IMF hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022

Theo Trung Mến/bizlive.vn

Tư vấn kinh tế tại IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, phân tích: “Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã suy yếu khá nhiều, chủ yếu bởi do căng thẳng Nga – Ukraine”.

Ảnh: Nikkei
Ảnh: Nikkei

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày thứ Ba đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2022 và năm 2023, IMF khẳng định rằng tác động kinh tế từ căng thẳng Nga – Ukraine sẽ còn kéo dài và tệ hại.

Theo CNBC, IMF dự báo GDP thế giới tăng trưởng 3,6% trong năm nay và năm 2023. Như vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế kỳ vọng đã được điều chỉnh giảm lần lượt 0,8 và 0,2 điểm phần trăm so với tính toán được đưa ra vào tháng 1/2022.

Tư vấn kinh tế tại IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, phân tích: “Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã suy yếu khá nhiều, chủ yếu bởi do căng thẳng Nga – Ukraine”.

Căng thẳng Nga – Ukraine thực sự bắt đầu từ ngày 24/2/2022, với nhiều quan chức như ông Jens Stoltberg, Moscơ đang hy vọng sẽ có thể nắm kiểm soát toàn bộ Ukraine.

“Tác động của căng thẳng Nga – Ukraine sẽ trên diện rộng, nó gây ra thêm áp lực giá cả và làm tồi tệ hơn nhiều thách thức về chính sách”, ông Pierre-Olivier Gourinchas nói trong chia sẻ mới đây.

Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngày thứ Hai, WB ước tính tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2022 khoảng 3,2%, giảm so với con số 4,1% trước đó.

Mỹ, Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt chống lại các ngân hàng, tỷ phú và ngành năng lượng Nga.

Theo IMF, các biện pháp trừng phạt này sẽ có tác động nặng nề lên kinh tế Nga. IMF tính toán GDP của Nga sẽ giảm ước tính khoảng 8,5% trong năm nay và 2,3% trong năm 2023.

Tuy nhiên, IMF còn công bố dự báo bi quan hơn cho kinh tế Ukraine. IMF nhấn mạnh: “Đối với năm 2022, kinh tế Ukraine nhiều khả năng sẽ suy giảm 35%”. IMF đồng thời nói thêm rằng sẽ có thêm nhiều phân tích chính xác về kinh tế.

 

“Ngay cả nếu căng thẳng kết thúc sớm, nhiều thiệt hại liên quan đến nhân mạng và dòng vốn cũng như con người tháo chạy sẽ ảnh hưởng tệ hại đến các hoạt động kinh tế trong nhiều năm tới”, IMF phân tích.

Xét trên phạm vi rộng hơn, quyết định của Nga trong việc gây căng thẳng với Ukraine đã tạo ra thêm nhiều cú sốc với kinh tế toàn cầu, cùng lúc đó tạo ra nhiều thách thức.

“Nga cùng với Ukraine là những nhà cung cấp lớn các sản phẩm dầu, khí đốt, kim loại, bột mì và ngô. Việc nguồn cung những sản phẩm này suy giảm đã đẩy giá tăng lên mạnh”, IMF chỉ ra.

Tình trạng này dự kiến sẽ gây tổn hại đến các hộ gia đình thu nhập thấp trên toàn cầu và dẫn đến tình trạng lạm phát cao kéo dài lâu hơn so với dự kiến. IMF cho rằng tỷ lệ lạm phát sẽ lên mức 7,7% tại Mỹ trong năm nay và 5,3% trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

“Rủi ro ở đây chính là kỳ vọng lạm phát vượt quá cao tính toán của ngân hàng trung ương và sẽ lập tức ảnh hưởng đến các mục tiêu của họ. Chắc chắn nó sẽ gây ra nhiều phản ứng từ các nhà hoạch định chính sách kinh tế”, chuyên gia IMF dự báo.

Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất 6 lần trong năm 2022 trong khi đó ECB vào tuần trước đã xác nhận rằng họ sẽ chấm dứt chương trình mua tài sản ngay trong quý 3/2022. Tuy nhiên, quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ có thể được đẩy nhanh nếu lạm phát duy trì ở mức cao.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của IMF cũng đề cập đến những nỗi lo khi 5 triệu người di cư Ukaine hiện đang phải cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ tại các nước láng giềng ví như Ba Lan, Rumani hay Moldova, bối cảnh đó tạo ra vô cùng nhiều áp lực lên các nước đang hỗ trợ họ.