Kế hoạch hành động tài chính 2016-2018: Trọng tâm là tái cơ cấu nguồn thu ngân sách
Trước bối cảnh tăng trưởng kinh tế chưa thực sự vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN) vẫn còn khó khăn, giá dầu duy trì ở mức thấp, để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến thu NSNN, đồng thời đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội, Kế hoạch hành động tài chính trung hạn 2016-2018 (MTAP 2016-2018) vừa được Bộ Tài chính ban hành đã nhấn mạnh trọng tâm ưu tiên tái cơ cấu NSNN, trong đó tập trung đồng thời cả thu và chi ngân sách.
Theo TS. Nguyễn Viết Lợi- Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), mục tiêu của MTAP 2016 – 2018 là tiếp tục góp phần thực hiện mục tiêu tổng quát và 6 nhiệm vụ cụ thể đã được xác định tại Chiến lược tài chính đến năm 2020. Trong đó tập trung vào xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính; cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện; đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính.
Cụ thể hóa các mục tiêu này, Bộ Tài chính đã đặt ra một số chỉ tiêu định lượng, trong đó mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và cơ cấu lại theo hướng tăng nguồn thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu NSNN; tỷ lệ huy động thu NSNN giai đoạn 201 6 - 2020 khoảng 20 - 21% GDP; tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí khoảng 19 - 20% GDP; tốc độ tăng trưởng số thu thuế, phí và lệ phí bình quân hàng năm từ 16- 18%/năm.
Theo đó, về chính sách thuế, phí, lệ phí và thu khác giai đoạn 2016-2018 phải xây dựng một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế và có khả năng huy động đầy đủ, chủ động,hợp lý nguồn thu cho NSNN; mở rộng cơ sở tính thuế, duy trì mức thuế suất hợp lý, đảm bảo công bằng, bình đẳng về thuế giữa các đối tượng nộp thuế; tạo động lực khuyến khích sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thực hiện hiệu quả các Luật Thuế XNK, TNDN, TNCN, GTGT, thuế tài nguyên và chính sách thuế đối với bất động sản.
Đồng thời, đơn giản hóa hệ thống chính sách ưu đãi thuế, trong đó sẽ sửa đổi, bổ sung chính sách thu NSNN liên quan đến hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên đảm bảo thống nhất, phù hợp với sửa đổi, bổ sung của các văn bản pháp luật có liên quan; hoàn thiện cơ chế tài chính nhằm huy động, khai thác nguồn lực từ tài sản công; có cơ chế phù hợp để khai thác tài chính từ nguồn quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng.
Đối với quản lý thuế, thời gian tới Bộ Tài chính cũng đặt vấn đề tiếp tục đổi mới, hiện đại hóa phương thức quản lý thu NSNN; xây dựng giải pháp, chính sách phù hợp để hạn chế các tác động tiêu cực do giảm thu từ tài nguyên, khoáng sản và từ thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, chống thất thoát, gian lận thuế; hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực ngành thuế; cải cách và hiện đại hóa công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; đổi mới và tăng cường năng lực công tác thanh tra, kiểm tra; hiện đại hóa công tác quản lý thuế trên cơ sở phát triển hệ thống công nghệ thông tin gắn với hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật.
Để thực hiện các mục tiêu, MTAP 2016-2018 nêu rõ, ngành tài chính cần triển khai thực hiện tốt các luật thuế hiện hành để tạo thuận lợi cho DN, định kỳ có đánh giá, tổng kết nhằm kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh để trình các cấp có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh, bổ sung, đảm bảo phù hợp với các diễn biến của bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ ban hành các văn bản pháp luật để hướng dẫn triển khai thực hiện tốt Luật Phí, lệ phí nhằm khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu đảm bảo chính sách phí, lệ phí công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân và DN, thúc đẩy cải cách hành chính trong ngành, lĩnh vực cung cấp các dịch vụ có thu phí, lệ phí, tăng cường xã hội hóa các dịch vụ công.
Mặt khác, Bộ Tài chính sẽ có những nghiên cứu để sớm trình Quốc hội ban hành Luật Thuế tài sản nhằm điều tiết đối với nhà, đất ở và tài sản có giá trị lớn, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường, bảo đảm động viên nguồn thu hợp lý cho NSNN; đồng thời xây dựng quỹ phát triển hạ tầng cơ sở nhằm huy động nguồn lực tài chính từ quỹ đất của các địa phương. Bên cạnh việc đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thuế tài nguyên, ngành tài chính cũng phải tập trung đánh giá 5 năm giai đoạn 2011-2015 triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020 để kịp thời phát hiện những vấn đề còn bất cập và đề xuất định hướng giải pháp cho giai đoạn 2016-2020 phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.