Thuế nội địa sẽ duy trì tổng thu ngân sách nhà nước
Xét trong tỷ trọng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thì quy mô thuế xuất nhập khẩu (XNK) trên tổng thu NSNN của năm sau so với năm trước có xu hướng giảm (trung bình mỗi năm giảm gần 1%) trong giai đoạn 2011-2015.
Quy mô thuế XNK giảm gần 1% mỗi năm
Việt Nam đã và đang thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Quyết định số 40/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 một cách nhất quán.
Việc tham gia hội nhập sâu rộng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo cơ hội thúc đẩy thương mại, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu…
Đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) (trong đó có 9 FTA đang thực hiện, 2 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực và 1 FTA đã kết thúc đàm phán, dự kiến ký kết trong năm 2016) và một số FTA đang đàm phán khác.
Tham gia vào các FTA đồng nghĩa với việc Việt Nam cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ các rào cản về thương mại hàng hoá và dịch vụ. Cam kết tự do hoá trong thương mại hàng hoá được thực hiện thông qua cắt giảm thuế quan và các biện pháp phi thuế quan. Việc triển khai cam kết cắt giảm thuế quan theo lộ trình sẽ có tác động trực tiếp đến thu ngân sách nhà nước.
Thu NSNN từ hoạt động XNK chủ yếu do đóng góp của số thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với hàng nhập khẩu, và thuế bảo vệ môi trường đối với hàng nhập khẩu (riêng thuế bảo vệ môi trường được áp dụng từ ngày 01/01/2012).
Thực tế thu thuế từ hoạt động XNK trong các năm qua tăng tương đối nhanh. Giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập WTO (2001-2006) thì thu từ hoạt độngXNK tăng khoảng 16,7%/năm, giai đoạn từ 2007-2014 có tốc độ tăng khá cao, trung bình hơn 20%/năm, có năm tăng 40-47%.
Có được kết quả này là nhờ kim ngạch XNK tăng với tốc độ khá cao (13%) qua các năm, đồng thời thuế nhập khẩu nói chung và trong các FTA nói riêng đang trong lộ trình giảm dần, chưa xoá bỏ hoàn toàn.
Tuy nhiên, xét trong tỷ trọng thu NSNN thì quy mô thuế xuất nhập khẩu trên tổng thu NSNN của năm sau so với năm trước có xu hướng giảm (trung bình mỗi năm giảm gần 1%) trong giai đoạn 2011-2015, mặc dù giá trị thu NSNN từ thuếXNK và tổng thu NSNN vẫn tăng dần với tốc độ tăng trung bình qua các năm.
Tỷ trọng giảm thu thuế XNK phù hợp xu hướng thế giới
Việt Nam đang thực thi cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu trong 9 FTA và chuẩn bị triển khai cam kết thuế quan trong FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu, với lộ trình cắt giảm thuế chi tiết theo từng năm.
Các mốc cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam cam kết trong các FTA khác nhau theo từng đối tác, năm 2018 đối với ASEAN, Trung Quốc, năm 2021 đối với Hàn Quốc, năm 2022 đối với Úc – Niu Di-lân, năm 2026 đối với Nhật Bản...
Vì vậy, xu hướng giảm tỉ trọng thu NSNN từ thuế XNK trên tổng thu NSNN phù hợp với xu hướng của các nước khi tham gia vào quá trình hội nhập, đặc biệt là khi tham gia vào các FTA đang ở trong giai đoạn cắt giảm thuế cuối cùng.
Riêng đối với thu thuế nhập khẩu, việc thực hiện cắt giảm thuế quan trong các FTA đang bước vào giai đoạn cuối của lộ trình cam kết, đã dẫn đến thay đổi về cơ cấu mặt hàng và cơ cấu đối tác trong hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các đối tác FTA.
Cơ cấu mặt hàng chuyển dịch từ nhập khẩu thành phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước sang nhập khẩu nguyên phụ liệu làm đầu vào cho gia công, chế biến phục vụ sản xuất tiêu dùng và xuất khẩu khiến nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng bởi việc hoàn thuế, thuế suất thuế nhập khẩu thấp hoặc bằng 0%...
Việc chuyển dịch thương mại sang các nước đối tác trong khuôn khổ các FTA mới với mức độ mở cửa thị trường cao hơn, mặc dù góp phần giảm mức độ phụ thuộc vào các thị trường nhập khẩu truyền thống, song phần nào có ảnh hưởng đến thu ngân sách.
