JBIC mong muốn hợp tác với Việt Nam để hiện thực hóa mục tiêu cam kết tại COP 26
Sáng ngày 9/3/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có cuộc làm việc với Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.
Chào mừng ông Maeda Tadashi - Chủ tịch JBIC, ông Yamada Takio - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Nhật Bản và các tổ chức của nước này thời gian qua đã thúc đẩy quan hệ hợp tác, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của hai nước.
Chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sau 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, Việt Nam tập trung vào phục hồi và phát triển kinh tế. Hiện nay, tình hình kinh tế vĩ mô và thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đều khả quan.
Đặc biệt, năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng hơn 8%. Thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 15% so với năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 730 tỷ USD. Chỉ số CPI bình quân tăng 3,15% so với bình quân năm 2021. Nợ công giảm xuống còn khoảng 38% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước dưới 4% trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
“Năm 2022, Việt Nam đã giảm, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp là khoảng 10 tỷ USD, đồng thời, bố trí khoảng 16 tỷ USD để thực hiện gói kích cầu, an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số…” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, 2023 sẽ là năm có nhiều thách thức như: An ninh năng lượng, cuộc xung đột Nga - Ukraine, lạm phát, giá cả hàng hóa tăng cao của các quốc gia trên thế giới. Những yếu tố này sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, sự thu hẹp của thị trường xuất khẩu; áp lực của tăng giá nguyên vật liệu đầu vào và lạm phát là những vấn đề Việt Nam cần tập trung giải quyết.
Người đứng đầu ngành Tài chính cho rằng, qua theo dõi kinh tế của 2 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô của Việt Nam phát triển tốt, do các yếu tố như: Giá cả ổn định, thu ngân sách nhà nước tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2022; xuất siêu đạt khoảng hơn 2,8 tỷ USD. Có thể nói, những dự án mà JBIC đã và đang triển khai tại Việt Nam mang lại hiệu quả thiết thực cho Việt Nam, đặc biệt là 23 dự án lớn mà JBIC đã tài trợ và cho Việt Nam vay vốn.
“Chúng tôi mong muốn, trong thời gian tới, JBIC tiếp tục phối hợp với Việt Nam để thúc đẩy tạo ra giá trị chung toàn cầu và đảm bảo cho lợi ích của hai nước. Những cam kết quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết được thực hiện một cách nghiêm túc và đạt được mục tiêu cao”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Đánh giá cao những chia sẻ của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Chủ tịch JBIC Maeda Tadashi cảm ơn Bộ trưởng và Bộ Tài chính Việt Nam đã dành thời gian tiếp đoàn. Ông Maeda Tadashi bày tỏ cảm phục với việc Việt Nam ứng phó tốt với đại dịch COVID-19 để trở thành một trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng dương, kiềm chế được lạm phát và duy trì được nền kinh tế vĩ mô ổn định.
Chia sẻ về sáng kiến “Cộng đồng châu Á không phát thải” (AZEC), ông Maeda Tadashi cho biết, ngày 4/3/2023 đã có cuộc họp cấp Bộ trưởng được tổ chức tại Tokyo. Tại cuộc họp này, phía Việt Nam có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tham dự.
Trong Hội nghị COP 26 vào năm 2021, khi đó Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để cắt giảm được lượng phát thải các - bon theo mục tiêu này, còn tùy thuộc vào tình hình của mỗi quốc gia, cũng như năng lực của mỗi quốc gia. Điều này dẫn tới trách nhiệm của mỗi quốc gia cũng sẽ có sự khác nhau.
“Việt Nam sẽ là nước tiếp nhận những công nghệ kỹ thuật mới và nguồn vốn trên thế giới để thực hiện được cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra” - ông Maeda Tadashi nhận định.
Chia sẻ thêm về sáng kiến AZEC, Chủ tịch JBIC Maeda Tadashi cho hay, AZEC sẽ là cộng đồng tập hợp các nước trong khu vực châu Á để cùng nhau có tiếng nói chung về vấn đề năng lượng. JBIC hiện đóng vai trò chủ chốt trong cung cấp tín dụng và vốn đầu tư, có vai trò trung tâm trong các hoạt động hợp tác quốc tế của Nhật Bản. Một trong những hạng mục JBIC cần hiện thực hóa là Sáng kiến AZEC ở châu Á và Sáng kiến chuyển đổi năng lượng châu Á của Nhật Bản.
Theo ông Maeda Tadashi, có 3 điểm nhấn mà AZEC cần phát đi thông điệp để cộng đồng thế giới hiểu hơn về mong muốn, mục tiêu của các nước châu Á: Thứ nhất, hướng tới phát thải các-bon bằng 0 phải cân nhắc tình hình riêng, đặc thù của mỗi quốc gia. Thứ hai, các nước châu Á cũng mong muốn chuyển đổi sang năng lượng thân thiện với môi trường hơn. Thứ ba, các nước châu Á mong muốn vừa giảm phát thải, nhưng không muốn “hi sinh” những lợi ích tăng trưởng kinh tế của nước mình.
Tại cuộc làm việc, hai bên đã trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như: Chuyển đổi số; Vốn tín dụng cho các dự án năng lượng; Phát triển kinh tế xanh... Bên cạnh các nội dung này, đoàn công tác của Nhật Bản bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác đầu tư vào Việt Nam, từ đó giúp Việt Nam sớm hiện thực hóa mục tiêu cam kết tại COP 26.