Huy động vốn ODA phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Theo mof.gov.vn

Việc thu hút nguồn vốn ODA của nước ta trong thời kỳ đổi mới có thể chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1993 - 2000, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh khai thông, mở rộng hợp tác quốc tế và thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ từ nhiều nước và tổ chức quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nguồn ODA đa phương và song phương tăng dần lên, song giai đoạn này chưa có chiến lược hay đề án cụ thể thu hút nguồn vốn ODA. Giai đoạn 2001 - 2010, thu hút ODA đã có chọn lọc đi đôi với việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng và có kế hoạch đảm bảo trả nợ. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các công trình, dự án đã được ký kết, xây dựng Chiến lược thu hút và sử dụng vốn ODA cho thời kỳ mới, tạo lợi thế so sánh để thu hút có hiệu quả các nguồn vốn nước ngoài cho đầu tư phát triển.

Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về huy động ODA

Trên cơ sở các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 5 nghị định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA theo hướng đồng bộ và nhất quán hơn với hệ thống quản lý nhà nước về đầu tư công, hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ, tiệm cận với các chuẩn mực và phù hợp thông lệ quốc tế. Theo đó, việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong huy động và quản lý vốn ODA đã góp phần bổ sung nguồn lực quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế, có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đổi mới phương thức, cách thức huy động vốn ODA và vay ưu đãi

Trong bối cảnh Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp, yêu cầu đối thoại chính sách giữa Chính phủ và các nhà tài trợ phải sâu hơn về nội dung, rộng hơn về phạm vi tham gia của các bên vào quá trình phát triển và kết quả đối thoại cần được theo dõi và triển khai thực hiện trong đời sống thực tế. Để đáp ứng yêu cầu này, tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) lần thứ 19 (tháng 12/2012), Chính phủ và các nhà tài trợ đã quyết định cải tiến hội nghị này thành Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam thường niên (VDPF) để tập trung nhiều hơn cho đối thoại về các chính sách phát triển.

Kết quả cam kết, ký kết và giải ngân vốn ODA có nhiều cải thiện

Trên cơ sở kết quả các hội nghị CG/VDPF, tổng vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ giai đoạn 1993 - 2014 đạt 85,195 tỷ USD với mức cam kết kỷ lục trong các năm gần đây.

Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ đã ký kết các điều ước quốc tế cụ thể về ODA từ năm 1993 đến nay, đạt trên 69,188 tỷ USD, bằng 81,21% tổng vốn ODA cam kết, trong đó vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt 62,012 tỷ USD, chiếm khoảng 89,62%; vốn ODA không hoàn lại đạt 7,176 tỷ USD, chiếm khoảng 10,38%. Phần lớn các khoản vay ODA và vay ưu đãi quy mô lớn có lãi suất thấp, thời gian vay và ân hạn dài. Khoảng 45% khoản vay có lãi suất dưới 1%/năm, thời hạn vay từ 30 - 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn; khoảng 40% các khoản vay ODA còn lại có lãi suất từ 1 - 3%/năm, thời hạn vay 12 - 30 năm, trong đó có 5 - 10 năm ân hạn và 15% còn lại là các khoản vay có điều kiện ưu đãi kém hơn.

Tổng vốn ODA giải ngân tính đến hết năm 2014 dự kiến đạt 48,23 tỷ USD, chiếm trên 69,71% tổng vốn ODA ký kết. Riêng hai năm trở lại đây, nhờ quyết tâm cao của Chính phủ, nỗ lực của các ngành, các cấp và nhà tài trợ, giải ngân của một số nhà tài trợ quy mô lớn như Nhật Bản, WB đã có tiến bộ vượt bậc: Tỷ lệ giải ngân của Nhật Bản tại Việt Nam năm 2011 đứng thứ hai và năm 2012 đứng thứ nhất thế giới; tỷ lệ giải ngân của WB tại Việt Nam tăng từ 13% năm 2011 lên 19% năm 2012.

Qua các thời kỳ, mức cam kết, ký kết và giải ngân đã có những tiến bộ nhất định, tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, riêng giai đoạn 2011 - 2014, số cam kết thấp hơn so với giai đoạn 2006 - 2010 nhưng số ký kết lại cao hơn giai đoạn 2006 - 2010 và cao hơn số cam kết trong cùng giai đoạn. Điều này thể hiện những cố gắng to lớn của Việt Nam và các nhà tài trợ trong việc cải tiến và hài hòa hóa quy trình, thủ tục, hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực ở tất cả các khâu trong huy động nguồn lực (xây dựng văn kiện dự án; thẩm định và phê duyệt dự án; đàm phán và ký kết hiệp định; tổ chức, quản lý và thực hiện dự án) cũng như sự tin tưởng của các nhà tài trợ đối với Việt Nam.

Quy mô dự án được ký kết tăng dần qua các thời kỳ

Số lượng hiệp định ký kết thời kỳ 2006 - 2010 ít hơn, chỉ bằng 58,5% so với thời kỳ 2001 - 2005, song quy mô trung bình của các chương trình, dự án trong thời kỳ này lại cao gấp gần 2 lần. Điều này cho thấy đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ODA: (i) Tập trung ưu tiên ODA cho dự án đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, quy mô tương đối lớn, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, năng lượng và công nghiệp, thông tin liên lạc, phát triển hạ tầng đô thị; (ii) Áp dụng cách tiếp cận theo chương trình, ngành thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc các chương trình ngành thực hiện ở nhiều địa phương như trong ngành giao thông (Dự án Giao thông nông thôn III), nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp với xóa đói giảm nghèo (chương trình lâm nghiệp, Chương trình 135 giai đoạn II, chương trình cấp nước nông thôn...), y tế (xây dựng hệ thống bệnh viện theo vùng lãnh thổ), giáo dục và đào tạo (Dự án Giáo dục cho tất cả mọi người, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...).

Tỷ lệ vốn vay trong tổng vốn ODA có xu hướng tăng từ 80% (1993 - 2000) lên 81% (2001 - 2005), 93% (2006 - 2010) và hiện ở mức 96% (2011 - 2014). Trong thời gian gần đây, đặc biệt sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, chi phí vốn vay có xu hướng tăng, nhiều khoản vay ODA có điều kiện ràng buộc từ bên ngoài, làm chi phí đầu vào cao, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và khả năng trả nợ trong các trường hợp các dự án được vay lại nguồn vốn vay ODA của Chính phủ. Thực tế này đòi hỏi việc sử dụng vốn vay trong thời gian tới phải đảm bảo hiệu quả kinh tế, vay và trả nợ nước ngoài bền vững.

Tỷ trọng ODA so với GDP ngày càng cao

Mức đóng góp của ODA vào tăng trưởng GDP đã có xu hướng tăng dần theo các năm và thường tăng cao vào những thời kỳ kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức (như trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế châu Á 1997 - 1998; khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 - 2009). Trong giai đoạn 2004 - 2014, ODA chiếm trung bình khoảng 3,25% GDP, một tỷ trọng không lớn song có thể thấy tác động tích cực của nó trong việc kích cầu đầu tư, góp phần vào việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Nhìn chung, công tác vận động, thu hút và sử dụng ODA của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua các chỉ tiêu chủ yếu gồm vốn ODA cam kết, vốn ODA ký kết và vốn ODA giảingân. Hiện có khoảng 50 nhà tài trợ song phương và đa phương đang hoạt động, cung cấp nguồn ODA và vốn vay ưu đãi cho nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam./.