IMF: Các nền kinh tế mới nổi cần phải chuẩn bị khi Fed tăng lãi suất

Theo Thu Thủy/congthuong.vn

Theo dự báo mới đưa ra của IMF ngày 10/1, nền kinh tế toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục phục hồi khỏi sự tàn phá của đại dịch trong năm 2022-2023, tuy nhiên, nguy cơ đối với tăng trưởng vẫn còn lớn do biến thể Omicron lây lan khắp thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo IMF, các nền kinh tế mới nổi cần sẵn sàng cho quãng thời gian có thể khó khăn trước mắt trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế thế giới có thể chậm lại do biến thể Omicron. Tuy vậy, IMF bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, lạm phát ở mức vừa phải vào cuối năm 2022. Đồng thời, nền kinh tế toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục phục hồi khỏi sự tàn phá của đại dịch trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên, nguy cơ đối với tăng trưởng vẫn còn lớn do đại dịch tái bùng phát mạnh mẽ.

Nền kinh tế Mỹ vẫn còn phải đối mặt với nguy cơ lạm phát tiền lương trên diện rộng và sự tắng nghẽn nguồn cung liên tục có thể thúc đẩy giá cả hàng hoá tăng cao hơn dự đoán. Những yếu tố này có thể khiến lạm phát tại quốc gia này tăng cao, khiến ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất cao hơn dự kiến. Và điều này có thể làm chao đảo thị trường tài chính, kích hoạt dòng vốn chảy ra nước ngoài của nước này và khiến đồng tiền mất giá.

Lãi suất cao hơn đồng nghĩa với chi phí tài chính của một số nền kinh tế mới nổi, vay nợ bằng USD, sẽ tăng lên. Các nước này vốn đã bị tụt lại trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, do đó, ít có khả năng gánh thêm chi phí.

Theo giới chuyên gia, việc Fed đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất có thể gây ảnh hưởng đến các thị trường tài chính, kéo theo việc siết chặt hơn các điều kiện tài chính trên quy mô toàn cầu. Khi đó, nhu cầu và thương mại có nguy cơ chậm lại tại Mỹ và đồng USD mất giá. Đối với các thị trường mới nổi, nợ công và nợ tư cao, chênh lệch tỷ giá hồi đoái và số dư tài khoản vãng lai thấp hơn sẽ bị ảnh hưởng lớn khi đồng USD giảm giá.

Các chuyên gia IMF do đó khuyến nghị các thị trường mới nổi với áp lực lạm phát lớn cần phải nhanh chóng hành động để giảm giá tiền tệ và tăng lãi suất tại nước sở tại. IMF cũng kêu gọi các ngân hàng trung ương cần phải thông báo rõ rằng và nhất quán các chính sách thắt chặt. Đồng thời, tổ chức này cũng cho rằng các quốc gia có mức nợ ngoại tệ cao nên tìm cách phòng ngừa rủi ro.

Các chuyên gia của IMF cảnh bảo: “Các nền kinh tế mới nổi nên chuẩn bị cho những xáo trộn kinh tế tiềm tàng”. Đồng thời, IMF cũng chỉ ra những rủi ro khi đại dịch bùng phát trở lại.

IMF cũng khuyến nghị các chính phủ có thể thúc đẩy nguồn lực tài chính bằng cách tăng dần thuế truy thu, cải cách lương hưu và trợ cấp,…

Kể từ giữa tháng 12/2021, biến thể Omicron đã lây lan trên khắp thế giới, khiến số ca mắc mới COVID-19 trên thế giới liên tục lập mốc "kỷ lục buồn". Mặc dù Omicron dường như không gây bệnh nghiêm trọng bằng các biến thể trước, song đối mặt với biến thể mới này, nhiều nước đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế, gây cản trở đối với tăng trưởng kinh tế.

Theo kế hoạch, IMF sẽ công bố dự báo kinh tế cập nhật vào ngày 25/1 tới.