ISO 31000:2018 đồng hành cùng doanh nghiệp quản lý và hạn chế rủi ro
Việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 được xem là yếu tố quan trọng, đồng hành cùng doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Áp dụng ISO 31000:2018 giúp doanh nghiệp hạn chế được rủi ro và tránh lãng phí, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
ISO 31000:2018 là một tiêu chuẩn quốc tế cung cấp các nguyên tắc, khung và quy trình quản lí rủi ro, có thể áp dụng cho mọi doanh nghiệp, tổ chức, bất kể quy mô hoặc lĩnh vực hoạt động.
Không những thế, ISO 31000:2018 còn có thể áp dụng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp, bao gồm các chiến lược và quyết định, hoạt động, quy trình, chức năng, dự án, sản phẩm, dịch vụ và tài sản.
Áp dụng ISO 31000:2018 sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng đạt được các mục tiêu, cải thiện việc xác định các cơ hội và các mối đe dọa và phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để quản lý, xử lý rủi ro.
Nhờ áp dụng ISO 31000:2018 theo Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam cùng sự tư vấn của các chuyên gia năng suất của Trung tâm Thông tin – Truyền thông tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Công ty TNHH Hải Nam Okinawa đạt nhiều kết quả tích cực.
Áp dụng ISO 31000:2018 giúp 90% các mối nguy về an toàn thực phẩm của Công ty TNHH Hải Nam Okinawa liên quan đến phạm vi áp dụng được xác định và kiểm soát chặt chẽ.
Thực hiện mô hình Hệ thống quản lý rủi ro cho lĩnh vực an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 đã giúp công ty nhận diện các loại rủi ro và từng bước quản lý, hạn chế rủi ro, tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực. Nhờ ISO 31000:2018, công ty có nhiều hơn thời gian để nâng cao chất lượng sản phẩm, vươn mình phát triển.
Trong đó, việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 trong lĩnh vực an toàn thông tin cho phạm vi nuôi trồng và chế biến rong nho tại Công ty TNHH Hải Nam Okinawa giúp 90% các mối nguy về an toàn thực phẩm liên quan đến phạm vi áp dụng được xác định và kiểm soát chặt chẽ. Theo thống kê, trong 5 tháng áp dụng, tỷ lệ hàng hóa bị hư hỏng trong quá trình nuôi trồng chế biến giảm 5%.
Các mối nguy còn lại đều được Hải Nam Okinawa theo dõi, đảm bảo trong vùng an toàn. Không ghi nhận sự cố, rủi ro mất an toàn thực phẩm xảy ra trong quá trình thực hiện hệ thống. Kết quả phân tích định kỳ của công ty về ngưỡng nguy hại trong sản phẩm đều đạt yêu cầu đề ra.
Cũng giống như Hải Nam Okinawa, Công ty TNHH Lắp máy Bình Minh cũng đã hạn chế được rủi ro, tránh lãng phí nhờ áp dụng thành công ISO 31000:2018. Từ khi áp dụng ISO 31000:2018, việc đánh giá mối nguy về an toàn theo phạm vi áp dụng đã giúp Lắp máy Bình Minh kiểm soát được công tác an toàn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng cũng như các văn bản pháp lý, nhận thức của người lao động trong vấn đề quản lý rủi ro ngày càng được nâng cao.
Một doanh nghiêp khác cũng áp dụng thành công ISO 31000:2018 là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viễn thông (IFC). IFC hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, nghiên cứu phát triển và sản xuất chế tạo các sản phẩm phần cứng, phần mềm ứng dụng trong các lĩnh vực điện tử- viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa…
Căn cứ vào tình hình hoạt động của công ty, nguồn lực hiện có, ban lãnh đạo Công ty đã quyết định áp dụng hệ thống quản trị rủi ro theo Tiêu chuẩn ISO 31000:2018 đối với cung ứng thiết bị và hệ thống: điện, viễn thông, công nghệ thông tin, điều khiển đo đếm; sản xuất và cung ứng thiết bị đầu cuối viễn thông, thiết bị vô tuyến, thiết bị PCL.
Nhờ áp dụng ISO 31000:2018, IFC trở thành một công ty phát triển bền vững, dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực tự động hóa, điện tử và công nghệ thông tin tại Việt Nam. Ông Mai Phước Long- Phó giám đốc Công ty IFC khẳng định, tiêu chuẩn ISO 31000:2018 là công cụ hỗ trợ quan trọng trong việc kiểm soát các rủi ro trong hoạt động của công ty, là căn cứ để Công ty tiếp cận các công việc dựa trên các rủi ro và cơ hội.