Italia không thay đổi mục tiêu thâm hụt ngân sách bất chấp áp lực từ EU

Theo Thái Anh/daibieunhandan.vn

Trong buổi phỏng vấn trên sóng phát thanh hôm qua 2/10, Thủ tướng Italy Luigi Di Maio đã khẳng định, nước này sẽ không thay đổi mục tiêu thâm hụt ngân sách bất chấp áp lực từ Brussels và các đối tác tại Liên minh châu Âu (EU).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Lời tuyên chiến”

“Chúng tôi chắc chắn sẽ không giảm chỉ tiêu thâm hụt ngân sách 2,4% GDP như đã đề ra dù chỉ một milimet”, Thủ tướng Di Maio tuyên bố chắc nịch.

Trước đó vài ngày, Chính phủ Italy vừa đưa ra kế hoạch ngân sách gây tranh cãi cho năm 2019, trong đó gia tăng chi tiêu cũng như nâng chỉ tiêu thâm hụt ngân sách lên 2,4%, gấp 3 lần so với mức chỉ tiêu của Chính phủ tiền nhiệm.

Giới chức Rome lập luận, kế hoạch trên sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập và cho phép nợ công giảm khoảng 1% GDP. Cụ thể, chi tiêu nhiều hơn sẽ giúp liên minh cầm quyền gồm đảng Phong trào 5 sao và đảng cánh hữu Liên đoàn, có nguồn tài chính để thực hiện các cam kết hạ tuổi nghỉ hưu, giảm thuế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng phúc lợi.

Là nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song Italy lại là quốc gia có năng suất lao động thấp nhất, tỷ lệ thất nghiệp cao, cộng thêm khối nợ lên tới 2.300 tỷ USD. Ngoài ra, khủng hoảng nhập cư vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối, đe dọa an ninh và ổn định của quốc gia này.

Chính vì thế, quyết tâm cao độ thoát khỏi khó khăn của Chính phủ đã khiến tờ La Stampa ví kế hoạch ngân sách mới như “lời tuyên chiến” của Rome với Brussels.

Bởi ngay sau khi nó được công bố, mâu thuẫn giữa đất nước hình chiếc ủng với các đối tác châu Âu ngay lập tức nảy sinh. Được biết, Italy sẽ phải chính thức đệ trình dự thảo ngân sách năm 2019 cho Ủy ban châu Âu (EC) để kiểm tra trước ngày 15/10.

Sau một tuần, EC sẽ kết luận nó có vi phạm các quy định của EU hay không. Trong trường hợp có vi phạm, cơ quan này sẽ yêu cầu Italy nộp bản dự thảo mới sau đó một tuần. Thực sự, đây sẽ là động thái chưa từng xảy ra kể từ khi EC được trao quyền xem xét dự thảo ngân sách của các thành viên từ năm 2013.

Nỗi lo sợ của châu Âu

Mặc dù, tỷ lệ 2,4% vẫn thấp hơn nhiều so với mức trần 3% của EU, nhưng quyết định của Italy đã phá vỡ những nỗ lực giảm nợ gần đây của mình. Italy hiện là quốc gia có mức nợ công chỉ thua mỗi Hy Lạp trong khi tăng trưởng kinh tế lại chậm nhất.

Viện Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) từng dự đoán, GDP của nước này năm 2018 sẽ chỉ tăng 1,4%, kém xa mức 7,5% trước khủng hoảng tài chính năm 2008 hay thậm chí so với tốc độ phát triển trung bình (2,5%) của các nước trong Eurozone.

Chính vì thế, EC lo ngại rằng, kế hoạch ngân sách mới càng làm gia tăng nợ công của Italy, vốn đã ở mức tương đương 131% GDP, gấp đôi so với mức trần EU quy định là 60%.

Thực tế, cơ quan hành pháp của EU này từng phải xem xét nhiều vụ phá vỡ quy định ngân sách của liên minh lá cờ xanh từ nhiều năm trước đây như trường hợp của Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và ngay cả bản thân Italy. Đánh giá của EC về các chính phủ liên quan có thể “có nguy cơ không tuân thủ” hoặc “có nguy cơ không tuân thủ nghiêm trọng”…

Cách đây 2 ngày, các Bộ trưởng Tài chính thuộc Eurozone cũng đã nhóm họp tại Luxembourg để cảnh báo Italy phải tuân thủ các luật lệ về chi tiêu công của EU.

Tuy nhiên, họ đồng thuận với quan điểm rằng sẽ không đưa ra đánh giá vội vã về kế hoạch của chính quyền Rome, tránh tác động tiêu cực lên các thị trường tài chính vốn đang hoang mang và tạo áp lực không tốt đối với nền kinh tế yếu ớt của nước này.

Việc trừng phạt Italy không khéo có thể khiến cơn ác mộng khủng hoảng nợ tái hiện. Còn nhớ, thâm hụt ngân sách và nợ công khổng lồ đã từng đẩy Hy Lạp, một thành viên Eurozone, vào bờ vực phá sản cách đây 3 năm, kéo theo cả châu Âu lao đao. Vì thế, chắc chắn không ai muốn thảm kịch đó bị lặp lại.

Dẫu vậy, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng, các nước cũng vẫn phải tạo áp lực dần dần lên Rome. Bởi việc tuân thủ các quy định giờ càng trở nên quan trọng bội phần, nhất là trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với nhiều mối đe dọa nảy sinh từ các phong trào dân túy và chủ nghĩa dân tộc, từ đó có nguy cơ gây nguy hiểm cho sự tồn vong của Eurozone.