Huy động vốn trái phép: Biến tướng của đa cấp

Theo baocongthuong.com.vn

Thời gian gần đây, hiện tượng kinh doanh đa cấp “biến tướng” để cung cấp dịch vụ, giao dịch tiền ảo, huy động tài chính nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp, khó lường, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lãi suất khủng

Những ngày đầu tháng 10/2016, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an tỉnh Đồng Nai khám phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, các đối tượng tham gia đường dây góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Phương Thái An với mô hình huy động vốn trên mạng bằng cách bán các ID trên trang web Hero8.org. Các đối tượng đặt ra yêu cầu, ai muốn tham gia mô hình phải đóng 10.160.000 đồng. Trong đó, phí tham gia hệ thống là 2.160.000 đồng (tiền PIN), và 8 triệu đồng tiền đầu tư ban đầu (tiền PH).

Đối tượng rao trên trang web rằng, cứ mỗi cá nhân sau khi tham gia 1 mã ID với số tiền nói trên, sẽ được nhận 2,2 triệu đồng (gọi là tiền GH). Và mỗi cá nhân sẽ được nhận 18 đợt tiền GH như vậy. Theo tính toán, mỗi cá nhân góp vốn ban đầu sẽ có 39.600.000, lợi nhuận đầu tư ước tính là 130%/tháng.

Đại tá Phan Mạnh Trường - Phó Cục trưởng C50 - cho biết: Trong trường hợp này các đối tượng rất trắng trợn, không sử dụng gian hàng, không buôn bán sản phẩm, phục vụ lợi ích kinh doanh nào nhưng lại đưa ra mức lãi suất siêu khủng. Điều đáng nói là khi các lực lượng chức năng phát hiện, tức chỉ sau hơn 3 tháng hoạt động, trang Hero8.org đã bán được hơn 14.000 tài khoản ID, huy động số tiền lừa đảo đến hơn 150 tỷ đồng.

Hệ lụy khôn lường

Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) - cho biết thêm: Ngoài trường hợp trên, có nhiều tổ chức, cá nhân còn sử dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính thông qua hình thức lôi kéo, dụ dỗ người tham gia đầu tư tiền vào các dự án bất động sản, nhà hàng, khách sạn, khai thác khoáng sản… Nhiều trường hợp, các dự án này chỉ là vỏ bọc để che đậy hoạt động huy động tiền. Bản chất của hoạt động này vẫn là lấy tiền của người vào mạng lưới sau trả cho người vào mạng lưới trước.

Cho dù Cục Quản lý cạnh tranh đã không ít lần cảnh báo người dân: Một doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính thì hoạt động cơ bản của doanh nghiệp đó phải là bán và tiêu thụ hàng hóa chứ không phải các hoạt động tuyển dụng, thu hút đầu tư, huy động tiền...; hay Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng quy định rất rõ: Cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với dịch vụ dưới mọi hình thức, nhưng vẫn có không ít những trường hợp người dân hám lợi, nhẹ dạ cả tin đặt tiền cho những công ty, tổ chức mù mờ như trên, thậm chí nhiều người đến lúc công ty bị bắt vẫn không biết, không tin mình bị lừa tiền.

Đại tá Phan Mạnh Trường khẳng định, không có mô hình sản xuất, kinh doanh nào không có sản phẩm lại cho lợi nhuận đến hơn 130%/tháng. Đứng trước lợi nhuận càng cao, người dân lại càng phải tỉnh táo để tránh mắc vào bẫy lừa đảo.

“Việc tham gia các tổ chức này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro. Một khi người đầu tư đã nộp tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo thì thông thường sẽ rất khó để rút tiền ra khỏi hệ thống. Đặc biệt, theo quy định hiện hành, các loại tiền ảo và hình thức tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, người đầu tư sẽ không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình” - ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh.

Để tránh tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật, trước khi tham gia hoạt động bán hàng đa cấp, người tham gia phải tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp. Nếu phát hiện doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với dịch vụ, người dân cần báo ngay cho Sở Công Thương, cơ quan công an địa phương hoặc Cục Quản lý cạnh tranh để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.