Đối với các nguồn thu khác (từ thuế GTGT, TTĐB, bảo vệ môi trường) thì cũng có tác động bởi khi thuế nhập khẩu giảm dẫn đến giá có thuế nhập khẩu để tính thuế GTGT, TTĐB, bảo vệ môi trường giảm, do đó, tỷ lệ đóng góp vào thu NSNN cũng giảm.
Ngoài việc gia tăng thương mại, góp phần tăng thu thuế GTGT, thuế TTĐB và thuế bảo vệ môi trường đối với hàng nhập khẩu, việc thực hiện các cam kết hội nhập còn thu hút và góp phần gia tăng đầu tư nước ngoài nhằm tận dụng những cơ hội do các FTA mang lại.
Hay nói cách khác, điểm tích cực của việc thực hiện cắt giảm thuếtheo các cam kết FTA là giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó làm gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, góp phần có tác động lan toả trong toàn bộ nền kinh tế trong việc tăng thu NSNN từ các sắc thuế nội địa khác như thuế TNDN, TNCN..., tạo công ăn việc làm cho người lao động và tăng tính chủ động của nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu.
Căn cứ số liệu hải quan giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) trung bình giai đoạn này đạt gần 12%, tập trung vào các nhóm mặt hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm và linh kiện điện tử, sắt thép và sản phẩm sắt thép, xăng dầu các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc và nguyên liệu…
Đây chủ yếu là các mặt hàng nguyên phụ liệu, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, xuất khẩu (trung bình chiếm trên 85% tổng KNNK hàng năm).
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng trung bình 14,2%/năm trong giai đoạn này, các nhóm mặt hàng xuất khẩu chính đã dần chuyển hướng từ nguyên liệu thô, sản phẩm khai khoáng sang các mặt hàng gia công, chế biến gồm: dệt may, điện thoại, máy tính và sản phẩm điện tử, giày dép, thuỷ sản…
Bên cạnh việc thực hiện lộ trình xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với hầu hết các mặt hàng theo các hiệp định đang thực thi, Việt Nam đang chuẩn bị triển khai cam kết thuế quan trong các FTA mới, đặc biệt là Hiệp định TPP (dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018).
Trong ngắn hạn việc thực thi cam kết trong TPP không gây nhiều tác động tới thu ngân sách nhà nước do Việt Nam đã có các FTA với hầu hết các nước thành viên TPP và lộ trình xóa bỏ thuế quan sẽ kết thúc sau 16 năm thực thi Hiệp định (dự kiến tới năm 2034).
Đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong TPP là Hoa Kỳ hiện đang có mức xuất siêu lớn (gần 25 tỷ USD năm 2015).
Khác với các FTA trước đây, mặc dù có cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu trong TPP, tuy nhiên Việt Nam lại được quyền bảo lưu thuế xuất khẩu đối với một số nhóm hàng quan trọng có tỷ trọng trong tổng số nguồn thu từ thuế xuất khẩu trên 90% như dầu thô, vàng, quặng zircon, than cốc, than đá.
Do vậy, thực thi cam kết thuế quan trong TPP dự kiến cũng sẽ không tác động lớn đối với thu ngân sách xét về tỉ trọng đóng góp trong tổng thu ngân sách.
Hay nói cách khác, xét về thu thuế xuất khẩu, vấn đề đặt ra khi thực hiện các cam kết về thuế xuất khẩu trong Hiệp định TPP và sắp tới là FTA Việt Nam – EU sau khi Hiệp định này được ký kết và phê chuẩn không phải là thách thức đối với số thu ngân sách do Việt Nam được quyền bảo lưu thuế xuất khẩu đối với các nhóm hàng quan trọng, nhưng lại đặt ra thách thức về gian lận điểm đến do liên quan đến mức thuế suất nhập khẩu khác nhau giữa các thị trường được hưởng/không được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu theo cam kết FTA.
Như vậy, xu hướng giảm thu ngân sách do tác động từ việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam trong các FTA là không tránh khỏi nhưng sẽ được bù đắp bằng kết quả của việc thực hiện các biện pháp điều hành chính sách liên quan đến thuế nội địa một cách hợp lý./.
Điểm tích cực của việc thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết FTA là giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó làm gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, góp phần có tác động lan toả trong toàn bộ nền kinh tế trong việc tăng thu NSNN từ các sắc thuế nội địa khác như thuế TNDN, TNCN..., tạo công ăn việc làm cho người lao động và tăng tính chủ động của nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu.