4/2013

[3] Nguyễn Văn Phụng, Giảm thuế suất chung và điều chỉnh ưu đãi thuế TNDN, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 08(240) tháng 4/2013.

[4] Lê Vũ Nam, Ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN năm 2008, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 08(240) tháng 4/2013.

[5] http://www.ncseif.gov.vn/sites/en/Pages/motsogiaiphapthuhut-nd-15664.html

[6] http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/55777/von-fdi-giam-the-tham-trong-nam-2011.html

[7] http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/786/Dau-tu-nuoc-ngoai-nam-2012-dat-tren-16-ty-USD

[8] http://baodautu.vn/so-lieu-chinh-thuc-fdi-vao-viet-nam-2013-2235-ty-usd-d15144.html

[9]http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/gan-22-ty-usd-dau-tu-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-nam-2014-388188.vov

[10] TS Nguyễn Việt Cường, TS Lý Phương Duyên, Các ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật thuế TNDN, Tạp chí Tài chính số 4/2013

[11] TS Nguyễn Việt Cường, TS Lý Phương Duyên, Các ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật thuế TNDN, Tạp chí Tài chính số 4/2013