KBNN Việt Nam - Dấu ấn 30 năm xây dựng và phát triển
Kể từ ngày tái thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) trực thuộc Bộ Tài chính (1/4/1990), qua 30 năm hình thành và phát triển, KBNN đã có những bước đi vững chắc, tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò quan trọng của mình trong hệ thống quản lý tài chính công, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Khẳng định vai trò “người gác cửa” ngân quỹ quốc gia
Từ Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã diễn ra một cách sâu sắc và toàn diện. Cơ chế quản lý tài chính và tiền tệ đã có những thay đổi căn bản, phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế mới.
Trong xu hướng chung đó, hệ thống KBNN được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) tái thành lập trực thuộc Bộ Tài chính theo Quyết định số 07/ HĐBT ngày 1/4/1990 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/4/1990. Từ đó đến nay, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, KBNN đã trải qua 30 năm xây dựng và phát triển vững mạnh.
Từ những chức năng, nhiệm vụ ban đầu là chỉ tập trung nguồn thu, thực hiện xuất quỹ theo yêu cầu của cơ quan tài chính, huy động và quản lý các nguồn vốn vay, trả nợ dân, hạch toán kế toán các hoạt động thu, chi ngân sách... đến nay, KBNN không ngừng được hoàn thiện và bổ sung về chức năng, nhiệm vụ. Hiện nay KBNN đã được Chính phủ tin tưởng giao thực hiện các chức năng của một cơ quan kho bạc hiện đại, bao gồm: Quản lý nhà nước về Quỹ Ngân sách nhà nước (NSNN), các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ nhà nước; tổng kế toán nhà nước; huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển.
Kết quả hoạt động 30 năm qua cho thấy, KBNN đã làm tốt công tác tập trung nguồn thu cho NSNN đảm bảo nhanh chóng, kịp thời; tổ chức tốt công tác huy động vốn hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu cân đối NSNN, tập trung vốn đầu tư phát triển góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước. Nhiệm vụ kiểm soát chi NSNN cũng được KBNN thực hiện chặt chẽ, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN… Qua đó, một mặt, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN; mặt khác, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách…
Bên cạnh làm tốt công tác kiểm soát thu chi, công tác kế toán NSNN tiếp tục được KBNN duy trì và giữ vai trò trung tâm trong việc cung cấp thông tin, báo cáo về tình hình tài chính - ngân sách phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý, giám sát và điều hành của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và chính quyền các cấp.
Hệ thống KBNN 30 năm qua cũng có sự bứt phá vượt bậc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ, góp phần rút ngắn thời gian giao dịch, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công.
Không ngừng hiện đại hóa công nghệ, hình thành kho bạc điện tử
Những năm đầu tái thành lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiệp vụ KBNN còn thiếu thốn. Trên quan điểm tận dụng thế mạnh của công nghệ, 30 năm qua KBNN đã luôn ưu tiên, tập trung các nguồn lực để hiện đại hóa công nghệ quản lý, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các hoạt động quản lý, quản trị của KBNN; tăng cường khả năng tương tác, kết nối, trao đổi thông tin giữa KBNN với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, nâng cao hiệu quả xử lý công việc.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 - 2020, hệ thống KBNN đã có những bước tiến nhanh, vượt bậc, điều đó được thể hiện trên cơ sở KBNN đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007) với nhiều cải cách, đổi mới, đột phá và theo thông lệ tốt của thế giới.
Cụ thể, triển khai định hướng đặt ra tại Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ: “Xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành kho bạc điện tử”, thời gian qua, hệ thống KBNN đã xây dựng và triển khai nhiều dự án, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ và công tác quản trị nội ngành; từ đó, thiết lập một cấu trúc tổng thể công nghệ thông tin phù hợp với Chiến lược phát triển KBNN.
Thành quả nổi bật trong việc hiện đại hóa công nghệ quản lý KBNN 30 năm qua là việc xây dựng và triển khai thành công hệ thống TABMIS trên toàn quốc; qua đó, gắn kết chặt chẽ các khâu của quy trình quản lý NSNN, góp phần nâng cao chất lượng, tính kịp thời của thông tin báo cáo. Bên cạnh hệ thống TABMIS, các ứng dụng công nghệ thông tin khác trong quản lý, quản trị hoạt động của KBNN cũng từng bước được phát triển;
từ đó, đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tài chính – ngân sách cũng như yêu cầu quản trị nội bộ KBNN. Đến nay, gần 100% các đơn vị giao dịch tại KBNN cấp tỉnh, KBNN quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã tham gia dịch vụ công trực tuyến với KBNN; dự kiến trong năm 2020, KBNN sẽ triển khai tới 100% các đơn vị sử dụng NSNN trên phạm vi toàn quốc.
Cùng với tăng cường hiện đại hóa công nghệ thông tin, hình thành kho bạc điện tử, tổ chức bộ máy của KBNN cũng được sắp xếp, hợp lý theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ và đảm bảo phát huy vai trò cơ quan trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác quản lý tài chính công. Tính từ năm 2015 đến nay, hệ thống KBNN đã cắt giảm được 251 phòng thuộc KBNN cấp tỉnh, cắt giảm 58 KBNN cấp huyện và tương đương; giảm gần 2.000 cấp tổ thuộc KBNN cấp huyện. Về sắp xếp, bố trí cán bộ, KBNN đã cắt giảm được hơn 620 vị trí lãnh đạo cấp phòng và tương đương; cắt giảm hơn 2.600 công chức lãnh đạo cấp tổ (đội)...
Bước sang giai đoạn mới, nhiệm vụ của hệ thống KBNN là hết sức nặng nề, song với niềm tin vững chắc vào định hướng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, toàn thể đội ngũ công chức, viên chức KBNN tiếp tục kế thừa những thành tích đã đạt được, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với vai trò "Người gác cửa" ngân quỹ quốc gia.