Siết kinh doanh đa cấp

Theo thoibaonganhang.vn

Có thể nói, hậu quả mà những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo gây ra rất nặng nề cho người dân. Trong khi đó, chế tài xử lý cũng chưa mạnh tay, chưa đủ sức răn đe. Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về các hoạt động lừa đảo núp bóng đa cấp.

Những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo gây ra rất nặng nề cho người dân.
Những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo gây ra rất nặng nề cho người dân.

Công ty cổ phần Zogo (Đống Đa, Hà Nội) - một doanh nghiệp bán hàng đa cấp mới đây đã bị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) gửi thông báo chấm dứt hoạt động. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng đã bị buộc chấm dứt hoạt động như Công ty trách nhiệm hữu hạn Tupperware Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên CVI LINK Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất và Thương mại MLM Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhượng quyền thương mại Thăng Long, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất nhập khẩu - Thương mại Vina Linh...

Bên cạnh đó, không ít công ty cũng đã bị xử phạt hàng trăm triệu đồng vì những sai phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp. Chẳng hạn như Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhượng quyền thương mại Thăng Long bị phạt 460 triệu đồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Absonutrix Việt Nam bị phạt 460 triệu đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại MLM Việt Nam bị phạt 350 triệu đồng...

Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Trịnh Anh Tuấn cho biết, 6 tháng vừa qua, Cục đã điều tra, xử phạt 36 doanh nghiệp với số tiền xử phạt gần 6,5 tỷ đồng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với 9 doanh nghiệp. Cục cũng tiếp nhận và xử lý 123 khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp…

Các hành vi vi phạm của các công ty này chủ yếu là không thông báo cho các cơ quan quản lý khi sửa đổi giấy chứng nhận bán hàng đa cấp, khi thay đổi hồ sơ, khi thực hiện hoạt động khuyến mại; không cung cấp đầy đủ thông tin cho người tham gia mạng lưới; tổ chức hội nghị, hội thảo không đúng nội dung thông báo...

Việc kiểm tra, xử lý các công ty này thường rất khó khăn do nhiều công ty có địa chỉ ảo, tổ chức bán hàng lén lút, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa...

Có thể nói, hậu quả mà những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo gây ra rất nặng nề cho người dân. Trong khi đó, chế tài xử lý cũng chưa mạnh tay, chưa đủ sức răn đe. Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về các hoạt động lừa đảo núp bóng đa cấp.

Bản chất của hoạt động này vẫn là lấy tiền của người vào mạng lưới sau trả cho người trước. Khi không còn người đóng tiền vào hệ thống thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ rất khó lấy lại số tiền đã đầu tư. Biểu hiện của mô hình này là các tổ chức hứa hẹn trả hoa hồng, tiền thưởng cao bất thường so với số tiền bỏ ra ban đầu, hoặc các “viễn cảnh tươi đẹp” khác.

Lại nữa, trên thị trường đang xuất hiện hoạt động giao dịch đồng tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp. Theo đó, người đầu tư bỏ một khoản tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo, sau đó phải tuyển dụng người đầu tư mới đặt ở tuyến dưới của mình để được hưởng các khoản hoa hồng, tiền thưởng.

Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo, một khi người đầu tư đã nộp tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo thì thông thường sẽ rất khó để rút tiền ra khỏi hệ thống. Việc tham gia kinh doanh này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì tổ chức, cá nhân kêu gọi đầu tư sẽ dễ dàng sử dụng và chiếm đoạt tiền của người tham gia.

Để siết chặt các hoạt động của công ty đa cấp trên địa bàn, mới đây UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận đề nghị của Sở Công Thương về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra đồng bộ, toàn diện đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động trên địa bàn thành phố.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết thêm, tới đây Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các văn bản, chính sách quản lý và trong thời gian đó, phải siết chặt, hạn chế cấp phép mới bán hàng đa cấp.